Giới chuyên gia khuyến cáo việc mở rộng phố đi bộ của TP.HCM cần tính toán kỹ lưỡng, trong khi nhiều hộ kinh doanh lo ngại ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa đề xuất xây dựng đường Lê Lợi (quận 1) kết hợp khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành thành quảng trường đi bộ.
Không gian đi bộ cũng được đề nghị mở rộng sang hướng Đông (phía sau Nhà hát thành phố) thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9.
Tuy nhiên, phản ứng trước đề xuất về "siêu" phố đi bộ của TP.HCM, nhiều chuyên gia quy hoạch và người dân bày tỏ không ít lo ngại.
Trao đổi với báo VnExpress, các chuyên gia cho rằng TP.HCM chỉ nên xây dựng các khu đi bộ nhỏ để dễ quản lý. Cụ thể, GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học KHXH&NV TP HCM) chỉ ra rằng, khác với đường Nguyễn Huệ đa phần là công ty, khách sạn, đường Lê Lợi có hàng nghìn nhà dân hai bên. Nếu biến nơi đây thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Về nguyên tắc, thành phố tổ chức không gian vui chơi giải trí nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống người dân tại chỗ và xung quanh.
Ngoài ra, khi kéo dài phố đi bộ từ Nguyễn Huệ sang Lê Lợi, sẽ thu hút lượng người đổ về rất đông. Thành phố phải có đội ngũ đảm bảo an ninh, trật tự khổng lồ và cần có thêm nhiều bãi giữ xe, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn uống...
"Những vấn đề này đã phát sinh từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động, giờ mở rộng sẽ càng phức tạp", ông Hòa nói.
Nếu đề án được thực hiện, ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, trung tâm TP.HCM sẽ có thêm nhiều phố đi bộ. Ảnh: Zing
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng chỉ ra rằng, đường Nguyễn Huệ nhỏ hơn, chỉ giao cắt các đường nhỏ dạng xương cá nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Trong khi trục Lê Lợi có hai đường lớn là Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa băng qua, chắc chắn sẽ gây trở ngại trong việc đi lại của người dân.
Khi trục Lê Lợi bị biến thành phố đi bộ, khu trung tâm TP.HCM sẽ bị cắt làm đôi. Các loại xe phải đi vòng đến hết đường này mới quay lại được. Nếu thành phố không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ rất lúng túng khi xảy ra sự cố: xe cứu hỏa không có đường chạy vào, người bên trong không có đường chạy ra...
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phải được bàn bạc cho toàn diện. Trong đó, phải tính toán các mặt: giao thông, giao tiếp, nhu cầu phục vụ những người đi bộ, các công trình cần có lợi hơn cho sự phát triển của thành phố.
Nhiều hộ dân cư buôn bán, cho thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh trên phố Lê Lợi cũng mang nhiều nỗi lo về "siêu" phố đi bộ.
Chia sẻ với báo Dân Việt, chủ căn hộ 64 Lê Lợi tâm tư, việc Nhà nước quy hoạch đường Lê Lợi thành phố đi bộ thì người dân phải chịu. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, buôn bán của các hộ kinh doanh.
"Bởi khi đã trở thành tuyến phố đi bộ, xe sẽ bị cấm ra vào. Khách muốn vào mua hàng, nếu mua ít không sao, nhưng mua nhiều thì ai mà xách nặng để đi bộ được. Còn đi xe vào, nếu đậu bậy bạ thì không được, mà có đậu thì sẽ bị lực lượng phạt. Thu nhập giảm sút là đương nhiên", ông này nói.
Chủ căn nhà số 14 Lê Lợi cũng không giấu được bức xúc: "Hơn 3 năm qua, trước nhà chúng tôi đã bị rào chắn xây ga ngầm (nhà ga ngầm tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên – PV), việc buôn bán kiếm kế sinh nhai bị đình trệ. Hiện các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa biết khi nào mới được tháo rào trả lại mặt bằng. Bây giờ lại nghe sắp quy hoạch thành phố đi bộ, lại ngăn cấm xe cộ lưu thông, tôi không biết người dân chúng tôi sẽ kinh doanh buôn bán ra sao?
Nhưng Nhà nước yêu cầu làm thì cứ làm thôi. Như vấn đề dãy rào chắn kia, tại cuộc họp nào, chúng tôi cũng hỏi khi nào công trình xong để thông thoáng con phố, nhưng chúng tôi cũng không biết khi nào xong. Còn dự án phố đi bộ quy hoạch vậy, chúng tôi biết vậy chứ cũng không biết khi nào thực hiện".
Các chuyên gia lưu ý, TP.HCM không nên tiếp tục tập trung quá nhiều hoạt động vui chơi giải trí đông người ở khu trung tâm. Hiện, mỗi lần có bắn pháo hoa lượng người đổ đến đây là rất lớn, chỉ cần một sự cố có thể khiến nhiều người thương vong.
"Thay vào đó, thành phố nên tạo ra một khu vực mới có quy mô hoành tráng, hiện đại, hấp dẫn hơn để hút bớt dân cư ra. Đó có thể là những khu đô thị được quy hoạch mới, còn nhiều không gian như quận 2, khu Phú Mỹ Hưng quận 7...", GS.TS Nguyễn Minh Hòa gợi ý.
Còn TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố nên quy hoạch thành những cụm phố đi bộ nhỏ. Cụm thứ nhất là đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, có thể nối tới đường sách, kéo từ phía nhà thờ Đức Bà ra tới bến Bạch Đằng.
Giao thông xung quanh có đường Pasteur, đường Hai Bà Trưng, phía đầu trên có đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn; các loại phương tiện, đặc biệt là xe cứu hỏa, cứu thương dễ dàng tiếp cận nếu xảy ra sự cố.
Cụm thứ hai là phố đi bộ Bùi Viện nối ra đến Công viên 23/9. Khu vực này có đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Trãi... kết nối. Bán kính đi bộ ở cả hai cụm này là vừa phải, không quá dài.
Ông Đoàn Ngọc Hải quyết dẹp hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1, kiên quyết xử lý tình trạng bán hàng rong, ngưng các sự kiện gây tiếng ... |
Nhiều lo ngại nếu TP HCM có "siêu" phố đi bộ
Kẹt xe, khó cứu hộ cứu nạn… và một số bất cập khác được các chuyên gia chỉ ra nếu khu đi bộ ở trung ... |