Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ cho kho vũ khí hạt nhân trên bộ và trên biển đủ mạnh, đảm bảo ngăn chặn cũng như đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân.
Phát biểu tại diễn đàn Moganshan kéo dài 4 ngày (hội thảo thảo luận về các vấn đề trong nước và quốc tế cũng như kế hoạch 5 năm vừa mới ban hành của Trung Quốc), Wang Xiangsui - giáo sư tại Đại học Beihang ở Bắc Kinh, cho biết hệ thống phòng thủ của Trung Quốc hiện có mạng lưới đường hầm rộng lớn để vận chuyển và bảo vệ tên lửa. Điều này có nghĩa là an ninh của Trung Quốc luôn được đảm bảo ngay cả trong tình huống xấu nhất.
"Tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc luôn là một lựa chọn quân sự của Washington. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bởi Bắc Kinh đã có điều chỉnh, thay đổi hệ thống vũ khí hạt nhân trong 20 năm qua”, ông Wang Xiangsui cho hay.
Giáo sư Wang Xiangsui cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp trong nhiều năm để thiết lập khả năng "phản đòn” trước một cuộc tấn công hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Washington hiện nhận thức năng lực đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể bắn tới đất Mỹ.
Chuyên gia Wang Xiangsui cho rằng Trung Quốc có năng lực hạt nhân đủ mạnh để thách thức đối thủ. (Ảnh: Handout) |
Ngoài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Trung Quốc đã phát triển các tên lửa tiên tiến và mở rộng “pháo đài” ở Biển Đông và Hoàng Hải, nơi các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh có thể hoạt động an toàn.
“Đây là cơ sở để Bắc Kinh và Washington cân nhắc, tính toán trong việc có lựa chọn đối đầu giữa hai bên hay không. Tuy nhiên, một cuộc tấn công lớn khó có thể xảy ra”, chuyên gia Wang Xiangsui nhận định.
Theo vị chuyên gia này, Trung Quốc hiện có khoảng 200 hoặc 300 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Mỹ và Nga mỗi nước có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc cam kết không là bên phát động cuộc tấn công hạt nhân trước. Tuy nhiên, chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh phụ thuộc vào việc đảm bảo các lực lượng hạt nhân của nước này có thể được bảo toàn trước đợt tấn công đầu tiên của kẻ thù hay không.
Năm 2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này xây dựng một “Vạn Lý Trường Thành ngầm” với 5.000 km đường hầm trên phạm vi cả nước, có thể linh hoạt trong vận chuyển, khởi động các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thiết lập năng lực hạt nhân hàng hải vững chắc vào năm 2015 khi tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 094A được trang bị tên lửa JL-2 trong khi tuần tra.
“Máy bay do thám của Mỹ đã phát hiện các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của chúng tôi ở Biển Đông, hoạt động trong các chiến hào sâu tới 3.000m và các đảo nhân tạo mà chúng tôi xây dựng làm khu vực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm”, ông Wang Xiangsui nói.
JL-2 có tầm bắn 7.400km, trong khi JL-3 có tầm bắn trên 12.000km. Do đó, Mỹ hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Trung Quốc.
Theo giáo sư Wang Xiangsui, quân đội Trung Quốc cũng đã phát triển danh mục tên lửa của mình, tạo ra thế hệ tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới là DF-17, đủ nhanh để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Ông Wang Xiangsui nhấn mạnh, tất cả những nỗ lực mà Trung Quốc đang triển khai đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải cân nhắc trong việc đưa ra quyết định tấn công hạt nhân lớn nhằm vào nước này hay không.
Cũng tại diễn đàn Moganshan, Wang Xiangsui lần đầu tiên tiết lộ tên lửa DF-26B và DF-21D - "sát thủ tàu sân bay", của quân đội Trung Quốc đã bắn trúng, phá hủy một tàu đang di chuyển ở Biển Đông trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 8. Theo vị chuyên gia Trung Quốc, động thái này của Bắc Kinh nhằm gửi lời cảnh báo tới Mỹ rằng "không chấp nhận bất kỳ rủi ro quân sự nào".
Trung Quốc "thừa nước đục thả câu", lợi dụng đại dịch độc chiếm Biển Đông
Nhà sử học cho rằng, Trung Quốc luôn "thừa nước đục thả câu", lợi dụng lúc thiên hạ chú tâm vào chống đại dịch toàn ... |
Trung quốc hé lộ "cung điện thiên đường" trên vũ trụ
Một phiên bản mô phòng trạm vũ trụ tương lai của Bắc Kinh đã được ra mắt công chúng vào hôm qua (6.11) tại Triển ... |