Trung Quốc - Ấn Độ nỗ lực ổn định tình hình biên giới

Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành vòng đàm phán mới về căng thẳng biên giới nhằm tìm kiếm những giải pháp “cùng chấp nhận được”, không lâu sau khi binh sĩ hai bên có vụ ẩu đả nghiêm trọng làm một số người bị thương.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 22/12 cùng ra thông cáo xác nhận đã tổ chức vòng đàm phán cấp quân đoàn vào ngày 20/12 về tình hình biên giới tại điểm họp Chushul-Moldo, bên khu vực do Bắc Kinh kiểm soát gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - hiện là ranh giới phân định phần lãnh thổ mà Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ trên thực địa.

Trung Quốc - Ấn Độ nỗ lực ổn định tình hình biên giới -0
Binh sĩ Ấn Độ (trái) và binh sĩ Trung Quốc tuần tra khu vực biên giới. Ảnh: PTI.

Tại cuộc gặp, hai bên đồng ý tiếp tục duy trì đối thoại thông qua kênh quân sự và ngoại giao hướng tới đạt được “giải pháp mà cả hai bên cùng chấp nhận được” xung quanh các bất đồng còn lại. Ngoài ra, Bắc Kinh và New Delhi khẳng định đã “trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn và cởi mở” theo tinh thần những đồng thuận quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai nước. Hai bên nhất trí “duy trì an ninh và ổn định trên thực địa”, tin tưởng “việc xử lý được các tồn tại còn lại là con đường giúp khôi phục hòa bình và ổn định dọc theo LAC ở khu vực phía Tây, cũng như thúc đẩy quan hệ song phương phát triển”.

Tờ The Hindu cho hay, khác với những vòng đàm phán trong quá khứ, cuộc gặp mới nhất không được hai bên thông báo trước, diễn ra gần hai tuần sau khi Ấn Độ xác nhận binh sĩ nước này và binh sĩ Trung Quốc có một cuộc ẩu đả ngày 9/12 khiến một số người bị thương gần LAC. Cả hai bên đã đổ lỗi cho đối phương phải chịu trách nhiệm cho vụ ẩu đả đó, vốn cũng được xem là sự cố đáng chú ý nhất giữa binh sĩ Trung-Ấn ở biên giới, kể từ cuộc đụng độ nghiêm trọng tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh hồi tháng 6/2020 khiến 24 quân nhân hai bên thiệt mạng.

Sau vụ đụng độ năm 2020, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường đáng kể hiện diện quân sự ở biên giới. Có thời điểm, mỗi bên triển khai tới 50.000 binh sĩ và khí tài hạng nặng, bao gồm nhiều xe tăng, dọc LAC. Nhờ các cuộc đàm phán, tình hình đã lắng dịu, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt rút bớt binh sĩ, khí tài khỏi Ladakh, mở đường cho nỗ lực ngoại giao cấp cao. Trước cuộc gặp hôm 20/12, hồi tháng 7/2022, phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã tiến hành đối thoại và đạt đồng thuận rút lực lượng khỏi khu vực mà Trung Quốc gọi là “đèo Jianan” chạy dọc theo LAC “một cách đồng bộ và có tổ chức”, tờ China Daily thông tin.

Tuy vậy, hai bên được mô tả là vẫn còn những đánh giá khác nhau về tình hình thực địa. Tướng Manoj Pande, Tư lệnh lục quân Ấn Độ, tháng trước mô tả hiện trạng dọc LAC có vẻ “ổn định nhưng không thể đoán trước”. Ông đánh giá, tồn tại ở 5 trong tổng số 7 địa điểm mà nước này cho là có xích mích với Trung Quốc đã được giải quyết và New Delhi muốn tập trung xử lý nốt hai điểm còn lại. Ông cũng nói rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng mới gần LAC không suy giảm với sự xuất hiện của những con đường, bãi đáp trực thăng, thậm chí sân bay mới. Hôm 20/12, Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar thì xác nhận nước này hiện đang duy trì lượng binh sĩ kỷ lục gần biên giới nhắm mục tiêu “duy trì nguyên trạng LAC”.

Ở chiều ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cách đây vài hôm nói rằng, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc “nhìn chung ổn định”. “Theo những gì chúng tôi biết, tình hình biên giới hiện tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhìn chung ổn định. Hai bên duy trì liên lạc về các vấn đề biên giới thông qua kênh ngoại giao và quân sự”, ông phát biểu và bày tỏ hy vọng Ấn Độ tiếp tục tuân thủ các hiệp định và thỏa thuận liên quan mà hai bên đã ký kết, hướng tới cùng nhau bảo vệ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cùng đảm bảo hòa bình ở khu vực biên giới.

Với đường biên giới kéo dài hàng ngàn km chạy qua những khu vực hẻo lánh khó phân định, giới quan sát nhận định, dù còn đó bất đồng, nhưng việc Trung-Ấn duy trì đối thoại và đạt được một số đồng thuận nhất định là chỉ dấu cho thấy căng thẳng chưa vượt tầm kiểm soát. Ông Zhou Bo, một chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Chiến lược và An ninh quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc nêu quan điểm, Trung Quốc và Ấn Độ cần nỗ lực duy trì ổn định tình hình ở biên giới, tránh để vấn đề biên giới cản trở sự phát triển của quan hệ song phương.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/trung-quoc-an-do-no-luc-on-dinh-tinh-hinh-bien-gioi-i678731/