Vụ Công ty CP Tuần Châu Hà Nội khởi kiện đạo diễn Nguyễn Việt Tú - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS đòi quyền sở hữu đối với “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” tạm khép lại vòng sơ thẩm với phán quyết quyền sở hữu kịch bản Ngày xưa thuộc về Tuần Châu Hà Nội. Nhìn nhận vụ án dưới góc độ đòi quyền sở hữu tác phẩm từ chính tác giả, thì đây là vấn đề thú vị về học thuật, nhưng lại khá buồn về sự bất hòa giữa nghệ sỹ và doanh nghiệp đầu tư.
Theo dõi toàn bộ diễn biến vụ án, tôi cho rằng đây là vụ án không có bên thắng cuộc. Mọi phán quyết dù là có lợi cho bên nào thì cũng chỉ là nhất thời và mang tính tương đối. Dù có thể coi đây là bài học lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư và các nghệ sĩ khi quyết dịnh hợp tác với nhau nhưng nhìn rộng ra, mọi tranh chấp giữa giới tác giả và các doanh nghiệp đầu tư sẽ chỉ gây kìm hãm cho sự phát triển của nền nghệ thuật.
Về phía Cty Tuần Châu Hà Nội (TCHN), doanh nghiệp này có căn cứ pháp lý khá vững về quyền sở hữu tác phẩm như trong một số bài phỏng vấn trên báo chí trước phiên xử, tôi đã đánh giá TCHN sẽ giành được quyền sở hữu tác phẩm“Ngày xưa”. Trong thời đại mà sự sáng tạo phải có sự gắn bó mật thiết với công nghệ, kỹ thuật thì nguồn lực tài chính đóng vai trò quyết định. Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều ghi nhận quyền lợi cho các chủ thể đầu tư cho sáng tác.
Một phân đoạn trong vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" mà Tuần Châu Hà Nội vừa được tuyên có quyền sở hữu đối với kịch bản |
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 20/3/2019, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết buộc Việt Tú phải trả lại quyền sở hữu kịch bản thực cảnh Ngày xưa cho Cty Tuần Châu Hà Nội, Tuần Châu được thừa nhận quyền công bố tác phẩm theo khoản 3 Điều 19 và các Quyền Tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhưng phán quyết này sẽ không phải là thắng lợi tuyệt đối cho TCHN. TCHN mất nhiều công sức đòi lại bản quyền “Ngày xưa” nhưng sẽ không cóhiệu quả thực tế. Vì Tuần Châu đã sở hữu trong tay kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ” do tác giả Hoàng Nhật Nam viết và đã được trình diễn tại “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu” (tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). “Tinh hoa Bắc Bộ” đã và đang nhận được sự mến mộ của khán giả nên không có lý do gì để phải dừng lạimà sử dụng “Ngày xưa”.
Về phía đạo diễn Việt Tú, tranh chấp này sẽ là dấu ấn không đẹp trong làng nghệ thuật. Cần nói rõ là TCHN luôn công nhận quyền nhân thân của Việt Tú với kịch bản Ngày xưa; thứ Tuần Châu đòi là quyền sở hữu đối với tác phẩm này mà trước đó Việt Tú đã tự ý đi đăng ký cho Cty DS của Việt Tú.Khép lại vòng sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên buộc Việt Tú phải trả lại quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa cho Cty Tuần Châu.
Sau bản án, nhiều ý kiến bàn luận về việc tại sao Việt Tú lại xâm phạm quyền sở hữu của Tuần Châu thể hiện ở hành vi Việt Tú tự đi đăng ký quyền sở hữu một kịch bản không thuộc về mình (quyền sở hữu kịch bản Ngày xưa thuộc về Cty Tuần Châu). Theo Điều 21 Luật SHTT: “Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này”.Do đó, việc Công ty TCHN là chủ sở hữu tác phẩm sân khấu “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa”là quá hiển nhiên.
