Với việc quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành một TP thông minh, TP này đang có những đề án riêng cho chiến lược phát triển của mình.
Đặc biệt, đề án phát triển giáo dục TP đến năm 2030 và đặt ra tầm nhìn cho những giai đoạn phát triển tiếp theo với các đề xuất trọng tâm như rút ngắn thời gian năm học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, tự công nhận tốt nghiệp... đang nhận được nhiều đánh giá là một theo hướng giáo dục hiện đại, phù hợp với đặc thù của TP trong tình hình mới.
Rút ngắn thời gian năm học
Theo đó, UBND TPHCM đề xuất cần có định hướng mở trong biên chế năm học. Cụ thể, thay vì thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học như hiện nay, các trường có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Ví như, học sinh có thể nghỉ hè suốt 3 tháng hoặc chỉ nghỉ 1-2 tháng hè. Các em có nhu cầu có thể đăng ký học trong hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn.
Ngược lại, cũng có học sinh có hoàn cảnh đặc biệt không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó.
Ngoài ra, TP cũng đề xuất cơ cấu giờ, tiết học linh hoạt hơn như lựa chọn học 1 buổi, 2 buổi để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương. Sĩ số lớp học cũng được phép linh hoạt theo loại hình trường: Trường chuyên, trường tiên tiến - hiện đại, trường bình thường...
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM lý giải: Mục tiêu lớn nhất mà đề án hướng đến là giáo dục, đào tạo học sinh phải hội nhập được với thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của sự phát triển bền vững kinh tế TP. Hiện tại, luật quy định 3 năm là có thể tốt nghiệp đại học (ĐH), 3 năm tốt nghiệp THPT, 4 năm tốt nghiệp THCS, nhưng nếu chúng ta có điều chỉnh hợp lý hơn nữa thì thời gian học có thể rút ngắn hơn. Thực tế, theo khoa học về sư phạm thì có những môn học, có những chương trình học, các em có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm, thay vì 3 - 4 năm.
Đào tạo theo hình thức tín chỉ
Một định hướng được đề xuất gây nhiều chú ý là việc giáo dục “mở”, chuyển hình thức giáo dục truyền thống theo biên chế sang một hình thức khác linh động hơn, phù hợp hơn với từng điều kiện, hoàn cảnh của học sinh và địa phương. Theo lãnh đạo TP, hình thức giáo dục mới gần giống với hình thức đào tạo theo dạng tín chỉ.
Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc đại học, sau đại học sẽ giúp học sinh làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức.
Bên cạnh đó, đề án đặt ra hướng tiếp cận vấn đề là những kiến thức mà học sinh đã học lúc còn phổ thông thì khi lên học ĐH không cần phải học lại kiến thức đó. Khi ấy, có thể mới 16 - 17 tuổi, thậm chí thấp tuổi hơn nữa đã có thể vào ĐH, không chờ đến đủ 18 tuổi như quy định hiện nay. Trên thế giới, quy định này đã được nhiều nước áp dụng và thành công.
Đề án của TP cũng dự tính mỗi năm học chỉ có 8 môn bắt buộc, các môn còn lại HS tự chọn và có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm để thời gian còn lại.
Ông Đào Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Trường THPT Anhxtanh Hà Nội, giảng viên Đại học Bách Khoa cho rằng, việc học theo tín chỉ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay, quy định “dàn hàng ngang” đang khiến cho HS giỏi phải đi chậm lại để chờ HS yếu, người yếu níu người giỏi. Đặc biệt, cho phép học tín chỉ sẽ giải quyết bài toán chọn môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu được như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự uyển chuyển, linh hoạt trong lớp học. Mặt khác, tạo điều kiện cho học sinh có thời gian, phù hợp với việc thi chứng chỉ vào trường ĐH quốc tế.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí Giáo dục Việt Nam: Xu hướng chung trên thế giới là đang áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ ở cấp THPT. Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS, THPT thì cần có những phương án thật cụ thể, chi tiết về cách tính tín chỉ cho HS như thế nào, điều kiện, cơ sở vật chất, cách tổ chức, quản lý thế nào… Quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh và phụ huynh cần hiểu tường tận tinh thần đổi mới và thực hiện đúng theo đúng phương pháp khoa học.
