Bắc Kinh đang áp dụng thuyết chiến tranh vùng xám, sử dụng thiết bị dân sự nhằm giành được lợi thế ở Biển Đông.
"Dường như Trung Quốc đang tránh bị quy kết quân sự hoá Biển Đông khi triển khai mạng lưới máy bay không người lái", Peter Layton, Đại học Griffith, Australia, nói với VnExpress về hệ thống mới mà Bắc Kinh triển khai trên các khu vực chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Layton nhắc đến mạng lưới máy bay không người lái (UAV) mà Trung Quốc mới công bố, do Bộ Tài nguyên nước này vận hành để giám sát các đảo và thực thể ở Biển Đông.
Mạng lưới này trang bị camera độ phân giải cao kết nối với các xe liên lạc trên mặt đất, đóng vai trò như trạm thu phát sóng và mạng liên lạc vệ tinh hàng hải. Các UAV được triển khai để bổ sung cho hệ thống cảm biến vệ tinh vốn hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Camera gắn trên các UAV có thể thu được hình ảnh sắc nét, đa góc độ hơn so với vệ tinh và được truyền phát theo thời gian thực. Khi thực hiện nhiệm vụ, các trạm thu phát sóng sẽ di chuyển hoặc được chở tới những nơi không có trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu từ UAV và chuyển lên vệ tinh dưới dạng hình ảnh tĩnh hoặc video trực tiếp. Hình ảnh sẽ được hiển thị tại trụ sở của Cục Nam Hải ở tỉnh Quảng Đông, cách đó hàng nghìn km.
Mô hình hoạt động của mạng lưới UAV của Bộ Tài nguyên Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Theo Layton, đáng chú ý là mạng lưới UAV do Bộ Tài nguyên Trung Quốc vận hành, vì thế chúng được coi là các máy bay dân sự. "Vỏ bọc" đó khiến các UAV của Bắc Kinh được coi là không đe doạ, trong khi thiết bị tương tự của các nước khác sẽ bị coi là gây nguy hại đến an ninh khu vực.
"Trung Quốc đang triển khai các UAV theo thuyết chiến tranh vùng xám, sử dụng các phương tiện dân sự, chứ không phải phương tiện quân sự nhằm hiện thực hoá yêu sách của mình ở Biển Đông", Layton nhấn mạnh.
Cũng đồng tình về ý đồ của Trung Quốc, Ted Galen Carpenter, Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao và quốc phòng Cato, Mỹ, cho hay mạng lưới UAV của Bắc Kinh là một bước đi khác trong nỗ lực giành vị trí thống trị ở Biển Đông và khu vực lân cận. Bên cạnh việc gây cản trở cho tàu quân sự của các nước, Trung Quốc gia tăng tuần tra trên biển và trên không. Mạng lưới UAV của Trung Quốc còn cho thấy sự chuyển đổi nhanh chóng và đáng kể về năng lực an ninh của các nước trên thế giới.
Đánh giá tác động từ mạng lưới UVA của Trung Quốc, Layton cho rằng chúng sẽ hoạt động ở tầm thấp, khoảng 2.000 m so với mặt nước biển, tập trung ở gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng và các tàu của nước này. Khi đó, Trung Quốc có thể tuyên bố các vùng nguy hiểm hoặc khu vực hạn chế, ngăn cản hoặc cấm máy bay có người lái của các nước khác đi qua. Các UAV có thể hỗ trợ Trung Quốc thiết lập vùng đặc quyền trên không.
"Khả năng UAV của Trung Quốc có thể va chạm, gây hại và thậm chí gây tai nạn với các máy bay có người lái của nước khác là một nguy cơ thực sự", Layton nói.
Theo chuyên gia Mỹ Carpenter, có hai "cách ứng xử" mà Trung Quốc sẽ thực hiện. Thứ nhất, với các nước nhỏ hơn, Bắc Kinh sẽ thu thập các thông tin cần thiết về tàu quân sự và tàu thương mại của họ. Dữ liệu đó phục vụ cho việc quấy rầy, thậm chí là ngăn cản hoạt động của tàu do các bên cùng có tranh chấp vận hành, bất cứ lúc nào Trung Quốc muốn. Nói cách khác, UAV được thiết kế làm phương tiện hăm doạ các nước yếu hơn.
Thứ hai, với các nước ngoài khu vực nhưng có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, mạng lưới UAV của Trung Quốc nhắc nhở Washington rằng Bắc Kinh theo dõi các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải liên tục, chứ không phải định kỳ. Trong khi đó, Mỹ sẽ không chấp nhận bị một nước cạnh tranh "theo dõi sát" ở khu vực.
"Sự kết hợp của các yếu tố trên, về thái độ của Trung Quốc với các nước nhỏ hơn và với Mỹ, sẽ khiến căng thẳng gia tăng", Carpenter nói.
Việt Nam phản ứng về thông tin Trung Quốc triển khai UAV ở Biển Đông
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất ... |
Trung Quốc vận hành mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông
Mạng lưới máy bay không người lái UAV được Trung Quốc vận hành để giám sát nhiều thực thể trên Biển Đông. |