Từ những năm 2007, Tuần Châu đã từng tổ chức cho nhiều đoàn đạo diễn (có cả Việt Tú) sang Trung Quốc để học hỏi, nghiên cứu loại hình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, với mong muốn áp dụng vào Việt Nam. Loại hình nghệ thuật Biểu diễn thực cảnhlà một loại hình nghệ thuật đặc biệt, do đó không thể thiếu được sự tài trợ vật chất của nhà đầu tư.
Biểu diễn thực cảnh phức tạp hơn rất nhiều so với các loại hình sân khấu nghệ thuật khác, do sân khấu rộng, tản mát và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, thời tiết, đặc biệt phải có sự đầu tư cũng như kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu diễn của con người và hệ thống kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng cực kỳ phức tạp. Rõ ràng, đối với loại hình nghệ thuật này, sẽ chẳng có cá nhân riêng lẻ nào có thể tự mình sáng tạo được mà thiếu đi sự tài trợ kinh phí, trang thiết bị và nhân sự của các nhà đầu tư.
Để thực hiện biểu diễn thực cảnhtại “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu”, TCHN đã bỏ ra tổng kinh phí ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, thuê đất, đầu tư hệ thống kỹ thuật, cảnh quan, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, quảng cáo, chi phí lương cho hơn 300 diễn viên. Việt Tú chỉ được thuê để thực hiện ý tưởng này.TCHN đã thanh toán cho đạo diễn Việt Tú khoảng hơn 7 tỉ đồng, tức là hầu như toàn bộ giá trị Hợp đồng.
Tuy nhiên, trớ trêu là Việt Tú đã không chịu bàn giao kịch bản cho TCHN.Thậm chí, đạo diễn này còn tự đi đăng ký chủ sở hữu tác phẩm là Công ty DS của mình. Cần thẳng thắn mà nói,cái kịch bản đấy không thể sử dụng khi thiếu đibối cảnh vùng đất Sài Sơn, không có đội ngũ nhân sự và trang thiết bị kỹ thuật của TCHN.Việt Tú đã được vinh danh tinh thần với đứa con tinh thần “Ngày xưa”, thì quyền công bố và quyền sở hữutác phẩm đương nhiên phải thuộc về TCHN. Về pháp lý như vậy và về đạo lý cũng không thể khác.
Là một đạo diễn có tiếng, có lẽ Việt Tú không nhầm lẫn về quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả. Tại phiên tòa, Việt Tú trình bày là do liên lạc một số lần với TCHN để đăng ký quyền tác giả, không thấy phía TCHN trả lời nên đã tự ý đi đăng ký quyền chủ sở hữu cho“Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa”. Tình tiết này cho thấy: Nếu “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” thuộc quyền sở hữu của Việt Tú thì đương nhiên khi đi đăng ký bản quyền anh ta không phải xin phép Tuần Châu; đằng này chính bản thân anh ta đã hiểu rằng quyền sở hữu thuộc về Tuần Châu nên mới phải liên lạc để cùng đi đăng ký.
Cục Bản quyền Tác giả Văn học nghệ thuật có trách nhiệm tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả. Cơ quan này không thể biết được hoạt động sáng tạo thực tế cũng như việc hỗ trợ vật chất cho sự sáng tạo. Các tác giả phải tự kê khai trung thực và từ chịu trách nhiệm. Không có gì biện minh được việc Việt Tú cố tình kê khai công ty của mình là chủ sở hữu tác phẩm.Nhà nước và xã hội luôn vinh danh và bảo vệ quyền của các nghệ sỹ, tác giả nhưng phải dựa trên căn cứ pháp luật.
