Trăng Thu phố cũ

 Mùa nào phố cũng có trăng, nhưng để nao nao ngắm trăng thì phải là mùa Thu. Kể cả bây giờ ánh trăng đã bị ánh đèn cao áp bắt nạt, nhưng ngay ở những ngày trăng non thượng huyền, chỉ cần nhìn trăng từ một ban công rêu phong nào đó, chợt nhiên tự thấy lòng mình rộng rãi thanh thoát.
 

Trăng mùa Thu càng gần rằm càng long lanh tròn sáng hư ảo. Đã là người sống tử tế thì tất thảy đều yêu trăng. Và yêu trăng nhất đương nhiên là bọn trẻ, bởi đơn giản, chẳng bao giờ chúng lại hết được tử tế. Nhiều năm rồi, Trung thu ở khắp nơi là của bọn trẻ con. Cho dù đám trẻ bây giờ trên phố, vốn bị cách bức bởi bê tông hay facebook, thì tuy sắp sửa vào rằm vẫn náo nức đeo mặt nạ thập thò sang nhà nhau. Tất nhiên những con giống bằng đất ít còn được nặn nữa. Tất nhiên đèn lồng rồi đèn ông sao bị sáng bằng điện pin. Chỉ còn tiếng hát ngượng nghịu ngây thơ “tùng dinh, tùng dinh dinh…” là nguyên vẹn của một thời xa xưa trong sáng.

trang thu pho cu
Cửa hàng bán đồ chơi Trung Thu ở Hà Nội đầu thế kỷ 20

Theo Âm lịch, (lịch của phương Đông tính chu kỳ mặt trăng, khác với lịch phương Tây mặt trời) thì bắt đầu khoảng từ thời Hán ở Trung Quốc, trong một năm người ta chính thức làm bốn lễ lớn. Tết Nguyên Đán của Xuân, Tết Đoan Ngọ của Hạ, Tết Trung thu của Thu và Tết Đông Chí của Đông. Xen kẽ vào đấy là những lễ tết nhỏ hơn, ví như Hàn Thực mùng ba tháng ba người Việt thay đồ ăn lạnh bằng bánh trôi bánh chay, hoặc Tết Trung Nguyên rằm tháng bảy ngày xá tội vong nhân.

Theo sách “Thiên Bảo di sự” thì Đường Minh Hoàng (685-762) là người có công nhất trong việc hoành tráng nghi lễ Trung thu. Ông vua này vốn ham chơi thích bay bổng lãng mạn, nên ngoài chuyện mê mỹ nhân thì còn yêu trăng Thu kinh khủng. Ông ta nhờ pháp sư Thân Thiên dùng phép thuật đưa hồn lên cung Nguyệt. Lúc tỉnh về ông nhớ được vũ điệu Nghê Thường do chính các tiên nữ chân dài truyền dạy. Lân Rồng song múa rồi đèn kéo quân... cũng từ vũ đạo độc đáo của mặt trăng mà ra. Đấy là chưa kể món bình dân khét tiếng “vằn thắn”, cũng là do ông ta tham ăn nằm mơ thấy mình được nuốt mây (vân thôn), để bắt ngự trù nương vào đấy mà làm món. Chẳng hiểu vị trí của Đường Minh Hoàng trong sử Tàu to bé thế nào, nhưng chỉ cần ông ta thăng hoa nghĩ vài “tuyệt chiêu” thượng thặng như thế, chắc chắn ông ta không phải loại vua tầm thường.

Do hoàn cảnh khách quan lịch sử, đất Việt trở nên là nơi hội tụ của rất nhiều giá trị văn hóa khác nhau. Có những thứ đã hiện diện cả ngàn năm và có những thứ mới chỉ xuất hiện chừng vài chục năm. Thế nhưng có điều lạ, tất cả những biểu hiện văn hóa khác biệt ấy, đều được “Việt hóa” rất nhanh theo một cách tinh tế và sâu sắc nhất. Bởi thế, Tết Trung thu ở ta khá giản dị. Nó là tết của quả của bánh trái, khác với tết Xuân là của hoa và đồ mặn.

Vào cái đêm rằm lồng lộng trăng ấy, người ta sửa lễ vật dâng cúng trời đất ở chùa hoặc đền đình miếu, nhiều khi cũng làm tại gia. Mâm cỗ chờ trăng tròn đầy na, bưởi, hồng, chuối phưng phức mùi bánh nướng bánh dẻo có thêm bánh đậu xanh bánh phu thê. Việc cúng trăng thường do đàn bà đảm đương, đàn ông tuyệt đối không bái nguyệt. Theo triết lý Âm Dương, mặt trăng là biểu tượng của Thái Âm, nơi đặc sệt đông nghẹt chỉ toàn các quý bà quý cô. Ở một chỗ âm khi dày chặt như thế mà đột nhiên có thằng con trai, thì từ xưa đến nay duy nhất chỉ có thằng Cuội.

Vào những ngày chưa xa ở Hà Nội, soạn mâm cỗ đón trăng Thu thường do các thiếu nữ thanh tân đảm đương. Hồi đấy sao có nhiều các quý cô khéo tay đến vậy. Làm con chó xù xinh trắng bằng bưởi là chuyện nhỏ, họ còn cầu kỳ tạo ra những hình cỗ độc đáo vô chừng. Ví như hình ông Lã Vọng câu cá bằng đủ các loại quả chẳng hạn. Tinh vi sống động từng nón mê, áo tơi, cần câu, cá chép. Dân phố nườm nượp đi xem bày cỗ. Cỗ càng to càng khéo mà thiếu nữ càng xinh thì càng đông đám tuấn tú thanh niên. Khá nhiều thiếu nữ ở Hàng Đào, Hàng Gai… đã ngấm ngầm chọn được chồng trong đêm trăng rằm trong suốt ấy.

Người xưa nhìn trăng thường là để nuôi dưỡng tâm mình. Ánh trăng thong thả nhân hậu làm dịu đi những gay gắt tính toán bạc bẽo của cuồn cuộn ngày thường mưu sinh. Thi hào sơ Đường là Trương Nhược Hư, một lần ngắm trăng Thu trên sông đã rưng rưng cảm thán “Giang bạn hà niên sơ kiến nguyệt. Giang Nguyệt hà niên sơ chiếu nhân”. Trăng lần đầu soi thấy ai và ai đầu tiên thấy trăng chính là một niềm bâng khuâng vô biên hạnh phúc. Không phải ngẫu nhiên mà rằm mười lăm được coi là mốc tuổi đẹp nhất của mọi thiếu nữ. Các cô tiên trên cung trăng nếu có tuổi thì chắc cũng đang ở cữ đó.

Cho dù Hà Nội hôm nay đã hầu như tuyệt truyền những thiếu nữ biết soạn cỗ mà chỉ còn các nàng nhí nhảnh đi phá cỗ, nhưng không hiểu sao bọn họ vẫn ngấm ngầm chọn được chồng tuấn tú. Có vài chàng sau khi hôn nhân xong xuôi rồi thì thở dài giải thích, bởi đêm rằm của cái năm sai lầm ấy, phố cổ ngập tràn lãng mạn ánh trăng.

http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/trang-thu-pho-cu/742502.antd

/ Theo Nhà văn Nguyễn Việt Hà/An ninh Thủ đô