Trẻ con tu gì?

Chưa bao giờ, cảnh tượng chùa chiền, sư sãi lại huyên náo, ồn ã như thời 4.0 này. Các clip sư thuyết pháp thì ít mà dọa dẫm đại chúng, gieo rắc mê tín dị đoan, không đúng tinh thần Phật pháp thì nhiều, có thể nói là tràn ngập các nền tảng mạng xã hội, từ TikTok, Facebook đến YouTube... khiến nhiều người vô cùng hoang mang...

Ngày bé, thường nghe mấy bà hàng xóm buôn chuyện, "cái A, con nhà bà B thất tình nên cạo đầu đi tu rồi", "ông C bị vợ bỏ, chán đời đi tu rồi". Lớn một chút, nghe "Chuyện tình Lan và Điệp", chứng kiến các bà, các chị sụt sùi khóc thương cô Lan vì bị người yêu phụ tình mà tìm đến chùa, lánh xa nhân thế, cắt đứt dây chuông để anh Điệp không còn gọi được nữa, thì tôi luôn hình dung, những người phải tìm đến chốn u tịch đều là những người ít nhiều chất chứa nỗi niềm không mấy vui vẻ.

Nay, thấy người ta nhớn nhác gửi con vào chùa học cái "khóa tu mùa hè", rồi clip giao tiếp với vong, bắt vong tràn ngập trong các "khóa tu" khiến người lớn xem còn nổi gai ốc, tôi bỗng cảm thấy lo lắng, sợ hãi...

1. Chưa bao giờ, cảnh tượng chùa chiền, sư sãi lại huyên náo, ồn ã như thời 4.0 này. Các clip sư thuyết pháp thì ít mà dọa dẫm đại chúng, gieo rắc mê tín dị đoan, không đúng tinh thần Phật pháp thì nhiều, có thể nói là tràn ngập các nền tảng mạng xã hội, từ TikTok, Facebook đến YouTube... khiến nhiều người vô cùng hoang mang.

Capture-1719315414673.JPG
Một khóa tu mùa hè tại chùa. (Ảnh minh họa).

Vài năm gần đây, phong trào nhà nhà đưa con lên chùa tham dự các "khóa tu mùa hè" trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chưa biết các em học sinh, sinh viên tham gia các buổi thuyết pháp này học được gì từ bài giảng của các thầy chùa, nhưng những clip được công khai trên mạng xã hội cho thấy, một trong những nội dung chính được một thầy chùa nổi tiếng rao giảng cùng với một phụ tá vẫn được nhắc đến với danh xưng "cô chủ nhiệm" là nội dung trục vong khỏi người một thiếu nữ, mang màu sắc mê tín dị đoan rõ rệt. Clip này đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đa số cho rằng nội dung lừa đảo, truyền bá mê tín dị đoan, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Tuy nhiên, không chỉ có một clip này, rất nhiều "bài giảng" của "sư phụ" như những câu chuyện ma kinh dị thời hiện đại được kể cho những đứa trẻ nghe, nào là "máy xúc chạm vào đúng 3 con quỷ, khiến 3 người tử vong", nào là "mưa là nghiệp của nhân dân cả tỉnh, thầy phải làm lễ xin rồng không phun mưa", rồi "vong gọi điện thoại cho sư phụ"... và kết thúc luôn là do "oan gia trái chủ", phải làm lễ, cúng tiền, mà số tiền bao nhiêu là do "vong" đòi chứ thầy không đòi... 

Lại nhớ hồi bé, thỉnh thoảng được các chị lớn kể chuyện ma cho nghe mà sợ quá nên buổi tối đi đâu cũng phải có người đi cùng, tuyệt đối không dám ra nhà vệ sinh. Nỗi ám ảnh bởi những câu chuyện ma này chắc chắn sẽ theo các em suốt cuộc đời.

Một chị bạn của tôi, năm ngoái gửi con là nữ sinh viên năm thứ nhất đến một ngôi chùa nổi tiếng để tham gia "khóa tu mùa hè". Một tuần sau về nhà, cô bé sinh viên ấy bỗng đổi tính đổi nết, tối ngày lầm lì, u uất. Từ một cô gái hoạt bát năng nổ, bỗng thu mình, hiếm khi giao tiếp với bố mẹ và rất hay khóc. Bạn tôi lo quá phải đưa con đi bác sĩ tâm lý điều trị thì mới hay, cô bé bị ám ảnh rất nhiều về câu chuyện nhân quả, về kiếp trước kiếp sau, về oan gia trái chủ, về khẩu nghiệp, về nghiệp chướng, về duyên tiền kiếp, về sám hối... và nghìn lẻ một khái niệm khác cùng mớ giáo lý hỗn độn rất không đúng với tinh thần đạo Phật đã được tiêm nhiễm vào đầu.

Chưa hết, một người bạn của nữ sinh này cũng tham gia khóa tu ấy, sau khi về nhà thì nằng nặc bắt bố mẹ phải cho xuất gia đi tu. Đặc biệt, cô bé này cũng khóc nhiều giống như cô con của người bạn tôi, em luôn bị ám ảnh rằng từ trước đến nay mình sống có lỗi với bố mẹ. Và, chỉ có cách sám hối thường xuyên may ra mới hết tội.

Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn muốn vẽ lên tâm hồn các em hình thù như thế nào thì tâm hồn các em sẽ in đậm hình ảnh ấy mãi mãi không bao giờ phai. Cho đến giờ, hình ảnh "ông ác" ở chùa với đôi lông mày xếch ngược và hai cái mắt trợn trừng, trong nhang khói tĩnh mịch, trong tiếng gõ mõ tụng kinh âm u, vẫn là một hình ảnh gây sợ hãi đối với bất cứ đứa trẻ con nào hồi ấy (trong đó có tôi) và sau này, khi đã trưởng thành, thậm chí ở tuổi trung niên, hình ảnh ấy vẫn không dễ gì quên. Nói thế để hiểu rằng, những đứa trẻ tham gia "khóa tu mùa hè" đang ở lứa tuổi nhạy cảm nhất.

