Trung Quốc củng cố ảnh hưởng ở Trung Á

Trong lúc ảnh hưởng của Nga đang suy giảm ở Trung Á, Trung Quốc tìm cách nhảy vào thế chỗ khoảng trống để giành ngôi vị thống trị trong khu vực.

Tầm vóc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị thu hẹp ở Samarkand. Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan vào tuần trước, nhà lãnh đạo Nga đã phải thừa nhận những quan ngại của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine, đối mặt với những lời khiển trách từ Thủ tướng Ấn Độ và chờ đợi Tổng thống Kyrgyzstan đến muộn cuộc họp song phương. Hội nghị thượng đỉnh SCO đã cung cấp bằng chứng trực quan về vị thế đang giảm sút của Nga ở Trung Á, vốn đã mờ nhạt do cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine.

Trung Quốc củng cố ảnh hưởng ở Trung Á -0
Ông Tập Cận Bình và ông Putin đều tìm cách củng cố ảnh hưởng ở Trung Á.

Nga-Trung sánh đôi ở Trung Á

Trong lúc ảnh hưởng vốn đã bị xói mòn của Moscow ở Trung Á dự kiến sẽ suy giảm nhanh chóng hơn nữa, Trung Quốc có phần miễn cưỡng trong việc đảm nhận vị trí bá chủ khu vực, do lo ngại sẽ làm mất lòng đối tác của mình. Tuy nhiên, các chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Kazakhstan và Uzbekistan, các quốc gia giàu có và đông dân nhất ở Trung Á, cùng các hành động khác của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng khẳng định lợi ích khu vực của mình, ngay cả khi Moscow phải trả giá. Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang lại những rủi ro mới cho khu vực, nó cũng có thể mang lại nhiều cơ hội kinh tế.

Gần đây, Bắc Kinh và Moscow đã tiến hành “phân công lao động” ở Trung Á: Trung Quốc có vai trò dẫn đầu về kinh tế nhưng nhìn chung “chiểu theo” Nga trong các vấn đề an ninh. Cuộc nổi dậy ở Kazakhstan hồi tháng 1-2002 đã bị dập tắt, một phần, do Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể do Moscow lãnh đạo.

Tuy nhiên, khả năng và sự sẵn sàng của Nga trong việc duy trì vai trò an ninh khu vực của họ là điều đáng nghi ngờ. Màn trình diễn của quân đội Nga ở Ukraine không mấy ấn tượng và sẽ mất nhiều năm để các lực lượng vũ trang Nga trở lại trạng thái trước chiến tranh. Mặc dù Nga sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong các vấn đề an ninh Trung Á nhưng ảnh hưởng của nước này đang suy yếu.

Trung Quốc có thể sẽ lấp đầy khoảng trống an ninh này, mặc dù vẫn chưa chắc chắn. Trung Quốc sở hữu quân đội có năng lực thứ hai thế giới và có khả năng thống trị an ninh Trung Á. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng giảm thiểu vai trò của mình vì các lý do chính trị. Bắc Kinh vẫn coi Moscow là người bạn đồng hành hữu ích trong cuộc cạnh tranh với phương Tây, đặc biệt với Mỹ, và sẽ cố gắng chiểu theo Điện Kremlin khi có thể, bởi xét tới vai trò lịch sử của Nga trong khu vực và nhu cầu xoa dịu cái tôi và sự lo lắng của Moscow. Hơn nữa, Trung Á chỉ là ưu tiên thứ ba đối với Bắc Kinh bởi họ có tham vọng lớn hơn đối với Đài Loan và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có những lợi ích kinh tế quan trọng và đang phát triển ở Trung Á. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á đạt 48 tỷ USD vào năm ngoái. Trung Á cũng là một khu vực xuất khẩu hydrocacbon quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc, thông qua các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Trung Á đến Trung Quốc và gián tiếp thông qua xuất khẩu dầu ở phía Tây Kazakhstan. Trung Á cũng có tiềm năng năng lượng mặt trời và năng lượng gió tốt, có thể cung cấp thị trường cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Hơn nữa, tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan (CKU) đã đạt được một số tiến bộ trong năm qua. Nếu thành hiện thực, nó có thể giảm khoảng cách vận chuyển hàng hóa đường sắt Trung Quốc-châu Âu tới 900 km và rút ngắn thời gian vận chuyển 1 tuần.

Một số lợi ích kinh tế khu vực của Bắc Kinh cũng mâu thuẫn với lợi ích của Moscow. Xuất khẩu dầu và khí đốt của Trung Á cạnh tranh với xuất khẩu của Nga, trong khi tuyến đường sắt CKU cũng sẽ vòng qua Nga. Bắc Kinh cho thấy mong muốn ngày càng tăng trong việc khẳng định các lợi ích của mình trong khu vực.

Bắc Kinh đáp trả việc Nga phong tỏa xuất khẩu dầu của Kazakhstan bằng cách ngừng các khoản đầu tư lớn vào Nga, cảnh báo các công ty năng lượng nhà nước tránh bất kỳ vụ mua bán “vội vàng” nào. Trong lúc tới thăm Tổng thống Kazakhstan một ngày trước khi gặp gỡ ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh SCO, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “kiên quyết hỗ trợ Kazakhstan trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này” - cảnh báo “sự can thiệp của bất kỳ thế lực nào vào công việc nội bộ của đất nước bạn”. Đây rõ ràng là lời cảnh báo ngầm trước những lời đe dọa của Nga.

Sẵn sàng nhảy vào khoảng trống

Bắc Kinh và Moscow tiếp tục chia sẻ nhiều lợi ích chung ở Trung Á. Cả hai bên đều có thái độ thù địch sâu sắc với các nền dân chủ hợp hiến do Washington và Brussels lãnh đạo, quan ngại về các phong trào ủng hộ dân chủ trong khu vực và lo sợ rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể sử dụng Trung Á làm bàn đạp. Tuy nhiên, hai bên có thể tranh giành ảnh hưởng trong khu vực do các lợi ích kinh tế và an ninh xung đột. Với sức mạnh và ảnh hưởng của Nga đang bị xói mòn, Trung Quốc là tác nhân quan trọng nhất trong khu vực, ngày càng sẵn sàng và có thể gạt Nga sang một bên.

Trong khi một Trung Quốc thống trị khu vực sẽ mang lại những rủi ro mới cho các quốc gia Trung Á, họ cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế. Bắc Kinh có truyền thống thích ứng thương mại quốc tế hơn nhiều so với Moscow và ủng hộ nhiều hơn các liên kết kinh tế nội khối. Trong khi các quốc gia Trung Á sẽ tiếp tục có không gian hạn chế để hành động do sức mạnh áp đảo của các nước láng giềng thì quá trình chuyển đổi quyền lực của khu vực có thể mang lại những cơ hội mới.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/trung-quoc-cung-co-anh-huong-o-trung-a-i669583/

Hạnh Vân / Công an nhân dân