Nhân đây tôi cũng nói thêm về văn bản thẩm định của Hội Nghệ sĩ sân khấu gửi Tòa án làm căn cứ ra phán quyết, trong đó kết luận vở “Tinh hoa Bắc Bộ”không phải là tác phẩm độc lập và là tác phẩm phái sinh từ “Ngày xưa”.Tôi cho rằng, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã có kết luận rất vội vàng và thiếu tính thuyết phục.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Tác giả bài viết hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam |
Trước hết, đây là vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm “Ngày xưa”, tức là liên quan trực tiếp đến quyền làm tác phẩm phái sinh (quy định tại Điều 20 Luật SHTT). Thế nên việc thẩm định này không có tính thực tiễn. Tranh chấp này nên thuộc về một vụ kiệnkhác. Đặc biệt, Hội Nghệ sĩ sân khấu không có trong tay đầy đủ kịch bản chi tiết, các thiết kế cụ thể của Tinh hoa Bắc Bộ.Họ đã dựa trên một trong các căn cứ là các cảnh quay trái phép của vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ(tại sân khấu đã có biển cấm ghi hình, chụp hình).Việc căn cứ trên các cảnh quay trái phép này là điều rất khó chấp nhận. Không thể dùng mục đích để biện minh cho phương pháp sai.
Hội chỉ đơn giản là dựa trên một số các yếu tố về ý tưởng về bối cảnh sân khấu, diễn viên, về khai thác chất liệu dân gian Bắc Bộ để kết luận Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh từ “Ngày xưa”. Về bối cảnh sân khấu, theo thông tin tôi được biết, đây là các yếu tố đã có từ trước thuộc quyền quản lý của TCHN, là căn cứ đặt hàng sáng tác cho cả Việt Tú lẫn Nhật Nam. Không thể coi bối cảnh trong các tác phẩm là sự phái sinh của nhau.Về các yếu tố như trang phục, truyền thống, văn hóa, tâm linh... là các yếu tố chung, không thể và không bao giờ là sản phẩm sáng tạo của riêng ai cả.
Bất cứ ai cũng có thể khai thác, vận dụng để sáng tạo ra tác phẩm. Việc sử dụng ánh sáng, âm thanh là đặc điểm nổi bật của biểu diễn thực cảnh mà kịch bản sân khấu nào cũng phải áp dụng điều đó. Chẳng thể nói là ý tưởng này là “đạo” hay phái sinh của ý tưởng khác. Quyền tác giả chỉ được công nhận khi phải đảm bảo yếu tố sáng tạo, cá biệt hóa mà người khác không thể sáng tạo ra.Pháp luật quy định không bảo hộ cho nội dung các ý tưởng, mà chỉ bảo hộ cho sự định hình vật chất của các ý tưởng đó. Vì thế, kết luận của Hội rất khó thuyết phục. Việc đánh giá Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh hay không nên cần đến một hội đồng giám định có thẩm quyền do tòa án thành lập vì khái niệm phái sinh đối với một tác phẩm nghệ thuật như vở diễn thực cảnh còn lạ lẫm trong bối cảnh Việt Nam.
Vụ án là một nốt trầm buồn cho bức tranh nghệ thuật. Buồn cho hai phía doanh nghiệp - tác giả, buồn cho giới làm nghệ thuật và buồn cho công chúng. Mọi sự tranh chấp, xung đột giữa các tác giả và nhà đầu tư chỉ khiến cho nền nghệ thuật nước nhà bị ảnh hưởng tiêu cực.Cá nhân tôi mong rằng, sau phán quyết của Tòa án thì vẫn còn có những tia hy vọng cho cái kết êm đẹp, hữu hảo giữa các bên. Một cái bắt tay thật chặt giữa tác giả và doanh nghiệp đầu tư chẳng phải sẽ là cái kết đẹp cho tất cả mọi người hay sao?
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Đạo diễn \'Tinh hoa Bắc Bộ\' kêu oan sau phiên tòa, đòi kiện lại Việt Tú
Hoàng Nhật Nam cho biết anh lấy danh dự, tự trọng, thậm chí mạng sống để khẳng định không đạo nhái vở "Ngày xưa" của ... |
Vụ kiện chúa đảo Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú: Ai là bên thắng cuộc?
Một vụ tranh chấp nóng từ trên phiên toà đến các trang mạng đã tạm thời đóng lại với phán quyết mà cả nguyên đơn ... |