Một trinh sát hạm và hai máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện trái phép ở khu vực Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp ngày 9/6 cho thấy một tàu trinh sát thuộc lớp Type 815G của Trung Quốc hoạt động trái phép gần đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong ảnh vệ tinh, một máy bay tuần thám Y-8Q và một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cũng đỗ tại đường băng trên đảo nhân tạo này.
Trinh sát hạm và máy bay tuần thám Trung Quốc xuất hiện tại quần đảo Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng sau loạt hoạt động của Bắc Kinh tại khu vực, bao gồm việc triển khai hàng trăm tàu cá tại khu vực bãi Ba Đầu và vụ 16 máy bay quân sự áp sát không phận Malaysia.
Tàu trinh sát và máy bay quân sự Trung Quốc hiện diện trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: Maxar. |
Đá Chữ Thập là một trong các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song Trung Quốc chiếm giữ trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động quân sự hóa như xây đường băng, cầu cảng và cơ sở quân sự trên thực thể này.
Trung Quốc nhiều lần điều tàu khảo sát tới thăm dò tài nguyên cá và dầu khí tại khu vực Biển Đông, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực, vốn được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Hải quân Mỹ gần đây tăng cường hoạt động tại khu vực Biển Đông và nhiều lần chạm mặt lực lượng Trung Quốc. Hồi tháng 5/2020, hai chiến hạm Mỹ hoạt động gần tàu khoan West Capella của Malaysia, vốn bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối trong nhiều ngày trước đó.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS. |
Trong buổi họp báo ngày 10/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan đến quần đảo này.
"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông", bà Hằng cho biết.
"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn nói.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)
Việt Nam lên tiếng về gần 300 tàu Trung Quốc ở Trường Sa
Việt Nam theo dõi sát diễn biến và thực thi chủ quyền trên Biển Đông, trong bối cảnh gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện ... |