Trung Quốc tuyên bố khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng của Bhutan là vùng lãnh thổ tranh chấp, khiến các chuyên gia quốc tế bị sốc.
Trong hội nghị trực tuyến của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tại thủ đô Washington, Mỹ hôm 2-3/6 để ra quyết định tài trợ cho các dự án môi trường trên toàn thế giới, Trung Quốc đã nêu ra một khu vực tranh chấp lãnh thổ mới với nước láng giềng Bhutan.
Khi Hội đồng GEF thảo luận về nguồn ngân sách cho khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng (SWS) ở huyện Trashigang, phía đông Bhutan, giáp biên giới Ấn Độ và Trung Quốc, thành viên phía Trung Quốc phản đối với lý do khu bảo tồn nằm trong khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc, các nguồn tin cho biết.
Tuyên bố này khiến cả hội đồng bị sốc, nhưng ban thư ký GEF bác bỏ luận điểm của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra SWS nằm trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của Bhutan.
Tuy nhiên, trong suốt buổi họp, đại diện Trung Quốc liên tục nhấn mạnh cần viết thêm vào phần chú thích của phiên làm việc rằng \\"Trung Quốc phản đối dự án này vì lý do dự án nằm trong khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc\\".
Khu vực tranh chấp lâu nay giữa Trung Quốc và Bhutan cùng khu vực tranh chấp mới theo yêu sách của Trung Quốc. Đồ họa: Strat News Global. |
Ban thư ký GEF tuyên bố phần chú thích sẽ chỉ ghi lại thực tế rằng Trung Quốc phản đối dự án và lý do sẽ được ghi lại trong phần các vấn đề thảo luận nổi bật - bản ghi chú ít tính chính thức hơn, chứ không được ghi vào bản Tóm tắt của Chủ tịch.
Tuy nhiên, đại diện Trung Quốc tuyên bố cần thêm thời gian tham khảo ý kiến cấp trên để đưa ra quan điểm về vấn đề này. Vấn đề vẫn để ngỏ tại thời điểm này, nhưng những người từng đàm phán với Trung Quốc nhận định nó vẫn chưa kết thúc.
Phần lớn các thành viên hội đồng GEF ủng hộ quan điểm của Bhutan và dự thảo Tóm tắt của Chủ tịch đã được hội đồng phê chuẩn, bất chấp sự phản đối của đại diện Trung Quốc. Chương trình Làm việc được thông qua, bản tóm tắt dự thảo của Chủ tịch có ghi chú \\"Trung Quốc phản đối và không tham gia quyết định của Hội đồng về dự án này\\".
Chính phủ Bhutan đã gửi công hàm tới Hội đồng GEF, phản đối mạnh mẽ việc các tài liệu trong phiên họp đặt nghi vấn về chủ quyền của Bhutan đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng.
Bhutan bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố khu bảo tồn là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Bhutan và chưa từng tranh chấp với bất kỳ nước nào. Bhutan kêu gọi Hội đồng GEF loại bỏ tất cả tài liệu tham khảo về yêu sách vô căn cứ của Trung Quốc.
Bhutan và nước láng giềng Trung Quốc phát sinh tranh chấp biên giới từ vài thập kỷ trước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa chính phủ hai nước chỉ giới hạn ở ba khu vực tranh chấp gồm Jakarlung và Pasamlung ở phía bắc và Doklam ở phía tây Bhutan.
Bhutan và Trung Quốc đã tổ chức 24 vòng đàm phán về tranh chấp biên giới từ năm 1984 nhưng chỉ giới hạn trong ba khu vực nói trên và tới nay chưa tìm ra giải pháp.
Vòng đàm phán gần nhất diễn ra hồi tháng 7/2018, gần một năm sau khi Bhutan và Ấn Độ giải quyết xong tranh chấp tại cao nguyên Doklam. \\"Trung Quốc và Bhutan đã đạt được nhiều đồng thuận trong hai ngày thăm và làm việc của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu\\", trích thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn phát đi thông cáo báo chí, cho hay trong cuộc hội đàm, Khổng Huyễn Hựu đã đề xuất hai bên tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán về biên giới, tuân thủ sự đồng thuận đã đạt được, cùng duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực biên giới, tạo điều kiện tích cực để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai quốc gia. Thời điểm đó, không ai đề cập tới khu bảo tồn Sakteng hay khu vực xung quanh nó là lãnh thổ tranh chấp giữa hai quốc gia.
Việc nêu ra một khu vực tranh chấp mới vốn không tồn tại là kịch bản Trung Quốc thường thực hiện với các nước láng giềng trong khu vực.
Trung Quốc đề ra yêu sách mới với Bhutan trong bối cảnh mọi động thái của nước này đang bị Ấn Độ theo dõi chặt chẽ vì khu vực này nằm gần Tawang, thị trấn lớn nhất trong khu vực Kameng ở Arunachal Pradesh. Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Arunachal Pradesh là Nam Tây Tạng, là vùng lãnh thổ của nước này, bất chấp sự phản đối của Ấn Độ.
Bhutan dạy chúng ta điều gì về hạnh phúc?
Bhutan đã thành lập một Ủy ban Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH), cơ quan có trách nhiệm đảm bảo mọi thứ của đất nước ... |
Sân bay không nhiều phi công đủ trình độ hạ cánh ở Bhutan
Bao quanh bởi những ngọn núi cao, gió mạnh, đường băng ngắn, sân bay Paro thuộc top nguy hiểm nhất thế giới. |
https://vnexpress.net/trung-quoc-doi-chu-quyen-khu-bao-ton-cua-bhutan-4123007.html