Để tìm ra được giải pháp đồng bộ chống ngập, TP.HCM sẽ mở một hội nghị tìm tổng thầu nghiên cứu một đề án cụ thể.
Thành phố không thể chỉ nghe cá nhân
Trước những phản biện của ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung về ý kiến của các chuyên gia góp ý việc sử dụng máy bơm công suất lớn giải quyết tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM, ngày 27/6, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố không nhận được bất cứ thông tin nào.
Ông Tuyến nói rõ thêm: "Bên phía công ty Quang Trung cũng không xin ý kiến phía thành phố về việc này.
Thành phố hiện nay chỉ đang quan tâm đến hiệu quả của dự án siêu máy bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để còn đưa ra mức giá hợp đồng, nhưng hiện vẫn đang kiểm tra lại nguyên nhân của một số lần chưa hiệu quả, xem có dấu hiệu phá hoại hay do năng lực của máy bơm.
Ông Nguyễn Tăng Cường giới thiệu máy bơm thông minh với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến hồi tháng 10/2017. Ảnh VNN
Thành phố từ trước đến nay chỉ quan tâm việc có một doanh nghiệp họ hỗ trợ cho thành phố như vậy thì chúng tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, có hiệu quả thì mới trả tiền. Thành phố cũng có tổ công tác giám sát, thanh tra, thuê chuyên gia chứ không chỉ nói chuyện vu vơ".
Bên cạnh đó, theo ông Tuyến, các giải pháp để xử lý ngập cho TPHCM nói chung và đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng không thể chỉ nghe cá nhân từng người.
"Theo tôi cần có một đề tài khoa học, thuê một tổ chức cụ thể, các chuyên gia tên tuổi rồi triển khai, nghiên cứu một cách thực tế, chứ không thể chỉ nói lý thuyết như hiện nay.
Thành phố cũng đã xác định phải thuê tư vấn để có một giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề từ phát triển đô thị, ngăn chặn việc lấn kênh rạch, xả rác, chống ngập...
Ở đây cần nhiều giải pháp đồng bộ mới xử lý được, kể cả vấn đề mật độ dân số, cần tính toán lại, dân cư đông cần giãn dân, thoát nước, bài toán trên cần có một hệ thống chuyên gia nghiên cứu thành đề tài.
Chứ còn các ý kiến hiện nay thì cũng cần thiết, sẽ phải lắng nghe nhưng chưa có sự khoa học. Có thể nêu nguyên nhân do phát triển đô thị, bê tông hóa không thoát nước được, lấn chiếm kênh rạch, các công trình chưa hiệu quả do thiếu vốn, không đồng bộ, xả rác xuống cống nhưng chưa xác định giải pháp", ông Tuyến nói thêm.
Nói về việc cần làm hiện nay, theo ông Tuyến, cần xác định từng mm nước ngập ở từng vị trí, khu vực nào, ở đâu, cần xử lý thế nào. Bởi vốn dĩ việc ngập ở mỗi khu vực cũng khác nhau, như siêu máy bơm của công ty Quang Trung cũng chỉ để được khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh chứ không thể để khu vực khác. Nghĩa là, mỗi khu vực, tuyến đường ngập đều cần tìm ra nguyên nhân, để có giải pháp đồng bộ.
Hai giải pháp chính
Nói rõ về các giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: "Thứ nhất, chiến dịch lâu dài, cấp phép công trình mới thì phải thân thiện môi trường, giúp cho việc thoát nước.
TPHCM đi tìm giải pháp đồng bộ chống ngập cho toàn thành phố
Trong chiến lược phát triển quy hoạch có những khu đất dành cho hồ điều tiết, ở Hàn Quốc họ làm việc này rất tốt, xây dựng rất nhiều. Có vốn đầu tư để làm các công trình chống ngập.
Thứ hai, các giải pháp trước mắt như máy bơm, nạo vét kênh rạch cũng cần phải được chỉ rõ".
Cũng theo ông Tuyến, hiện nay vẫn chưa xác định được giải pháp lâu dài là gì, trước mắt là gì, nên mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng, chưa biết khu vực nào cần áp dụng giải pháp gì, chưa biết đâu là chiến lược, đâu là giải pháp trước mắt.
"Thành phố đang chuẩn bị mở một Hội nghị đầu tư chống ngập, để các chuyên gia giới thiệu chuyên gia chống ngập cho thành phố, sau đó đấu thầu chọn một nhà đầu tư để làm tổng thầu cho dự án tìm giải pháp đồng bộ chống ngập", ông Tuyến khẳng định.
Siêu máy bơm không chống được ngập: Lại nghi bị phá hoại?
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp, máy bơm chống ngập không hút được nước do bị phá hoại. |
Đường thành sông, chủ "siêu máy bơm" nói không vi phạm hợp đồng!
Mặc dù thừa nhận lượng nước dồn về rất nhanh, nhân viên vận hành máy bơm không kịp thời dẫn đến ngập nhưng chủ "siêu ... |