Tôi nhiễm nCoV

Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết những con virus đang làm gì trong cơ thể mình? Tôi thấy hơi tức ngực cả ngày hôm nay. 

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết những con virus đang làm gì trong cơ thể mình? Tôi thấy hơi tức ngực cả ngày hôm nay.

Từ khi bay từ Anh về nước và bị cách ly, đã 10 ngày, đây là hôm đầu tiên tôi cảm thấy xuất hiện triệu chứng như vậy. Những ngày trước đó tôi thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu không được xét nghiệm, tôi sẽ không bao giờ nghi ngờ rằng tôi dương tính với Covid-19.

Liệu chúng có đang tấn công, làm tổn thương phổi của mình? Tôi cũng đọc những bài viết của bệnh nhân nhiễm virus ở nước ngoài kể về việc họ bị sốt cao, khó thở, đau đớn nhiều chỗ trên cơ thể, và rất nhiều người đã mất đi cuộc sống. Liệu những ngày tiếp theo, mình có cảm thấy tồi tệ hơn như thế này không?

Đó là lúc nhập nhoạng tối, khoảng 6 giờ chiều ngày 27 tháng 3, khi tôi đang ở khu cách ly trong bệnh viện tỉnh Bạc Liêu, bỗng xuất hiện rất nhiều tin nhắn trên điện thoại. Người quen, bạn bè chụp màn hình bản tin về ca nhiễm mới, "bệnh nhân 155, Cáp Thị Yến dương tính với nCoV" gửi cho tôi. "Có phải Yến không? bị lây qua đường nào?". Ừ đúng rồi, là tôi chứ ai. Nhưng tại sao lại là tôi chứ? Tại sao cả chuyến bay 300 người, chỉ có vài người dương tính, mà trong đó lại có tôi? Tôi lại bật khóc, sợ hãi.

Những ngày ở Anh, khi dịch bệnh bùng phát, ngoài việc đi học và đi siêu thị, tôi không dám lang thang, đi chơi đâu cả. Đeo khẩu trang ra đường, mang theo nước rửa tay khô, thường xuyên vào nhà vệ sinh rửa tay sau mỗi ca học, hay thậm chí dùng giấy ăn lót vào tay để mở cửa. Khi lên sân bay, tôi cũng đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận, thường xuyên rửa tay. Và cho đến hiện tại, tôi vẫn khỏe mạnh cơ mà. Những câu hỏi dồn dập khiến tôi sốc và càng lo. Ngồi một mình với hai chiếc giường đơn trong căn phòng 12 m2, tôi sợ những dòng tin nhắn hơn cả virus dù biết mọi người chỉ đang quan tâm. Tôi gọi về cho bố mẹ, vừa kể chuyện vừa khóc.

Khi viết những dòng này, tôi không muốn đếm những ngày bị cách ly để tự bảo vệ cảm xúc và tinh thần của mình. Một ngày làm bệnh nhân Covid của tôi ở bệnh viện Bạc Liêu bắt đầu bằng tiếng chị điều dưỡng gọi qua điện thoại nhắc tôi ra lấy đồ ăn sáng và quần áo để thay lúc hơn 6 giờ sáng. Lấy hộp thức ăn về phòng, tôi gấp gọn chăn gối, đánh răng rửa mặt, ăn sáng. Chị lại nhắn tin trong nhóm chat nhắc tôi và hai bạn nam kẹp nhiệt độ và đi tắm để hộ lý lấy đồ đi giặt. Nhiệt độ sáng 1/4 của tôi vẫn là 36,3 độ C, không sốt, nhưng tôi bắt đầu thấy hơi mệt, tức ngực, mũi hơi khó chịu.

Hơn 9 giờ sáng, các bác sĩ vào đo huyết áp, lấy máu và dịch mũi, họng để xét nghiệm. Là một đứa khá nhát và sợ đau, ngày đầu tiên bị lấy máu, mặc dù không giãy giụa nhưng tôi vẫn gào khóc khá to khiến các bác sĩ và các bạn phòng bên đều phải hỏi thăm. Những ngày sau đó, tôi đã cố gắng bớt sợ hơn, chỉ bám chặt vào thành giường, không khóc, không kêu gì nữa. "Con cảm thấy hôm nay như thế nào rồi? có đau họng, ho, sổ mũi, tức ngực không?", bác sĩ luôn hỏi tôi, kèm theo câu: "Tốt, cố gắng lên con nhé". "Em có thiếu gì không? có cần thêm gì không?", các anh chị hộ lý ngày nào cũng hỏi. Nhưng tôi biết mọi người đều vì chúng tôi mà vất vả rồi, mặt khác ở khu cách ly, mọi thứ cũng khá đầy đủ nên tôi không muốn đòi hỏi gì hơn. Ngày hai cữ, tôi được uống mỗi lần một viên thuốc.

