Người dân Thượng Hải sẵn sàng chờ đợi hàng giờ và mua một cốc trà sữa với giá cao gấp nhiều lần để ủng hộ thương hiệu địa phương.
Dòng người xếp hàng nhiều giờ liền để mua trà sữa White Rabbit tại trung tâm thương mại CapitaMall LuOne ở Thượng Hải. Ảnh: Global Times
Anh Wang Xiaoliang, 40 tuổi, đã mất khoảng hai giờ xếp hàng cùng hàng trăm người khác để mua một cốc trà sữa White Rabbit vào chiều cuối tuần qua. Một số người chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ thậm chí xếp hàng tới 4-5 giờ.
"Đây không phải là chuyện ngon hay không", anh nói. "Chúng tôi chỉ muốn thể hiện sự ủng hộ với các thương hiệu địa phương vào thời điểm chính phủ Mỹ toan tính phá hoại sự phát triển kinh tế của Trung Quốc".
Thương hiệu kẹo sữa White Rabbit nổi danh toàn cầu từ năm 1972, khi được Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Ân Lai tặng cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Cuối tháng trước, tập đoàn thực phẩm quốc doanh Guan Sheng Yuan, chủ sở hữu của White Rabbit, thiết lập một quầy hàng dã chiến tại trung tâm thương mại CapitaMall LuOne ở Thượng Hải cùng hai đối tác địa phương để bán trà sữa. Công ty này đang lần đầu tiên sản xuất và bán trà sữa trong lịch sử 60 năm hoạt động với mục tiêu ra mắt nhiều dòng sản phẩm nhằm trẻ hóa thương hiệu White Rabbit.
Khách xếp hàng mua trà sữa White Rabbit tại trung tâm thương mại CapitaMall LuOne ở Thượng Hải. Ảnh: Global Times
Dù thị trường trà sữa đang cạnh tranh khốc liệt, cửa hàng của White Rabbit vẫn thu hút sự ủng hộ của đông đảo khách hàng và những người đầu cơ cũng nhanh chóng chớp lấy cơ hội này. Họ xếp hàng suốt nhiều giờ để mua trà sữa rồi bán lại với giá "cắt cổ" cho những khách hàng ít kiên nhẫn hơn.
Một người đầu cơ cho biết anh kiếm được ít nhất vài trăm tệ một ngày từ việc bán trà sữa White Rabbit. Một cốc trà bình thường chỉ 19-23 tệ, nay được bán lại với giá 100 tệ, thậm chí một số khách sẵn sàng chi 500 tệ (72 USD) để mua trà.
Ước tính có khoảng một triệu cửa hàng trà sữa và nước trái cây phục vụ đối tượng khách hàng là giới trẻ tại Trung Quốc đại lục.
"Loại trà này không thực sự mang hương vị của kẹo sữa White Rabbit", Andy Yin, một khách hàng xếp hàng suốt hai giờ chiều 9/6, nói. "Nhưng chúng tôi không quan tâm, bởi có cơ hội nếm thử nó đã vui rồi", anh nói và cho biết sẽ đăng ảnh chụp cốc trà sữa lên ứng dụng WeChat để "khoe" với bạn bè.
Những người đầu cơ trà sữa White Rabbit tụ tập một góc bên ngoài trung tâm thương mại CapitaMall LuOne ở Thượng Hải. Ảnh: Shine
Nhiều thương hiệu của Thượng Hải mất dần thị phần trong hai thập kỷ qua giữa làn sóng ồ ạt của các sản phẩm ngoại nhập. Chính quyền đã nhiều lần vào cuộc để tái sinh các nhãn hàng được ưa chuộng nhất của thành phố nhưng bất thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hơn 300 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đối mặt với mức thuế tăng 25%, các thương hiệu nội địa đang có cơ hội để trỗi dậy trên danh nghĩa của lòng tự hào dân tộc.
"Cuộc chiến tranh thương mại đang tạo ra cơ hội cho các thương hiệu cũ", Zhou Shiyu, giám đốc điều hành một công ty cung cấp sản phẩm tẩy rửa lâu năm ở Thượng Hải, nói. "Tuy nhiên, các thương hiệu địa phương cần nỗ lực hơn để cải thiện công nghệ sản xuất, tăng cường kỹ năng quản lý và bắt kịp các đối thủ quốc tế về chất lượng, bao bì và hiệu quả phân phối".