Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc thành lập sàn giao dịch ngũ cốc sẽ góp phần hình thành các chỉ số giá công bằng và có thể dự đoán được đối với các sản phẩm và nguyên liệu thô, xét đến vai trò đặc biệt của chúng trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khối BRICS diễn ra tại Kazan (Nga) hôm 23/10, Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS. "Các thành viên thuộc khối BRICS là những quốc gia hàng đầu thế giới về ngũ cốc, cây họ đậu và hạt có dầu. Do đó, chúng tôi đề xuất mở một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS".
Được biết, Nga chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, Brazil chiếm khoảng 60% lượng xuất khẩu đậu tương và Ấn Độ đóng góp khoảng 40% lượng xuất khẩu gạo của thế giới.
Theo ông Putin, sáng kiến này sẽ góp phần hình thành các chỉ số giá công bằng và có thể dự đoán được cho các sản phẩm và nguyên liệu thô, xét đến vai trò đặc biệt của chúng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời bảo vệ thị trường quốc gia khỏi sự can thiệp tiêu cực từ bên ngoài, đầu cơ và tình trạng thiếu hụt lương thực giả.
Viện dẫn số liệu tăng trưởng kinh tế trung bình của BRICS trong giai đoạn 2024-2025 sẽ là 3,8%, so với mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2-3,3%, ông Putin khẳng định: "Xu hướng dẫn đầu của BRICS trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn".
Vì vậy, nếu sàn giao dịch ngũ cốc phát huy hiệu quả, trong tương lai, BRICS có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại. Đặc biệt, ông cũng kêu gọi thành lập một nền tảng đầu tư BRICS, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư giữa các nước trong nhóm và cũng có thể được sử dụng để đầu tư vào các nước Nam Bán cầu (global south).
Theo Sputnik, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo khối đã ủng hộ việc thành lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới chung nhằm phi đô la hóa. Trong bài phát biểu qua video, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh hiện là thời điểm để các nước thuộc BRICS phát triển các phương thức thanh toán mới giữa các nước thành viên, cho rằng Ngân hàng Phát triển mới của BRICS được thiết lập như một giải pháp thay thế cho các thể chế tài chính quốc tế đang gặp khó khăn.
Giới chuyên gia nhận định, các biện pháp nêu trên được coi là nỗ lực mà Nga đang thực hiện để duy trì hoạt động thương mại trong bối cảnh nước này phải chịu nhiều lệnh trừng phạt, ví dụ như lệnh cấm các ngân hàng giao dịch liên quan đến các doanh nghiệp Nga.
Cụ thể, hệ thống thanh toán thay thế và trao đổi hàng hoá như vậy được thực hiện trên nguyên tắc bất kỳ tổ chức nào có liên quan, ngay cả khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ bên ngoài, sẽ vẫn được tiếp cận thị trường trong nước mà không gặp khó khăn, cho phép họ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch nội địa và xuyên biên giới một cách hiệu quả.
Hồi đầu tháng 10, theo Tass, một công ty Nga đã đạt được thoả thuận trao đổi đậu gà và đậu lăng để lấy quýt, gạo và khoai tây của Pakistan.