TP.HCM tăng tốc tiêm vaccine trong thời gian giãn cách xã hội

TP.HCM đang tận dụng thời điểm giãn cách xã hội để tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 cho người dân với 821.000 liều, từ ngày 22/7-1/8.

Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao ban trực tuyến ngắn với lãnh đạo TP.HCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM tăng tốc tiêm vaccine trong thời gian giãn cách xã hội - 1
Nhân viên làm việc tại Khu Công nghệ cao ở TP.HCM được tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tăng tốc tiêm vaccine

TPHCM đang tận dụng thời điểm giãn cách xã hội để tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 cho người dân với 821.000 liều, từ ngày 22/7-1/8. Thành phố đã đơn giản hóa quy trình và đội hình, huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều người, phấn đấu trong tháng 8/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên địa bàn.

Để bảo đảm tiến độ và kế hoạch tiêm chủng, TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vaccine liên tục cho Thành phố.

Bộ Y tế khuyến nghị, dựa trên điều kiện thực tiễn của TP.HCM sẽ giảm bớt quy trình, thời gian theo dõi sau tiêm, đã áp dụng trong đợt tiêm chủng vaccine vừa qua và tốc độ tiêm chủng đã được tăng.

Ban Chỉ đạo đánh giá TP.HCM đã thực hiện giãn cách nghiêm, chặt hơn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp tối thiểu 4 triệu liều vaccine trong tháng 8/2021, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo yêu cầu TP.HCM phải có kế hoạch cụ thể đến từng ngày với phương án cao nhất và phương án bình thường để Bộ Y tế chủ động cân đối nguồn vaccine.

Thành phố cần tích cực tuyên truyền mạnh mẽ với người dân về tác dụng bảo vệ của vaccine. Theo đó, người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ hơn nhưng có thể lây cho người khác do vậy không được chủ quan, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K.

Việc tiêm vaccine không là bắt buộc theo quy định của pháp luật nhưng là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người đối với sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Ban Chỉ đạo đánh giá thời gian qua, TPHCM đã làm rất tốt, ngày càng chú ý hơn trong việc giữ vùng an toàn (vùng xanh), chuyển vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn xanh. Ban Chỉ đạo đề nghị Thành phố có những biện pháp làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng xanh, chuyển nhanh vùng vàng ở tất cả các quận, huyện.

Tăng cường hệ thống điều trị

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 theo phương châm “RÕ - NGHIÊM - CHẮC - HIỆU QUẢ”, bảo đảm thực hiện đồng bộ trên địa bàn, quy định rõ 7 nhóm đối tượng được phép ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau… Cùng với đó, số phương tiện tham gia giao thông giảm 79% so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16.

TP.HCM tăng tốc tiêm vaccine trong thời gian giãn cách xã hội - 2
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: VGP)

Thành phố đã huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “bệnh viện tách đôi”, trước mắt, khoảng 5 bệnh viện tham gia với quy mô 675 giường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế nhận thấy, trong thời điểm vừa qua, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thành phố đã đạt được hiệu quả nhất định, đặc biệt, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân theo đúng tinh thần giảm ca mắc, giảm ca tử vong và tăng cường tốc độ tiêm vaccine.

Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp vào làm việc với TP.HCM và có những chỉ đạo quyết liệt để tăng cường năng lực cho hệ thống điều trị của TP.HCM, trong đó chuẩn bị 3 cơ sở cho 3 bệnh viện Trung ương; tăng cường năng lực cho bệnh viện hồi sức 1.000 giường của TP.HCM.

“Công tác điều trị tương đối ổn, chúng ta cũng có thể đảm đương được trong những tình hình khi số lượng những trường hợp nguy kịch và nặng tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Sáng 2/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp nhằm đánh giá lại tất cả những hoạt động quản lý, bổ sung thêm các quy trình chuyên môn phù hợp với điều kiện tình hình mới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu TP.HCM phải có kết nối, phối hợp nhuần nhuyễn trong điều chuyển bệnh nhân giữa các lớp nhanh chóng, kịp thời.

Sàng lọc F0 có triệu chứng từ sớm

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo, cho biết, Tổ thông tin đáp ứng nhanh phối hợp với Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, TP.HCM triển khai mạng lưới thầy thuốc đồng hành để cùng phối hợp các quận, huyện sàng lọc bệnh nhân.

“Thông qua đầu số 1022, khoảng 3.000 thầy thuốc tình nguyện tham gia tư vấn trực tiếp F0 đang cách ly tại nhà, F1 có nguy cơ cao, tiếp nhận tất cả các thông tin, đặc biệt hỗ trợ điều chuyển ca F0 có nguy cơ đến các cơ sở y tế cấp cứu phù hợp”, ông Bùi Thế Duy cho biết.

Ban Chỉ đạo yêu cầu TP.HCM tiếp tục tăng cường tổ chức hệ thống giám sát y tế cộng đồng đến từng khu, cụm dân cư, kết hợp với mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” do Hội Thầy thuốc trẻ và Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo đang tổ chức và vận hành ở TP.HCM.

Thành phố cũng đã rà soát lại Trung tâm cấp cứu 115 với mong muốn tất cả người bệnh đều được cấp cứu, khám và điều trị kịp thời. Với sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, một số xe taxi, xe khách đã chuyển đổi công năng sang xe cấp cứu và phục vụ tại chỗ, giao cho Chủ tịch UBND 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức toàn quyền sử dụng, phục vụ công tác chữa bệnh khi ca F0 có triệu chứng nặng.

Lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ người nghèo

Để bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội khi kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16, giảm tác động đến mức thấp nhất đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, Thành phố quyết định hình thành Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ người dân gặp khó khăn; cung cấp, tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 250.000 hộ nghèo, mất việc với túi an sinh trị giá 500.000 đồng/tuần (không thuộc 5 nhóm đối tượng của Nghị quyết 09 HĐND Thành phố).

Ngoài ra, Thành phố tập trung hỗ trợ 5 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố với hơn 615 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho lao động tự do, hộ kinh doanh dừng hoạt động đạt 100%. Thời gian qua, các địa phương, nhóm tình nguyện hỗ trợ lên tới 351 tỷ đồng.

Song Hy

Bệnh viện tư đầu tiên ở TP.HCM chuyển toàn bộ công năng sang điều trị COVID-19 Bệnh viện tư đầu tiên ở TP.HCM chuyển toàn bộ công năng sang điều trị COVID-19
Để người ngoại tỉnh yên tâm ở lại TP.HCM: Vaccine, lương thực, việc làm, chỗ ở Để người ngoại tỉnh yên tâm ở lại TP.HCM: Vaccine, lương thực, việc làm, chỗ ở

/ vtc.vn