Tổng thống Nga Putin nói gì trong cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà báo Mỹ?

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Putin nói về nhiều vấn đề nóng của thế giới cũng như xung đột Ukraine.

Ngày 8/2, nhà báo người Mỹ Tucker Carlson công bố toàn bộ cuộc phỏng vấn độc quyền kéo dài hơn 2 tiếng với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin hôm 6/2.

Đây là lần đầu tiên truyền thông phương Tây có thể tiếp xúc riêng với Tổng thống Nga Putin kể từ năm 2019. Nhà báo Carlson là người thân cận cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên dẫn đầu đường đua sơ bộ của đảng Cộng hòa.

tong-thong-nga-18115973
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà báo Mỹ Tucker Carlson trong cuộc phỏng vấn độc quyền tại Điện Kremlin hôm 6/2. (Ảnh: TASS)

Trong một video trên mạng xã hội X hôm thứ Ba, nhà báo Carlson tuyên bố rằng các phương tiện truyền thông phương Tây đã không trung thực với độc giả và người xem của họ về cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông, người dân Mỹ có quyền biết tất cả những gì có thể về cuộc chiến mà họ có liên quan.

Cuộc phỏng vấn của Carlson thu hút hơn 46 triệu lượt xem trên tài khoản X và gần một triệu lượt xem trên YouTube trong những giờ đầu tiên sau khi phát sóng.

Cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ năm 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moskva không bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022 mà đang cố gắng ngăn chặn cuộc chiến mà Ukraine đã bắt đầu từ năm 2014.

Ông Putin tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, sau 8 năm bất ổn không ngừng ở miền đông Ukraine (Donbass).

Bình luận về thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015 nhằm tìm cách chấm dứt xung đột ở Donbass, Tổng thống Putin cho biết ông chân thành tin rằng cuộc khủng hoảng trong khu vực có thể được giải quyết nếu người dân Donbass đủ tin tưởng vào chính quyền Kiev và từ bỏ việc ly khai. Điều kiện là Ukraine thực hiện các thỏa thuận này.

Ông Putin nói Nga và Ukraine đã gần chấm dứt tình trạng thù địch trong những ngày đầu của cuộc xung đột vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, sau khi Moskva rút quân khỏi khu vực gần thủ đô Kiev, Ukraine lại từ bỏ mọi biện pháp ngoại giao trước sức ép của phương Tây.

Theo Tổng thống Putin, nếu Mỹ muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine thì nên ngừng gửi vũ khí tới Kiev và nếu điều này xảy ra, chiến sự sẽ kết thúc trong vòng vài tuần. 

Ông cũng nhắc lại việc chính quyền Kiev trước đề nghị của Thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson đã từ chối ký thỏa thuận đình chiến với Nga, vốn đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình năm 2022. Thay đổi này đã kéo dài xung đột đến tận ngày nay. 

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Tổng thống Putin cho biết, Nga sẽ chỉ tham gia vào cuộc xung đột quân sự với một quốc gia NATO như Ba Lan hoặc Latvia nếu nước này bị tấn công. Bất kỳ tuyên bố ngược lại nào của phương Tây đều “chỉ là mối đe dọa”.

"Những suy đoán rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine hoặc gây ra sự leo thang xung đột nào đó chỉ là những câu chuyện được phương Tây dựng lên để thổi phồng mối đe dọa từ Moskva", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

"Không giống Mỹ, Nga không sợ Trung Quốc"

Trả lời câu hỏi của Carlson về mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Putin nói không giống như Mỹ, Nga không sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời cho rằng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có nguy cơ bị “nền kinh tế Trung Quốc kiểm soát” là câu chuyện không thực tế.

tong-thong-nga-3-18164074
Tổng thống Putin nói, không giống như Mỹ, Nga không sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Ảnh: TASS)

Ông Putin tiếp tục nói rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là nhằm mục đích tìm kiếm sự thỏa hiệp chứ không phải gây hấn, đồng thời nói thêm rằng Nga đã tạo ra kim ngạch thương mại cân bằng với Trung Quốc.

NATO đã nuốt lời khi mở rộng về phía đông

Đề cập đến mối quan hệ với phương Tây và NATO, Tổng thống Putin cho biết Nga chấp nhận sự tan rã của Liên Xô và kỳ vọng rằng một khi mọi khác biệt về hệ tư tưởng được loại bỏ, nước này có thể hợp tác với phương Tây. 

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao của Nga, mối quan hệ giữa Moskva và phương Tây gần như không có sự thay đổi thậm chí còn mâu thuẫn sâu sắc hơn trước.

Về phần NATO, liên minh quân sự này từng cam kết không mở rộng "lãnh thổ" về phía đông, nhưng NATO đã nhanh chóng phá bỏ lời hứa này bằng cách đưa toàn bộ các nước Đông Âu và vùng Baltic vào liên minh.

Đỉnh điểm của việc mở rộng của NATO về phía đông là liên minh này muốn Nga gia nhập NATO.

tong-thong-nga-2-18185129
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà báo Mỹ Tucker Carlson trong cuộc phỏng vấn. (Ảnh: TASS)

"Ai đứng sau vụ phá hoại Nord Stream?"

Khi nhà báo Carlson hỏi ai đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) nối giữa Nga và Đức qua biển Baltic, ông Putin trả lời: “Chính bạn”, ám chỉ Mỹ và các đồng minh của nước này.

Carlson tiếp tục hỏi ông Putin rằng có bất kỳ bằng chứng nào về sự tham gia của CIA hay NATO hay không, nhà lãnh đạo Nga không trả lời một cách trực tiếp mà nói, trong những trường hợp như thế này, trước tiên chúng ta nên tìm kiếm những người sẽ được hưởng lợi từ vụ phá hoại Nord Stream và ai có khả năng thực hiện chúng.

Khi được hỏi về thay đổi ở Mỹ sau cuộc bầu cử tháng 11, khi Tổng thống Joe Biden dự kiến tái đấu với cựu Tổng thống Donald Trump, ông Putin thấy rất ít khả năng điều đó xảy ra.

"Anh hỏi tôi rằng liệu thay lãnh đạo có dẫn tới thay đổi gì không ư? Thay đổi không nằm ở vấn đề người lãnh đạo hay tính cách của một người nào đó", ông Putin nói.

Trà Khánh / VTC News