Trung Quốc bơm hàng tỷ USD xây siêu cảng ở khu vực vốn được xem là “sân sau” của Mỹ: Kỳ tích Thượng Hải có lặp lại ở Nam Mỹ?

Cảng nước sâu trị giá 3,6 tỷ USD dự kiến sẽ biến đổi một thị trấn đánh cá và kết nối Nam Mỹ nhanh chóng hơn với châu Á.

231113-chancay-mb-1244-440b06

Một cảng mới sắp hình thành

Tại một thị trấn đánh cá có tuổi đời hàng thế kỷ trên bờ biển Thái Bình Dương, cuộc sống của nhiều người dân Peru sắp thay đổi.

Một cảng nước sâu khổng lồ dành cho tàu container đang được xây dựng ở Chancay, cách Lima khoảng 72km về phía bắc và được tài trợ phần lớn bởi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Peru. Cảng này sẽ đón một số tàu chở hàng lớn nhất thế giới và đóng vai trò là đầu cầu kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, khu vực có lịch sử chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, đầu tư của Bắc Kinh tại vùng này đang tăng mạnh hơn bao giờ hết.

Công ty xây dựng siêu cảng này, các quan chức chính phủ Trung Quốc và Peru cho biết cảng mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và khu vực, đồng thời định hình lại các tuyến đường vận chuyển toàn cầu. Nhưng cư dân tại Chancay, nơi có khoảng 60.000 người đang sinh sống, nói rằng họ lo lắng về tác động kinh tế và môi trường, đồng thời tỏ ra bất bình vì họ có rất ít tiếng nói trong dự án trị giá 3,6 tỷ USD này.

Cảng cách San Francisco hơn 7.000km, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).

231113-chancay-port-mb-1131-80560b

Theo NBC News, các quan chức Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại với Peru rằng đầu tư của Trung Quốc vào cảng này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, khi Trung Quốc được cho là có mục tiêu phát triển thành một “siêu cường hàng hải”. Trong khi đó, công ty xây dựng cảng cho biết cảng chỉ dành cho mục đích thương mại.

Miriam Arce, một lãnh đạo có truyền thống gia đình làm ngư dân, lại có một mối lo ngại khác: những chiếc thuyền đánh cá thời thơ ấu của bà sẽ biến mất, thay thế bằng tàu chở hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Arce, một nghệ sĩ 52 tuổi, cho biết: “Cả hai nước đều đang xung đột. Chúng ta đang ở giữa cuộc xung đột này. Và Chancay thì rất nhỏ bé”.

Tuyến đường “cao tốc” đến châu Á

Khu phức hợp Cảng Chancay có diện tích khá rộng, được sở hữu 60% bởi công ty nhà nước Trung Quốc Cosco, một trong những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới và 40% thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Volcan của Peru.

Theo Cosco, hàng trăm công nhân Trung Quốc được đưa đến đây - chủ yếu là các chuyên gia, kỹ sư và nhân viên vận hành máy - đã sát cánh cùng người Peru, đưa tổng số công nhân của họ lên tới khoảng 2.200 người.

Công ty hy vọng giai đoạn đầu tiên của siêu cảng - một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường - sẽ hoàn thành vào thời điểm nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Peru dự hội nghị APEC tiếp theo vào cuối năm 2024.

Đô đốc đã nghỉ hưu Gonzálo Ríos Polastri, phó tổng giám đốc của công ty Cảng Cosco ở Chancay, cho biết: “Tôi nghĩ cảng sẽ thay đổi cuộc sống của rất nhiều người dân ở Peru và sẽ thúc đẩy sự phát triển cũng như tăng cường hoạt động thương mại”.

231113-chancay-mb-1247-3a2aa6
Người dân lo ngại những vùng đất ngập nước sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án xây cảng có đầu tư từ Trung Quốc.

Bộ trưởng thương mại Peru, Juan Carlos Mathews, cho biết cảng sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á, giúp Peru cạnh tranh hơn trong hoạt động thương mại và cắt giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.

Ông cho biết: “Cơ sở hạ tầng mới này không chỉ là tài sản tuyệt vời đối với các công ty Peru mà còn đối với các công ty ở Chile, Colombia, Brazil và các nước trong khu vực khác đang kinh doanh ở châu Á”.

Đại sứ Trung Quốc tại Peru, Song Yang, kì vọng Chancay có thể trở thành “Thượng Hải của Peru”.

Cảng Chancay được thiết lập để tạo ra sợi dây kinh tế kết nối Nam Mỹ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này và vùng châu Á nói chung. Mặc dù Cosco vận hành 38 cảng trên khắp thế giới nhưng cảng Chancay là cảng đầu tiên ở Nam Mỹ.

Công ty hứa hẹn xây dựng một “cảng thông minh” chạy bằng tự động hóa và công nghệ kỹ thuật số mới nhất, giúp giảm ít nhất 10 ngày trên hành trình vận chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á và không cần đi qua các trạm dừng ở Mỹ và Mexico.

Hành trình xuyên Thái Bình Dương hiện kéo dài ít nhất 35 ngày và bao gồm các điểm dừng tại các cảng như Long Beach, California. Tuy nhiên, khi cảng mở cửa, hàng hóa có thể đi từ Chancay đến Thượng Hải chỉ trong vòng 20 ngày.

Cảng này chỉ là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng có sự tham gia của các công ty Trung Quốc ở đất nước Peru. Ngoài cảng biển, các công ty Trung Quốc còn sở hữu hoặc có cổ phần trong ít nhất 5 mỏ khoáng sản và có lo ngại rằng hai công ty Trung Quốc có thể sớm kiểm soát 100% nguồn cung cấp điện ở Lima nếu thỏa thuận với công ty năng lượng Enel thành công.

231115-chancay-mb-1146-a9caab

Trả lời những lo ngại về an ninh của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mathews cho biết Peru sẵn sàng đón nhận đầu tư từ các khu vực khác nhau trên thế giới.

Ông nói: “Chúng tôi không bán mình cho Trung Quốc mà chúng tôi đang phát triển mối quan hệ với họ”.

Ông Ríos, cựu chỉ huy tại Hải quân Peru, đã bác bỏ những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm cả việc cảng Chancay một ngày nào đó có thể được các tàu hải quân Trung Quốc sử dụng.

Ông nói: “Ở Peru có luật rất nghiêm ngặt về việc di chuyển cùng lực lượng vũ trang đến các cảng hoặc bất kỳ vùng nào của Peru, ngay cả đối với một người lính mang súng trường”.

Ông cho biết không có điều khoản nào trong hợp đồng Cosco loại trừ việc sử dụng cho mục đích quân sự vì đó không phải là mục đích sử dụng của cảng.

Ông nói: “Nếu bạn thuê một chiếc ô tô, người ta sẽ không yêu cầu bạn kiểu ‘Xin đừng dùng nó để tấn công một tòa nhà’”.

Tất Đạt / Market Times