Học trực tuyến
Với địa hình phức tạp, nhiều địa phương như ở ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, HS phải đi tàu đi học, rất vất vả và nguy hiểm vì thế, TP cũng đề xuất đa dạng hình thức học như qua mạng, tự học ở nhà, ở trường... Không những HS sẽ không phải đi lại vất vả mà lại có thể học những giáo viên giỏi, thậm chí là giáo viên giỏi nhất TP.
Cách thức được đề xuất là cơ quan quản lý sẽ có quy định cụ thể về những trường hợp này: Học sinh sẽ đăng ký ở đâu để được hướng dẫn và nhận tài liệu tự học ở nhà, bao lâu các em phải lên lớp gặp gỡ, trao đổi với thầy cô giáo, học sinh phải làm gì để được công nhận tốt nghiệp...
Ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, hình thức học trực tuyến chưa phải là phương án hợp lý, nhất là với học sinh phổ thông: “Chưa bàn đến đường truyền và hệ thống quản lý, hiện nay con người vốn đã cô độc, bây giờ học trực tuyến sẽ cô độc hơn. Câu nói “Học thầy không tày học bạn” vẫn đúng đắn khi nói về môi trường học tập. Đến trường, HS sẽ không chỉ học được thầy, mà còn học được ở bạn nữa”.
Tự công nhận tốt nghiệp
Với những đề xuất được đào tạo riêng, TPHCM cũng đề xuất Bộ GDĐT cho phép TP tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Sở GDĐT TP sẽ giao quyền tự chủ về giảng dạy cho nhà trường và giáo viên, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh...
TPHCM cũng sẽ có bài thi chuẩn nhằm kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Bài thi này được tổ chức nhiều lần trong năm để đáp ứng biên chế mở. Việc này được các chuyên gia giáo dục đánh giá là hợp lý. Bởi, mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế học sinh ở địa phương đó là chuyện có thể chấp nhận được miễn là kỳ thi diễn ra nghiêm túc.
Theo thời gian địa phương nâng dần chất lượng học sinh và đề thi tiệm cận với trình độ chung của quốc gia. Khi đó sẽ không còn lo việc chạy theo thành tích ảo mà bỏ quên chất lượng thực chất.
TPHCM hiện đã duyệt đề cương của đề án. Dự kiến, đến quý 2.2018 sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ báo cáo Bộ GDĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định. Nếu được thông qua, có thể từ năm học 2019 - 2020 sẽ áp dụng nhiều nội dung cải tiến mà đề án đặt ra. Khi thực hiện cũng không áp dụng đại trà mà thí điểm từng bước với các trường có đủ điều kiện. Dự kiến hình thức này sẽ triển khai ở bậc THCS và THPT với nguyên tắc: Học sinh tự nguyện đăng ký học chứ không ép buộc. Những trường triển khai dạy theo tín chỉ nhưng không triển khai cho 100% học sinh mà chỉ triển khai cho những học sinh có nhu cầu đăng ký học. Như vậy, trong trường sẽ có cả 2 hình thức: Học theo tín chỉ và học theo biên chế năm học.
“TPHCM là một TP lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, TPHCM được cho phép cơ chế đặc thù nên TP có thể được quyền đề xuất phương án riêng của mình. Miễn là, các phương án này cần có những tính toán hợp lý, theo xu hướng chung của thế giới và đảm bảo thực hiện đúng theo khoa học, tinh thần chung” - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay.
Tiết kiệm, chống lãng phí: Hãy bắt đầu từ giảm họp, đổi thư mời
Chỉ cần thay đổi từ gửi thư mời họp bằng giấy sang thư điện tử, mỗi năm Văn phòng UBND TPHCM tiết kiệm được 20 ... |