Không ít người Trung Quốc cho rằng việc đàn ông chau chuốt bề ngoài là biểu hiện của sự thiếu nam tính, có nguy cơ làm suy yếu tương lai quốc gia.
Một ban nhạc nam Trung Quốc được cho là có các thành viên bị "nữ tính quá đà". Ảnh: SCMP.
Vào một buổi sáng trời rét -10 độ C, hơn 20 cậu bé tập trung tại một công viên ở Bắc Kinh tham gia khóa huấn luyện trở thành "nam nhi đích thực". Những cơn gió lạnh buốt làm căng dây thần kinh. Em nhỏ nhất, khoảng 7 tuổi, chuẩn bị cởi áo ra để chạy.
Một người mẹ đứng quan sát trong lo lắng. Cô muốn con mình lớn lên trở thành "đàn ông đích thực" nhưng trời quá lạnh. Cô bảo con rằng cậu bé có thể vẫn mặc áo để chạy hoặc bỏ qua phần chạy trong Công viên Rừng Thế vận hội.
Nhưng việc làm của người mẹ là cách dạy con "yếu đuối" mà huấn luyện viên Tang Haiya lo sợ có thể làm hư lũ trẻ. Tang, một cựu giáo viên, thành lập Câu lạc bộ Huấn luyện Đàn ông Đích thực nhằm chống lại cái mà ông cùng nhiều người khác coi là cuộc khủng hoảng nam tính đang diễn ra ở Trung Quốc. Đây là một phần trong chuỗi những phản ứng dữ dội chống lại làn sóng nam thần tượng hay diễn viên ăn mặc nữ tính, trang điểm đậm, đeo khuyên tai ngày càng phổ biến ở nước này.
"Nếu bạn cổ vũ cho những ngôi sao, thần tượng ẻo lả như vậy thì đó là thảm họa đối với quốc gia", Tang quả quyết.
Tại một đất nước nơi đàn ông chiếm đa số trong giới lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và những chiến dịch kêu gọi bình đẳng giới ít được quan tâm như Trung Quốc, những cuộc tranh luận về chủ đề "nam giới ẻo lả, mặt hoa da phấn" đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Các ban nhạc nam hay ngôi sao Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những thần tượng Hàn Quốc. Đặc điểm chung của họ thường là ăn mặc chải chuốt, để ý tới trang điểm hay đeo nhiều trang sức nhằm gây ấn tượng.
Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lại lên án những hình tượng như vậy, cho rằng chúng quá "yếu đuối". Một chương trình truyền hình từng bị phản đối vì giới thiệu nhóm nhạc có các thành viên nam ăn mặc quá chải chuốt. Các bậc phụ huynh đã công kích Bộ Giáo dục Trung Quốc vì cho phép việc lấy những chàng trai trang điểm đậm làm hình mẫu lý tưởng cho giới trẻ. Truyền thông nhà nước cảnh báo văn hóa "bệnh hoạn" và "suy đồi" này sẽ đe dọa tới tương lai quốc gia.
Năm nay, một trang chia sẻ video của Trung Quốc thậm chí còn làm mờ hình ảnh khuyên tai mà những người đàn ông đeo.
Giáo sư Song Geng từ Đại học Hong Kong cho rằng mối lo âu kể trên phần nào phản ánh nỗi bất an sâu sắc về sức mạnh của Trung Quốc. "Họ lo lắng rằng nếu đàn ông Trung Quốc quá nữ tính... họ sẽ trở thành một quốc gia yếu đuối trong tương lai và không thể chống lại kẻ thù", Song nói.
Nhà biên kịch Wang Hailin lên án việc các đồng nghiệp của ông đôi khi khắc họa những nhân vật nam giống như những kẻ "hèn nhát, yếu đuối, ngốc nghếch và thua cuộc". Ông khuyên mọi người nên nhìn sang Hollywood để tìm kiếm hình mẫu nhân vật "đàn ông đích thực".
"Nó tạo ra cảm nhận rằng tất cả đàn ông Trung Quốc đều yếu đuối, vô trách nhiệm và thờ ơ", Wang nhấn mạnh. "Các diễn viên nam đại diện cho tư tưởng quốc gia. Chúng ta không nên khuyến khích giới trẻ ngưỡng mộ họ và coi họ như hình mẫu".
Các lãnh đạo quân sự Trung Quốc dường như cũng chia sẻ nỗi lo âu về tình trạng "nữ tính hóa" ở đàn ông. Tờ People’s Liberation Army Daily của quân đội Trung Quốc phàn nàn rằng 20% số tân binh không đủ khả năng vượt qua các bài kiểm tra thể chất đầu vào vì thừa cân, xem quá nhiều video trên điện thoại, uống rượu và thủ dâm quá độ.
Tại công viên ở Bắc Kinh, Tang gọi câu lạc bộ của ông là "khóa học bảo tồn đàn ông đích thực".
Trong buổi sáng tập cởi trần chạy bộ, các cậu bé đến lớp với đủ áo ấm nhưng đều phải cởi hết. Mỗi cậu bé đeo một chiếc băng trên trán với dòng chữ "Đàn ông Đích thực". Đồng phục của các em in những câu khẩu hiệu mang tính khích lệ bằng tiếng Anh như "Lãnh đạo Quyền lực" hay "Mọi thứ đều có thể".
"Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để con trai tôi dần dần nuôi dưỡng một cá tính mạnh mẽ", Chen, bà mẹ khuyên con nên mặc áo chạy bộ thay vì cởi trần, chia sẻ. Cô miêu tả con trai mình là một cậu bé nhút nhát và sống nội tâm, việc tham gia những khóa huấn luyện ngoài trời giúp tăng sự tự tin của em.
"Nếu là nam, bạn phải có sự mạnh mẽ. Nếu là nữ, bạn cần sự nhẹ nhàng", Chen nói. "Nhưng tôi không nghĩ ngành công nghiệp giải trí đang mang đến những hình mẫu tốt cho xã hội, bởi các ngôi sao, thần tượng xuất hiện trên màn ảnh rộng thường làm bật khía cạnh nữ tính ở đàn ông. Đó là vấn đề".
Li Chao, 21 tuổi, sống tại một căn hộ sang trọng ở ngoại ô Bắc Kinh cùng hai trợ lý và một con chó poodle tên Coffee. Anh là mẫu đàn ông mà rất nhiều người bảo thủ ở Trung Quốc coi thường. Li uốn tóc cẩn thận, anh tô son và thường đánh phấn nền nhẹ. Li kiếm được khoảng 30.000 USD mỗi tháng, số tiền không tưởng đối với một chàng trai không có bằng cấp, chỉ nhờ việc quay video trực tiếp hướng dẫn trang điểm.
Thời đi học, Li cảm thấy bất bình với quan điểm cho rằng con trai không cần quan tâm tới ngoại hình. Anh tự mua kem che khuyết điểm để giấu đi những vết mụn trên mặt và bắt đầu hỏi các bạn nữ cách trang điểm.
"Tôi cảm thấy vui vì được trang điểm mỗi ngày. Tôi thấy sảng khoái và thực sự tuyệt vời. Nó khiến tâm trạng tôi tốt lên", Li cho hay.
Trái lại, cha Li vô cùng bàng hoàng. "Ông ấy giận dữ và tra hỏi tôi. Ông yêu cầu tôi không làm những điều con gái, không được trông như con gái", Li kể. "Ông ấy thường nói: 'Đừng mặc cái này. Dừng ngay lại. Con nên ra ngoài và chơi thể thao'. Tôi không thể thay đổi cha mình".
Không ít đàn ông Trung Quốc đang sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da mặt ngày càng thường xuyên. Chen Yiqun, tài xế taxi ở thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, đã trở nên nổi tiếng trên mạng Internet khi bức ảnh anh vừa lái xe vừa đắp mặt nạ dưỡng da được lan truyền với tốc độ chóng mặt hồi năm ngoái. Chen bị đình chỉ công việc trong ba ngày nhưng cũng nhận về không ít lời ca ngợi trên mạng vì "chế độ chăm sóc da mặt chuẩn mực".
Bức ảnh tài xế Chen Yiqun vừa đắp mặt nạ vừa lái xe taxi được lan truyền rộng rãi trên mạng Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: SCMP.
Li có 1,5 triệu người theo dõi trên trang chia sẻ video Kuaishou và hai triệu fan hâm hộ trên mạng xã hội Weibo, chủ yếu là phụ nữ. "Làm đa dạng hơn hình ảnh đàn ông thì có gì sai trái?", Li đặt câu hỏi. "Ngày nay, việc đàn ông quan tâm đến ngoại hình là điều bình thường".
"Chúng ta nên tạo ra một xã hội đa dạng và khoan dung. Đàn ông nên quan tâm đến việc xây dựng một tâm hồn độc lập, một trái tim chính trực và một ý thức trách nhiệm xã hội mạnh mẽ", Li nói.
Theo nhà nghiên cứu Zheng Jiawen từ khoa Truyền thông và Báo chí thuộc Đại học Nam Kinh, cuộc khủng hoảng nam tính thực sự của Trung Quốc không nằm ở những người đàn ông "nữ tính" mà nằm ở tâm lý lo âu mà nam giới đang mang trước "sự suy yếu vị thế xã hội và nỗi tuyệt vọng trong nỗ lực bám víu lấy quyền lực".
"Tất cả chúng ta cần học cách chấp nhận sự thật là một khuôn mặt thanh tú không đi đôi với một trái tim yếu mềm, bờ vai thon không phải biểu hiện của tâm hồn mong manh dễ vỡ và sự đi ngược lại những khuôn mẫu nam tính lỗi thời không phải hành động phản bội quốc gia", Zheng nhấn mạnh.
Ca sĩ Trung Quốc Dịch Dương Thiên Tỉ. Ảnh: SCMP.
Vũ Hoàng (Theo South China Morning Post)
1.000 nam giới Brazil phải cắt bỏ dương vật mỗi năm vì bẩn
Tổng thống Brazil bất ngờ trước con số hơn 1.000 ca cắt bỏ dương vật xảy ra mỗi năm ở nước này do tình trạng ... |
7 dấu hiệu cho thấy nam giới có tinh trùng khỏe mạnh
Nhiều nghiên cứu phát hiện nếu nam giới tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều cá, có giọng nói cao, điều đó chứng tỏ họ ... |