Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho rằng Triều Tiên đã phóng ít nhất hai loại tên lửa đạn đạo đời mới trong 4 tháng qua.
Bộ trưởng Iwaya đưa ra kết luận này dựa trên những đánh giá tình báo về hình dạng các quả đạn, cũng như hàng loạt yếu tố khác như phương án phóng và tầm bắn của các vật thể được Triều Tiên phóng thử từ ngày 4/5 đến 6/8.
"8 vật thể trong số này là tên lửa đạn đạo tầm ngắn đời mới, có nhiều đặc điểm giống hệ thống Iskander của Nga. Hai tên lửa được thử nghiệm ngày 24/8 cũng là mẫu mới, sử dụng nhiên liệu rắn", ông Iwaya nói trong cuộc họp báo hôm qua ở Tokyo.
Iwaya bác bỏ sự tương đồng giữa 4 quả đạn được Triều Tiên thử nghiệm hôm 10/8 và 16/8 với mẫu Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ, cho rằng chúng có hình dáng khác với những tên lửa truyền thống.
Tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử hôm 25/7. Ảnh: KCNA. |
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia cảnh báo các vụ thử tên lửa Triều Tiên không phải cách truyền thông điệp chính trị đơn thuần, mà đang đặt ra mối đe dọa thật sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như ít nhất 8 căn cứ Mỹ với 30.000 binh sĩ đồn trú tại hai nước này
Bộ trưởng Iwaya tuần trước nói với các phóng viên tại Tokyo rằng quỹ đạo bất thường của tên lửa Triều Tiên là bằng chứng về chương trình được Bình Nhưỡng thiết kế để xuyên thủng lá chắn phòng thủ sử dụng công nghệ Mỹ cả trên biển và trên đất liền của Nhật. Tầm bắn khoảng 700 km cũng giúp chúng tấn công mọi mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên và một phần lãnh thổ Nhật Bản.
Các tên lửa đời mới của Triều Tiên đều đặt trên xe vận tải kiêm bệ phóng (TEL), tăng đáng kể khả năng cơ động so với những bệ phóng tên lửa cố định. Chúng có thể ẩn mình tại các địa điểm được ngụy trang kín đáo, trước khi di chuyển tới bãi phóng, khai hỏa và rời trận địa chỉ trong vài phút.
"Các loại tên lửa này đặt ra thách thức lớn với khả năng cảnh báo sớm của tình báo Mỹ - Hàn, cũng như đe dọa năng lực đánh phủ đầu của liên quân. Chúng có thể được coi là vũ khí thông thường giá rẻ với hiệu suất cao, giúp Triều Tiên răn đe các lực lượng tại Hàn Quốc và Nhật Bản", chuyên gia vũ khí Kim Dong-yub thuộc Đại học Kyungnam của Hàn Quốc nhấn mạnh.
Vũ Anh (Theo Jiji Press)