Trong chiều tối 19/05, sau 2 ngày họp trực tuyến, các nước thành viên WHO đã thông qua mà không cần bỏ phiếu nghị quyết về việc xem xét lại cách thức WHO đã dẫn dắt các nước ứng phó với đại dịch Covid-19.
Các nước thành viên WHO nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về những biện pháp ứng phó với Covid-19 của tổ chức này.
Nghị quyết được thông qua hôm nay bằng phương pháp đồng thuận tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Liên minh châu Âu (EU) là bên soạn thảo nghị quyết, trong đó kêu gọi "một sự đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện" về phản ứng quốc tế với Covid-19.
Donald Trump |
Nghị quyết cho hay cuộc điều tra nên bao gồm cả việc xem xét những hành động của WHO, cũng như các mốc thời gian hành động của tổ chức này liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên, nghị quyết không ràng buộc và đề cập cụ thể đến quốc gia nào, đồng thời kêu gọi các nước cam kết đảm bảo "sự tiếp cận minh bạch, công bằng và kịp thời" với mọi phương pháp điều trị hoặc vaccine chống Covid-19.
Về nguồn gốc của nCoV, một trong những vấn đề gây tranh cãi quốc tế, nghị quyết kêu gọi WHO giúp điều tra "nguồn gốc của virus, cũng như con đường lây lan sang người".
Nghị quyết được thông qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi "tối hậu thư" cho Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đe dọa nếu cơ quan này "không cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới", Washington sẽ cắt vĩnh viễn ngân sách và xem xét lại tư cách thành viên của mình trong WHO.
Trước đó, trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 18/5, Trump cũng chỉ trích WHO là "con rối của Trung Quốc" và cho hay chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch cắt giảm tài trợ cho tổ chức, có thể từ 450 triệu USD xuống 40 triệu USD, bởi "không được đối xử đúng mức".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay cáo buộc Mỹ "tìm cách biến Trung Quốc thành chủ đề để trốn tránh trách nhiệm, mặc cả về nghĩa vụ quốc tế đối với WHO". Ông cho rằng lá thư của Trump nhằm bôi nhọ nỗ lực chống Covid-19 của Trung Quốc.
Trong khi đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch. "Đây là lúc cần đoàn kết, thay vì đổ lỗi hoặc làm suy yếu sự hợp tác đa phương", phát ngôn viên đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Virginie Battu-Henriksson cho hay.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tối 19/5 tuyên bố ông sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư đe doạ rút Mỹ khỏi tổ chức này.
“Tổ chức Y tế thế giới luôn luôn cam kết đầy đủ về sự minh bạch, về trách nhiệm giải trình và về việc liên tục cải thiện. Chúng tôi muốn giải trình hơn bất kỳ ai khác”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Đó là tuyên bố của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế, Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp Đại hội đồng trực tuyến quy tụ 194 thành viên của WHO chiều ngày 19/5, ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đe doạ cắt vĩnh viễn đóng góp tài chính và rút Mỹ khỏi WHO nếu WHO không có giải trình hợp lý trong vòng 60 ngày về việc đã ứng phó ra sao với đại dịch Covid-19.
Người đứng đầu WHO cũng cho biết, mục tiêu lớn nhất của ông hiện nay vẫn là tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, WHO từ chối bình luận trực tiếp về các lời đe doạ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ cho biết đã nhận được lá thư của Tổng thống Mỹ và đang xem xét các nội dung trong thư.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Phớt lờ Mỹ, Trung Quốc hỗ trợ 2 tỉ USD ủng hộ điều tra độc lập COVID-19 |
Liên minh châu Âu ủng hộ WHO trước các chỉ trích của Tổng thống Mỹ |
Tổng thống Donald Trump ra "tối hậu thư" 30 ngày cho WHO |