Tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nylon buộc DN, người dân cân nhắc khi sử dụng, chỉ như vậy mới ngăn được “ô nhiễm trắng” đang khiến con người “chết mòn”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua vấn đề rác thải nhựa, túi nylon được các cấp, ngành quan tâm, xử lý quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.
Nhưng lượng rác thải nhựa thải ra môi trường vẫn rất lớn. Nguyên nhân chính là tại Việt Nam, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nylon rất thấp, kéo theo giá thành sau sản xuất rẻ, khiến từ doanh nghiệp đến người dân đều sử dụng “vô tội vạ” túi nylon.
Theo thông tin từ Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), pháp luật hiện hành quy định 8 nhóm hàng hóa đối tượng chịu thuế, trong đó có nhóm hàng hóa là túi nylon khó phân hủy, không thân thiện môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện đang áp dụng đối với mặt hàng túi ni lông là 50.000 đồng/kg, mức tối đa theo khung thuế quy định tại luật thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, theo quy định tại Luật số 57/2010/QH12 thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Ngày 26/9/2018, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 579/218/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg.
Nhận xét về mức thuế này, Tổng cục Thuế cho biết, mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon tại Việt Nam nếu quy đổi ra 1 túi thì thấp hơn mức thu thuế của một số nước có áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon.
Nguồn tham khảo của Tổng cục Thuế cho thấy, tại Anh là 15 cent/túi (tương đương 4.500 đồng/túi), Hong Kong (Trung Quốc) là 0.05 USD/túi (tương đương 1.200 đồng/túi), Malaysia là 20 cent/túi (tương đương 1.040 đồng/túi), Ireland là 15 cent/túi (tương đương 4.500 đồng/túi); có một số nước thì cấm sản xuất như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm, Mỹ cấm sử dụng ở hầu hết các bang…
Để hạn chế túi nylon, một giải pháp được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất là phải áp thuế thật cao, để các doanh nghiệp tính toán, hạn chế nhập, sản xuất các loại nylon độc hại và người dân cũng hạn chế dùng, khi giá nylon đã tăng lên.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm do rác thải nhựa, túi nylon không chỉ xuất hiện trên đất liền mà trên cả các dòng sông, bãi biển. Do vậy, chúng ta cần phải hành động quyết liệt, trong đó có giải pháp đánh mạnh thuế.
“Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết và có bước đi phù hợp. Một trong những bước đi cần thiết là xem xét, đánh thuế thật cao để hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng tràn lan túi nylon, chai nhựa như hiện nay.
Mức thuế đó sẽ được chuyển thành kinh phí bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tái chế, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chỉ có như vậy mới hạn chế được rác thải nhựa, túi nylon tràn lan hiện nay”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, cho rằng cần “siết chặt” cả các sản phẩm chai nhựa. Nhà nước cần đánh thuế thật cao ở hai khâu.
Thứ nhất, đối với nhựa, hạt nhựa phổ thông, cần nâng mức thuế nhập khẩu lên gấp 5 - 10 lần hiện nay, thậm chí cao hơn nữa dựa trên sự tính toán chi tiết của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nhiều sản phẩm nhựa, phải đánh thuế đầu ra thông qua các sản phẩm cụ thể để lấy kinh phí khắc phục những vấn nạn môi trường.
Riêng với các doanh nghiệp không có hoạt động thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa thì phải đánh thuế cao hơn nữa.
“Việc kiểm tra khắt khe, đánh vào kinh tế sẽ buộc các doanh nghiệp phải có sự tính toán kỹ lưỡng phương án sản xuất, kinh doanh của họ, tích cực tìm các sản phẩm thay thế nhựa. Ngoài ra, mức thuế tăng thì giá các sản phẩm cũng sẽ tăng theo, người dân cũng sẽ hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa tràn lan như hiện nay”, ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, cần có quy định cụ thể, chi tiết đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm nhựa như Lavie, Tân Hiệp Phát, Coca Cola…yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp thu hồi, tái chế, tức là xử lý tại nguồn chứ không phải thụ động giải quyết tình thế. Nếu chưa có, phải sớm đưa tiêu chuẩn này vào hệ sinh thái của doanh nghiệp để định hướng phát triển.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường biển (VAMEN) nêu quan điểm: Lần đầu tiên chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong khi việc dùng sản phẩm nhựa và xả rác thải nhựa lại là thói quen từ rất lâu của cả cộng đồng. Do vậy, muốn thay đổi thói quen này, cần sự chung tay hành động của cả xã hội chứ không riêng ai vì để thay đổi một thói quen cố hữu không đơn giản.
Đầu tiên, cần phải thể chế hóa, hiện thực hóa luật để có những giải pháp thực sự hữu ích đi vào thực tiễn cuộc sống. Ví dụ, Luật quy định người dân phải phân loại rác thải tại nguồn. Muốn thực thi, phải đưa người dân vào thực hiện, tránh việc chỉ đưa chuyên gia, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào thì dự án sẽ không thành công như kỳ vọng.
Nói về quan điểm đánh thuế cao đối với các sản phẩm từ nhựa nhập khẩu, ông Hồi cho rằng, đó là một giải pháp hiệu quả nhưng chỉ ở một thời điểm nhất định, bởi bảo vệ môi trường cũng phải bảo đảm phát triển kinh tế.
“Cấm thì dễ nhưng làm sao quản lý được mà môi trường vẫn sạch, kinh tế vẫn phát triển thì mới là việc cần tính toán kỹ. Do vậy, phải quản lý từ doanh nghiệp nhập khẩu nhựa đến doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm nhựa bằng việc yêu cầu doanh nghiệp thu gom, mua lại vỏ sản phẩm mình phát ra để tái chế. Nếu người dân thấy lợi ích kinh tế từ việc thu gom này thì họ sẽ có ý thức làm, còn nếu chỉ là giải pháp hành chính thì cũng giống như quản bóng cao su, đấm chỗ nọ lại phình chỗ kia”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói.
Trả lời VTC News về những kiến nghị nâng cao mức thuế đối với sản phẩm nhựa và túi nylon, Tổng cục Thuế cho biết, cũng nhất trí với các ý kiến cần phải tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để từng bước hạn chế sản xuất, sử dụng túi nylon.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, thuế bảo vệ môi trường chỉ là một trong những biên pháp nhằm hạn chế việc sử dụng túi nylon. Ngoài giải pháp này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phân loại túi thải ngay từ nguồn, có các biện pháp xử lý rác thải phù hợp, tuyên truyền ý thức của người dân trong việc xả thải, các giải pháp về chế tài xử phạt cần đủ mạnh…
“Thậm chí, tham khảo kinh nghiệm của một số nước có thể cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng đối với một số loại túi nylon khó phân hủy và xử lý”, Tổng Cục Thuế nêu.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường để đề xuất hoàn thiện chính sách thuế này, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường và đặt trong tổng thể Chiến lược Cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nylon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi.
Thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.
https://vtc.vn/tong-cuc-thue-se-tang-muc-thue-tuyet-doi-voi-tui-nylon-ar840240.html