Những gì chúng được tiếp thu trong thời kỳ này nếu có thiên hướng tích cực từ người truyền đạt, sẽ là những nguồn năng lượng rất tốt cho sự phát triển tâm hồn cũng như thể chất cho trẻ và ngược lại, sẽ là liều thuốc độc hủy hoại tâm hồn các em. Thử nghĩ xem, người ta lên chùa là để tìm sự bình an, thư thái cho tâm hồn, chứ ít người an nhiên tự tại mà lại tìm đến chốn này, nói cách khác, ngoài những người lên chùa vãn cảnh thì rất nhiều người tìm đến chùa khi tâm tư của họ có xáo động nên muốn tìm chỗ an trú. Vậy thì hà cớ gì lại đẩy con em mình vào cái môi trường mà nguồn năng lượng chưa chắc đã tích cực này?

Không ai biết cụ thể con em mình sẽ học được những gì. Nếu "thầy, cô chủ nhiệm" là những tăng ni chuyên truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan thì sao? Liệu rằng, các nội dung "gặp gỡ vong hồn", hay “sám hối tội lỗi từ 14 kiếp trước", có phải là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bất cứ đứa trẻ nào hay không? Không hiếm những ngôi chùa cũng tổ chức các "khóa tu" được dư luận đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Vì bài giảng của các vị chân tu đôi khi cũng đơn giản như môn đạo đức công dân mà nhà trường vẫn dạy, giúp các em sống lương thiện, yêu thương bố mẹ, gia đình... Nhưng, rất tiếc là một số thầy chùa, vì một mục đích nào đó, thường lồng ghép, hay nói cách khác là nhân danh những điều thiện lương, tử tế, để gieo rắc, dọa dẫm mớ giáo lý mê tín dị đoan vào đầu óc non nớt của những đứa trẻ, rất đáng lên án.

2. Tu, hiểu một cách đơn giản là sửa. Trước hết là sửa mình, sửa những thói hư tật xấu, chế ngự những lời nói không hay, những hành động không tốt có thể làm liên lụy đến người khác và gây hậu quả xấu. Và tu, không ở đâu xa, hãy tu ở chính ngay trong ngôi nhà của mình. Các cụ từ xưa đã có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.

a 2.jpg -0
Có những khóa tu thu hút hàng trăm trẻ em tham gia.

Phật cũng không ở đâu xa, Phật ngự chính trong tâm hồn mỗi người chứ không nhất thiết phải lên chùa mới tìm thấy Phật. Hãy làm việc tốt, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Hiểu đơn giản thế thôi thì chúng ta sẽ không vướng vào những mớ giáo lý biến tướng, được truyền bá bởi những thầy chùa "nửa vời".

Con cái chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Bố mẹ sống như thế nào, có tốt đẹp hay không, đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em ra sao, đứa trẻ nó sẽ nhìn vào đó để học tập. Nhiều khi không cần thiết phải dạy quá nhiều, vì mọi lời nói chỉ là lý thuyết, trăm trang lý thuyết không bằng một bài thực hành. Đứa trẻ sẽ tự biết cách ứng xử khi chính mắt nó nhìn thấy bố mẹ mình chăm sóc ông bà hằng ngày từ bữa ăn giấc ngủ và nhất là khi ốm đau.

Đôi khi, nhiều bậc phụ huynh muốn con cái mình giác ngộ sớm về luật nhân quả, về tội lỗi, về sự sám hối... mà không hiểu rằng, áp đặt những giáo lý ấy lên một đứa trẻ còn đang tuổi ăn, tuổi chơi là vô tình khoác cho con mình một cái áo quá rộng và gây áp lực nặng nề đối với chúng. Họ cũng không hiểu rằng, trong nhiều trường hợp, nên nhìn vào mắt trẻ con mà sống, hãy nhìn vào con cái để tu sửa chính mình. Nó trong veo thế, nó ngây thơ thế, chính bố mẹ mới là những người cần phải tu, cần phải sửa chứ không phải là những tâm hồn non nớt, ngây thơ, chưa vướng bụi trần kia.

Tu - sửa mình không bao giờ có thời hạn 7 ngày, nó cần nhiều hơn thế. Nó cần hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, có thể là nhiều năm, thậm chí cả đời. Càng già càng phải sửa, sửa mình để làm gương cho con cháu, thế nên, nhiều người cho rằng, "khóa tu mùa hè" không thực sự cần thiết phải diễn ra, nhất là đối tượng nhắm tới là lứa tuổi quá nhạy cảm đối với mọi sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh mình. Với các em, cách tu tốt nhất là tại gia, là tự mình giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ nhặt hằng ngày như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, quét nhà, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chăm chỉ đúng lứa tuổi của mình, nói năng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, anh chị, không nói trống không, không cáu kỉnh... Đơn giản thế thôi nhưng nó là bài thực hành hiệu quả hơn mọi bài thuyết giảng.

Thuyết pháp là tốt. Hiểu pháp và biết pháp càng tốt, nhưng hành pháp mới là đáng quý và khó nhất. Nói cách khác là, việc thực hành khó hơn vạn lần lý thuyết. Hiểu đúng tinh thần Phật pháp (đừng hiểu nửa vời) trước khi quyết định đưa con mình đến với các khóa tu, cũng như đảm bảo con em mình được an toàn trước các nguy cơ cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm ở nơi tụ tập đông người là điều các bậc phụ huynh nên thận trọng. 

Đinh Hiền / CAND