Tranh cãi xung quanh lệnh bắt giữ của ICC

Một cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với Mỹ và Israel xung quanh việc ICC có phát lệnh bắt giữ hay không đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cùng với 3 lãnh đạo cấp cao của Hamas gồm: Yahya Sinwar, lãnh đạo Hamas phụ trách Dải Gaza; Mohammed Deif, lãnh đạo cánh quân sự của Hamas và Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas có trụ sở tại Qatar.

Theo truyền thông quốc tế, Công tố viên ICC Karim Khan hôm 20/5 đã nộp đơn lên Phòng xét xử sơ thẩm của ICC để xin lệnh bắt giam tạm thời đối với 5 quan chức nêu trên của cả hai phía do vai trò của họ trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và cuộc chiến tàn khốc kéo theo sau đó ở Dải Gaza khiến hơn 35.000 người Palestine thiệt mạng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp.

Tranh cãi xung quanh lệnh bắt giữ của ICC -0
Trụ sở Tòa Hình sự Quốc tế ở the Hague, Hà Lan.

Các cáo buộc của Công tố viên Khan chống lại hai ông Netanyahu và Gallant liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza bao gồm hành động “bỏ đói dân thường như một phương pháp chiến tranh”, “cố tình chỉ đạo các cuộc tấn công chống lại dân thường như một tội ác chiến tranh”, “tiêu diệt như một hành vi phạm tội ác chống lại loài người và giết người như tội ác chiến tranh”.

Các cáo buộc được đề xuất đối với lãnh đạo Hamas tập trung vào cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào miền Nam Israel, bao gồm “tiêu diệt như một tội ác chống lại loài người”, “bắt con tin như một tội ác chiến tranh”, “hiếp dâm và các hành vi bạo lực tình dục khác như tội ác chống lại loài người” và “tra tấn như một tội ác chống lại loài người”.

Trong tuyên bố của mình hôm 20/5, công tố viên Khan đã nói rõ rằng có thể còn thêm nhiều lệnh bắt nữa sẽ được đề xuất. Văn phòng của ông đang tiếp tục điều tra trên nhiều mặt trận. Đặc biệt, ông đề cập đến các cáo buộc bạo lực tình dục được thực hiện trong các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 và “vụ đánh bom quy mô lớn đã gây ra và tiếp tục gây ra rất nhiều cái chết, thương tích và đau khổ cho dân thường ở Gaza”. Ông Khan cho biết văn phòng của ông “sẽ không ngần ngại nộp thêm đơn xin lệnh bắt giữ khi chúng tôi cho rằng đã đáp ứng được ngưỡng có khả năng bị kết án thực tế”.

Đơn xin trát tòa hiện được chuyển đến một trong các phòng xét xử sơ thẩm của ICC và sẽ được quyết định bởi một hội đồng gồm 3 thẩm phán. Hiện tại, hội đồng liên quan bao gồm các thẩm phán đến từ Romania, Benin và Mexico. Không nhất thiết các thẩm phán sẽ chấp thuận mọi yêu cầu của công tố viên Khan, nhưng các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng ngưỡng bằng chứng cho lệnh bắt chỉ là “cơ sở hợp lý để tin, chứ không phải là “vượt quá sự nghi ngờ hợp lý”, đó là tiêu chuẩn cho kết án tại tòa.

Iva Vukusic, chuyên gia về thể chế pháp lý quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết: “Bên truy tố không ngu ngốc, họ sẽ không làm rối chuyện ở giai đoạn này trong một vụ án quan trọng mà mọi người đang quan tâm. Vì vậy, tôi tin rằng các thẩm phán sẽ đồng ý các lệnh bắt giữ”. Tuy nhiên, 3 vị thẩm phán nêu trên đang gặp phải áp lực chính trị lớn từ phía Israel và đồng minh Mỹ.

Tranh cãi xung quanh lệnh bắt giữ của ICC -0
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Quyết định của ông Khan dĩ nhiên bị giới chức chính trị ở Israel lên án một cách nhanh chóng. Cựu Tổng tham mưu trưởng Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh Israel cùng các ông Netanyahu và Gallant đã chỉ trích thông báo của ICC. Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho biết một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập ở Israel để “chống trả” và làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới để đảm bảo rằng bất kỳ lệnh nào như vậy sẽ không được thực thi đối với lãnh đạo Israel. Đồng minh Mỹ của Israel đã tuyên bố sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với ICC nếu lệnh bắt các quan chức Israel được ban hành.

Phía Hamas cũng chỉ trích lệnh bắt. Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nói với hãng tin Reuters rằng quyết định của Công tố viên ICC “đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết”.

ICC không có lực lượng cảnh sát hoặc cơ chế thực thi riêng, nhưng các lệnh bắt giữ sẽ hạn chế nghiêm trọng quyền lựa chọn đi lại của những người bị truy tố. 124 quốc gia thành viên của ICC sẽ có nghĩa vụ bắt giữ họ và ngay cả những nước không phải là thành viên cũng sẽ chịu áp lực phải thực hiện việc bắt giữ. Trên thực tế, các cường quốc không phải là thành viên như Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ không chịu áp lực như vậy. Hai ông Netanyahu và Gallant vẫn có thể đến thăm Mỹ. Các lãnh đạo Hamas như Sinwar và Deif được cho là đang ở Gaza nên hiện tại nằm ngoài tầm với. Haniyeh trú đóng tại Qatar, quốc gia không phải là thành viên của ICC, vì vậy khả năng bắt giữ ông này cũng không cao.

Ngoài cuộc chiến Gaza, hiện Israel cũng đang phải đối mặt với hai vụ kiện pháp lý quốc tế lớn khác về vấn đề người Palestine. Vào tháng 12/2023, Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), cáo buộc hành động của Israel ở Gaza đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về diệt chủng. Israel phủ nhận những cáo buộc đó. ICJ chỉ xét xử các vụ việc giữa các quốc gia nên không có thẩm quyền đối với Hamas. Vào năm 2022, một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn về “các hậu quả pháp lý phát sinh từ các chính sách và hoạt động của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”, một động thái được coi là quan trọng để xác định tính hợp pháp của các cuộc tấn công của Israel vào vùng lãnh thổ của người Palestine.

Mặc dù khó có khả năng thực hiện việc truy tố, nhưng lệnh bắt của ICC có thể khiến các quan chức Israel có nguy cơ bị bắt giữ ở các quốc gia khác, làm sâu sắc thêm sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của quốc gia này đối với hành vi của nước này trong cuộc chiến ở Gaza.

Mới đây nhất, ngày 22/5, 3 quốc gia châu Âu gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha đã tuyên bố sẽ chính thức công nhận Palestine là một nhà nước độc lập vào ngày 28/5 tới. Đây được xem là một diễn biến đầy bất ngờ liên quan đến cuộc chiến Gaza, nó cho thấy cộng đồng thế giới đang ngày càng phẫn nộ với cuộc chiến tàn nhẫn tại Gaza và muốn tìm giải pháp hòa bình một cách nhanh, hiệu quả nhất.

Theo CAND