'Tôi sốc khi giáo viên chủ nhiệm khuyên con gái bỏ thi vào lớp 10'

Vợ chồng anh Đ.T (Long Biên, Hà Nội) từng sốc khi nghe cô chủ nhiệm của con gái gọi điện đề nghị họ làm đơn không cho con thi vào lớp 10.

Cách đây 2 năm, Q - con gái vợ chồng anh Đ.T khóc nức nở khi vừa đi học về. Em nói với bố mẹ không muốn đi học nữa. Sau một hồi được gặng hỏi, Q kể trong giờ nghỉ giải lao, em được hiệu trưởng, cô chủ nhiệm và cô giáo tiếng Anh gọi vào một phòng riêng nói chuyện.

Ba cô ngồi đối diện và “mổ xẻ” học lực của em. Các cô kết luận Q không đủ tiêu chuẩn thi vào lớp 10 và truyền đạt lại với bố mẹ.

Ngoài Q, rất nhiều bạn cùng lớp cũng được gọi đến căn phòng này.

Cùng ngày hôm đó, vợ chồng anh Đ.T cũng nhận được cuộc gọi từ cô chủ nhiệm với nội dung tương tự. Cô chủ nhiệm nói với học lực hiện tại của Q, rất khó để thi vào một trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì thế cô khuyên gia đình nên sớm tính phương án cho con học trường nghề hoặc tư thục, để con đỡ tốn thời gian thi vào lớp 10. “Cô chủ nhiệm nói nếu gia đình thật sự muốn cho con học trường công ở Hà Nội thì cô sẽ chỉ cho cách đơn giản”, anh Đ.T kể.

Cô chủ nhiệm liệt kê từng bước khuyên vợ chồng anh Đ.T làm theo. Đầu tiên là làm đơn gửi trường để xin không thi vào lớp 10. Sau đó, học sinh chuyển đến học lớp 10 tại trường THPT ở tỉnh khác (sẽ có xe đưa đón hàng ngày). Sau từ 3 đến 6 tháng, học sinh được chuyển về một trường công lập tại Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình sẽ phải bỏ ra một khoản phí không nhỏ. 

“Vợ tôi hỏi vặn lại rằng con gái chúng tôi "không đủ điều kiện thi vào lớp 10" hay "không nên thi vào lớp 10". Cô mới thừa nhận đó chỉ là lời khuyên của cô dựa trên những đánh giá trong quá trình dạy học, còn con gái chúng tôi đủ điều kiện thi vào lớp 10”, anh Đ.T nói.

Bức xúc trước lời đề nghị của cô giáo chủ nhiệm và lo lắng tâm lý của con gái bị ảnh hưởng, anh Đ.T gọi điện cho cô hiện trưởng và nói sẽ phản ánh lên Sở GD&ĐT Hà Nội. 

“Thật may là khi đó vợ chồng chúng tôi cứng rắn đứng về con, tin tưởng con. Kết quả thi vào lớp 10 của con năm ấy cũng tốt, trái ngược với những điều các cô nói”, anh Đ.T chia sẻ.

Không chỉ anh Đ.T, hiện rất nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Hà Nội phản ánh rằng, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các em ở thời điểm hiện tại, mà còn khiến tương lai các em bị định hướng sai lệch. Nhiều em dù đủ năng lực nhưng phải chọn các hướng đi khác.

Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây yêu cầu rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên, đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt tình trạng vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Sở GD&ĐT cũng quán triệt việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.