Tổng thống vô tình xác nhận sự tồn tại và vị trí của số bom hạt nhân Mỹ lưu trữ tại Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt hàng thập kỷ đồn đoán về loại vũ khí này.
"Chúng tôi rất tự tin rằng chúng an toàn... Chúng ta có một căn cứ tuyệt vời ở đó, một căn cứ rất mạnh", ông Trump nói khi trả lời câu hỏi liệu ông có lo ngại về an ninh của khoảng 50 vũ khí hạt nhân được lưu trữ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Việc Mỹ lưu trữ số bom hạt nhân chiến thuật B-61 tại Incirlik, căn cứ không quân cách biên giới Syria 160 km là điều hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và NATO chưa bao giờ tiết lộ số lượng và vị trí của số vũ khí hạt nhân Mỹ lưu trữ ở châu Âu hay xác nhận sự tồn tại của chúng.
Nguyên mẫu một quả bom B61 được trưng bày tại Bảo tàng thử nghiệm nguyên tử quốc gia Mỹ. (Ảnh: AP) |
"Về vấn đề chính sách, Bộ Quốc phòng không bình luận về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ hay bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu", Giám đốc Bộ phận nghiên cứu giải trừ quân bị Kingston Reif đến từ nhóm vận động Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA – Mỹ) bình luận.
An ninh của số vũ khí hạt nhân Mỹ lưu trữ tại Incirlik là một vấn đề đặc biệt được quan tâm, nhất là sau khi IS bắt đầu hoành hành ở Syria, âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nổ ra nhưng bất thành và suy thoái trong quan hệ Mỹ-Thổ khiến Ankara bắt đầu chuyển hướng sang Nga.
Hồi tháng 7, một tài liệu được phát hành bởi một cơ quan có liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác nhận rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu trữ tại 5 quốc gia là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tài liệu này, căn cứ không quân Incirlik lưu trữ tới 50 quả bom B61. Truyền thông Mỹ những ngày qua loan tin Mỹ đang xem xét kế hoạch đưa số bom này ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria của Ankara.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump tiết lộ các thông tin nhạy cảm của quân đội Mỹ.
Cuối tháng 8, ông Trump bất ngờ đăng tải bức ảnh chụp Trung tâm không gian Semnan của Iran từ trên cao sau sự cố nổ tên lửa trong quá trình thử nghiệm.
Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng hình ảnh này từ một công nghệ do thám tuyệt mật của Mỹ mà ông Trump là người làm lộ.
"Đó là những bí mật quốc gia được giữ kín. Chúng tôi thậm chí còn không chia sẻ những hình ảnh loại này với các đồng minh thân cận nhất", Ankit Panda, một chuyên gia ảnh vệ tinh tại Hiệp hội Nhà khoa học Mỹ cho hay.
Chuyên gia này cho rằng việc Tổng thống Mỹ tiết lộ những bí mật quân sự dạng này có thể khiến các đối thủ của Washington như Tehran, Trung Quốc và Nga biết được công nghệ của họ đang phát triển tới mức nào để tìm ra giải pháp ứng phó.