Trận đánh '10 phần chết 1 phần sống' trong ký ức chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) - người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn vẫn nhớ như in khoảnh khắc sinh tử, từng diễn biến của trận đánh "10 phần chết 1 phần sống" này.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định với tổng số gần 100 đội viên thực hiện cuộc tấn công bất ngờ, đồng loạt vào 5 mục tiêu trọng yếu ngay tại sào huyệt đầu não của địch.

Trong chương trình Mật danh của VOV1, ông Phan Văn Hôn, một trong 15 chiến sĩ tham gia trận đánh Dinh Độc Lập, vẫn không quên từng chi tiết về diễn biến của trận chiến "không cân sức, 10 phần chết một phần sống" này.

Chuẩn bị bí mật cho trận đánh lịch sử

Ông Phan Văn Hôn, sinh ra ở vùng đất thép Củ Chi, giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 14-15 tuổi, từng là du kích địa phương đào địa đạo. Năm 17 tuổi, ông gia nhập quân đội và được phân về Tiểu đoàn 14 tỉnh Tây Ninh. Nhờ những thành tích xuất sắc, ông sau đó được cử đi học Đặc công rồi chuyển về Đại đội K14 Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

"Tháng 6/1967, tôi được chuyển về đội 5 Biệt động Sài Gòn và chờ lệnh cho cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Biệt động Sài Gòn hoạt động tuyệt mật lắm, chúng tôi cứ ăn học, không ai biết mình là lính cả. Đến năm 1968, khi chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân, chúng tôi đều hiểu rằng trận này là trận cuối cùng, là trận thập tử nhất sinh".

Nay ở tuổi 80, ông Phan Văn Hôn bồi hồi nhớ lại từng khoảnh khắc trước khi trận đánh định mệnh diễn ra: "Vẫn không quên từng chi tiết về diễn biến của trận đánh không cân sức, 10 phần chết một phần sống này. Một trận đánh được giữ bí mật tới tận phút cuối cùng.

Sáng 29 Tết, tất cả anh em cứ lần lượt đi về tập trung ở chỗ nhà ông Năm Lai, số 287/70, nằm chờ lệnh. Ăn mặc thế nào, súng đâu mà chiến đấu, đánh ra làm sao, trong lòng cứ chuyện đó nhưng trên thì tuyệt mật, không cho biết gì hết".

Các chiến sĩ Biệt động tập trung ở nhà ông Năm Lai để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử.

Các chiến sĩ Biệt động tập trung ở nhà ông Năm Lai để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử.

Mãi đến chiều tối hôm đó, chỉ huy mới dần hé lộ thông tin về nhiệm vụ lịch sử.

"4 giờ chiều, đồng chí Tư Cang là chỉ huy cụm quay trở lại một lần nữa để kiểm tra quân số. Đồng chí nói chuẩn bị chiến đấu.

Lúc bấy giờ đồng chí nói với ông Năm Lai là mở căn hầm ra, các anh em chui dưới hầm lau chùi súng đạn chứ chưa biết đánh ở đâu, nhưng khi xuống đó nhận thấy đây là trận đánh lớn của mình rồi", ông Bảy Hôn kể lại khoảnh khắc nhận ra tầm vóc của trận chiến.

Đến đêm, chỉ huy Tư Cang mới chính thức công bố mục tiêu: "Đồng chí Tư Cang đến lần thứ ba thì mới trải tấm bản đồ ra. Đây là mục tiêu chiến đấu của các đồng chí là đánh vào Dinh Độc Lập. Hỏi mọi người có sợ không thì nói chung là ai cũng sung sướng hết.

Biết rằng hy sinh nhưng mà rất sung sướng vì đây là cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền Sài Gòn hết sức quan trọng. Vì vậy chúng ta hy sinh chỗ này là hoàn toàn xứng đáng", giọng ông Bảy Hôn vẫn vang lên niềm tự hào.

Lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Ngay trước trận đánh, một bản thờ Tổ quốc được lập nên. Gần 100 chiến sĩ biệt động Sài Gòn nghiêm trang thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", xem ngày xung trận chính là ngày giỗ của mình.

Đúng rạng sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Mậu Thân, 100 chiến sĩ đồng loạt phát lệnh tấn công. Nội thành Sài Gòn rung chuyển dữ dội. 5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định bất ngờ, đồng loạt tiến công 5 mục tiêu chiến lược trọng yếu: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và Đài Phát thanh Sài Gòn.

Các chiến sĩ lập lời thề

Các chiến sĩ lập lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'' trước khi ra trận.

"Đánh bao nhiêu cũng đánh, ba người cũng đánh", ông Bảy Hôn khẳng định về tinh thần quả cảm. Với lối đánh "xuất quỷ nhập thần", lúc ẩn lúc hiện, không ngờ, không ngớt, các chiến sĩ biệt động đã tạo nên những chiến công vang dội. "Đánh toà đại sứ rồi đánh khách sạn, đánh tất cả đều là biệt động đánh, đánh không có nhiều người đâu, chỉ có mấy người thôi, đánh đâu sập đó".

Tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, số 145 Trần Quang Khải, quận 1, nhiều hiện vật quý giá của sự kiện từng gây chấn động chính quyền Sài Gòn và quân Mỹ lúc bấy giờ vẫn còn được lưu giữ, là minh chứng sống động cho những chiến công hiển hách.

"Trong trận chiến đó, chúng tôi không chỉ tiêu diệt được nhiều xe jeep mà còn loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch ngay tại Dinh Độc Lập", ông Bảy Hôn nhớ lại.

5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định bất ngờ, đồng loạt tiến công 5 mục tiêu chiến lược trọng yếu.

5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định bất ngờ, đồng loạt tiến công 5 mục tiêu chiến lược trọng yếu.

Sau những phút hoảng loạn, lực lượng phòng vệ của đối phương củng cố lại, đồng thời bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ. Những người còn lại phải gian nan trốn thoát.

"Anh em chúng tôi phải trốn ra đường Thủ thiêm, tìm đến một căn nhà ở quận 5. Con đường gian nan, phải trèo theo ống nước. Cuối cùng, số còn lại bị địch bắt, gồm 6 người nam và 1 người nữ. Trong vòng một tháng, ký cung xong rồi chúng đưa về nhốt ở Kiến Hòa mà không xử án, giải hết ra đảo".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968, với vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng biệt động Sài Gòn, đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, xuống thang chiến tranh và tiến tới rút quân về nước. Đây là tiền đề quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm trí những người lính từng vào sinh ra tử như ông Phan Văn Hôn, ký ức về những trận đánh và đồng đội vẫn vẹn nguyên, nhắc nhở về giá trị của hòa bình và sự hy sinh.

Lê Chi / VTC News