- UBND TP Uông Bí đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức
- Dòng tiền "công đức" vào đền, chùa: Cần cơ chế kiểm soát và kiểm toán
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với UBND cấp tỉnh (trừ tỉnh Quảng Ninh), thì UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Nội dung kiểm tra gồm: Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
Sau Quảng Ninh, các địa phương còn lại trên toàn quốc sẽ tiến hành kiểm tra việc thu chi tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa |
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện kiểm tra tổng thể; tổng hợp kết quả kiểm tra trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký duyệt, gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản kèm theo danh mục di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, gửi Sở Tài chính và các UBND cấp huyện để làm căn cứ kiểm tra.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chỉ đạo Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra trực tiếp tại từng di tích theo đúng nội dung kiểm tra nêu trong quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và trong phạm vi danh mục di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp).
Thời gian cấp huyện gửi báo cáo về cấp tỉnh do địa phương quyết định, bảo đảm kịp thời gian cấp tỉnh tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Trong đó thể hiện rõ: Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bộ Tài chính cũng gợi ý một số vấn đề nhận xét về khó khăn, vướng mắc như: Có hay không tình trạng du khách đặt tiền trên ban thờ, trên mâm lễ ở di tích; tình trạng rải, rắc, gài tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa sổ, mái chùa, giếng nước…;
Số liệu báo cáo đã phản ánh đầy đủ hay chưa; còn những khoản công đức, tài trợ nào cho di tích và hoạt động lễ hội chưa được phản ánh trong báo cáo.
Những vụ việc va chạm, thậm chí là tranh chấp trong việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích gây mất an ninh trật tự đã xảy ra;
Việc quản lý lỏng lẻo tại các di tích làm thất thoát, mất cắp tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội;
Lợi dụng tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.