Ông Putin khẳng định việc Mỹ thử tên lửa vài tuần sau khi chính thức rút khỏi INF cho thấy Washington phát triển vũ khí này trước cả khi họ tìm ra lý do rời đi.
"Người Mỹ đã thử tên lửa này quá nhanh ngay sau khi tuyên bố rút khỏi INF. Do đó chúng ta có đầy đủ lý do để tin rằng quá trình biến một tên lửa phóng từ trên biển thành tên lửa phóng từ mặt đất bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ bắt đầu tìm kiếm lý do rút khỏi thỏa thuận", ông Putin nói trong cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto hôm 21/8.
Hôm 19/8, Lầu Năm Góc xác nhận thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn hơn 500 km. Tuyên bố này được đưa ra chỉ hơn nửa tháng sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hôm 2/8.
Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters) |
Nếu Mỹ còn ở trong thỏa thuận INF, tên lửa này sẽ vi phạm hiệp ước vốn cấm phát triển tên lửa hành trình tầm trung (1.000 - 5.500 km) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn (500 - 1.000 km) trên mặt đất (không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển).
Washington xác nhận vũ khí vừa thử là phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ trên biển và trang bị trên các chiếm hạm và tàu ngầm.
Tổng thống Putin khẳng định vụ thử tên lửa mới của Mỹ làm leo thang bất ổn an ninh trên thế giới, đồng thời cảnh báo châu Âu rằng Washington có thể không thông báo cho các đồng minh về phần mềm mà nước này sử dụng trong tên lửa.
"Tôi lo ngại rằng tên lửa được thử nghiệm gần đây có thể được phóng đi từ các địa điểm ở Rumani và sẽ sớm được triển khai ở Ba Lan. Việc này chỉ cần một sự thay đổi trong phần mềm", ông nói.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều này đặt ra mối nguy hiểm rõ ràng với Nga và để đối phó với thách thức đó Matxcơva phải chuẩn bị các biện pháp, trong đó có việc đáp trả tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng đi từ mặt đất.
Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẽ không triển khai chúng tới gần châu Âu hoặc bất cứ nơi nào khác trừ khi Mỹ bắt đầu trước.
INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Mỹ và Nga trong nhiều năm qua liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này.
Ý định rút Mỹ khỏi INF lần đầu được Tổng thống Trump đề cập vào tháng 10/2018. Tới ngày 1/2/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng và ngừng tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước từ ngày 2/2.
Trong một động thái đáp trả, 1 tháng sau đó, Tổng thống Putin ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ các nghĩa vụ đối với hiệp ước này.