Biden đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận vụ giết 1,5 triệu người Armenia của đế quốc Ottoman năm 1915 là tội ác diệt chủng.
"Người Mỹ vinh danh tất cả những người Armenia đã bị thiệt mạng trong cuộc diệt chủng bắt đầu cách đây 106 năm trước", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói tại Nhà Trắng hôm 24/4. "Từ ngày 24/4/1915 với việc bắt giữ những người trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia ở Constantinople của chính quyền Ottoman, 1,5 triệu người Armenia đã bị trục xuất, tàn sát hoặc đầy đọa tới chết".
Với tuyên bố này, Biden trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng từ diệt chủng trong một tuyên bố chính thức vào ngày kỷ niệm vụ sát hạt người Armenia, một ngày sau khi thông báo cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về quyết định và tìm cách kiềm chế phẫn nộ từ đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
"Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại", ông nói.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 20/4. Ảnh: AP. |
Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được xem là chiến thắng lớn đối với người Armenia. Bắt đầu với Uruguay năm 1965, các quốc gia gồm Pháp, Đức, Canada và Nga đã thừa nhận tội ác diệt chủng này, nhưng chưa có tổng thống Mỹ nào trước đó từng đưa ra tuyên bố tương tự.
Quyết định của Biden có thể khiến mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng. Tổng thống Erdogan, trong một tuyên bố ở thủ đô Istanbul, nói các cuộc tranh luận "nên được tổ chức bởi các sử gia" và "không nên bị chính trị hóa bởi bên thứ ba".
"Ngôn từ không thể thay đổi hay viết lại lịch sử. Chúng tôi sẽ không nhận bài học từ bất kỳ ai về lịch sử của chúng tôi", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đăng Twitter sau tuyên bố của Biden.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã triệu đại sứ Mỹ David Satterfield để bày tỏ không hài lòng, lưu ý rằng quyết định của Biden đã làm tổn thương mối quan hệ vốn đã khó hàn gắn giữa hai nước.
Thanh Tâm (Theo AFP, Guardian)