Mỹ cho rằng các vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy Triều Tiên đã đạt tiến bộ đáng kể về công nghệ dẫn đường và nhiên liệu rắn.
Tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm 9/5. Ảnh: KCNA. |
"Các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 của Triều Tiên trong tháng 5 nhiều khả năng là nhằm cải tiến công nghệ nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường", báo cáo của Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) mới đây cho biết.
Theo báo cáo, Triều Tiên dường như đã đạt được những tiến triển trong nỗ lực phát triển động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo, vốn là công nghệ mang lại sự ổn định về thành phần hóa học và cho phép giảm thiểu thời gian triển khai và nạp đạn. Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng mất nhiều thời gian để nạp nhiên liệu và có nguy cơ cháy nổ cao trong quá trình này.
CRS cho rằng Triều Tiên hiện tập trung vào việc phát triển năng lực đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa. "Trọng tâm gần đây trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dường như nhằm phát triển năng lực đánh bại hoặc làm giảm hiệu quả của các hệ thống như Patriot, Aegis BMD, THAAD", báo cáo viết.
Triều Tiên liên tiếp thực hiện hai vụ phóng tên lửa vào ngày 4/5 và 9/5. Các chuyên gia nhận định loại vũ khí Triều Tiên phóng thử có tầm bắn trên 400 km và có thể đe dọa các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Hàn Quốc. Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) mới đây kết luận rằng Bình Nhưỡng đã phóng cùng một loại tên lửa trong cả hai vụ thử và đặt tên mẫu tên lửa này là KN-23.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn chưa xác định liệu đây có phải là những tên lửa đạn đạo bị cấm theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hay không. Giới quan sát cho rằng Seoul không thừa nhận loại tên lửa này do lo ngại các vụ thử có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình đàm phán với Triều Tiên.
Nguyễn Hoàng (Theo Yonhap)
Hàn Quốc muốn tiếp tục đàm phán dù Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa
Ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 5 không đáng để đình chỉ đàm phán với ... |