Sau khi ăn và ngủ trưa dậy, tôi cảm thấy trong người đỡ mệt hơn chút. Thời gian buổi chiều dành cho việc học. Tôi là sinh viên Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội, mới tham gia chương trình du học chuyển tiếp tại Anh được hai tháng. Lần này, tôi về nước vì không phải đến trường trong thời gian dài, cũng là lúc trường Ngoại thương bắt đầu giai đoạn học mới. Tôi đăng ký thêm một môn học và hôm nay là buổi học online đầu tiên. Tôi đã quen và thích việc học online từ cấp ba. Đặc biệt lớp học này, cô giáo rất vui tính, các bạn cũng hăng hái phát biểu. Được "giao tiếp" với mọi người làm tôi vui hơn, vơi đi cảm giác một mình trong phòng bệnh xa nhà ngàn cây số. Cũng có hôm tôi ngồi tự học, làm bài tập các môn của trường bên Anh. 

Ngày nào tôi cũng nhận những cuộc gọi video từ bố mẹ, họ hàng, bạn bè hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên. Rất nhiều câu chuyện vui từ mọi người, hay những lúc ngồi xem video hài làm tôi cười một mình trong phòng. Chỉ khi mặt trời đã lặn, không còn những tia nắng xiên qua song cửa và tán lá trong vườn cây phía sau phòng bệnh, màn đêm bao trùm cũng là lúc tâm trạng tôi lắng xuống. Tôi thấy nhớ nhà.

Từ khi đặt chân về nước, tôi được chuyển thẳng đến khu cách ly, khoảng cách từ Bạc Liêu đến Hưng Yên cũng gần 2.000 km. Trong tình hình dịch bệnh, giao thông khó khăn như hiện nay, tôi không biết sau khi ra viện sẽ về nhà như nào. Nhưng thôi, chuyện đó để tính sau, vì tôi biết, tôi sẽ phải ở trong viện ít nhất gần một tháng cơ. Khi ba mẹ ngỏ ý muốn vào thăm vì sợ một mình tủi thân nơi xa nhà, tôi gạt đi ngay. Giờ là thời điểm tất cả mọi người nên hạn chế đi lại, ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó, mặt khác tôi đang ở trong khu cách ly, nếu ba mẹ có vào thì cũng không được gặp trực tiếp. Có thể ngày nào đó, tôi cũng bị ốm vì sự khắc nghiệt của thời tiết nước Anh, một mình ở nơi xa nhà hơn thế này thì sao?

Mấy hôm nay, mặc dù không hay trang điểm nhưng tôi vẫn đánh chút son vào buổi sáng. Nào có ai ngắm, chỉ là tôi tự thấy mình xinh đẹp, tươi tắn trong gương để tự tin, yêu đời hơn. Ngày nào cũng trong bộ quần áo xanh của bệnh nhân, nhưng hôm nay, thay vì xõa tóc, tôi búi cao lên. Thay đổi phong cách một chút, trông cũng được đấy chứ, có điều hình như mặt tôi béo thêm chút rồi. Lấy chai nước nhỏ tưới cho những bông hoa hồng trong phòng, ngắm nghía chúng một lát, tôi tự mỉm cười với chính mình. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người dương tính với Covid-19 được chỉ định tự cách ly tại nhà, rất nhiều người vẫn tự khỏi cơ mà. Mặt khác mọi người nói tôi còn trẻ, sức đề kháng tốt, và ít nhất thì cho đến thời điểm hiện tại, tôi mới chỉ cảm thấy tức ngực một chút mà thôi. Tôi nhất định phải mạnh mẽ.

Tôi viết bài này không phải để độc giả nghĩ rằng Covid-19 không đáng sợ. Thực tế nó rất dễ lây lan và đã cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người trên thế giới trong thời gian ngắn. Nhưng nếu không may mắc phải Covid-19, ta không cần làm rối lên. Nó không hẳn là rất tồi tệ. Như đối với tôi, tôi cảm thấy mình vẫn ổn cho đến lúc này - tôi đang nói chuyện với biên tập viên của VnExpress. Và quan trọng, bi quan không giải quyết được vấn đề gì, vậy thì tại sao chúng ta không chọn lạc quan?

Cáp Thị Yến

Hơn 930.000 người nhiễm nCoV toàn cầu

Châu Âu và Mỹ tiếp tục là điểm nóng Covid-19, số ca nhiễm nCoV toàn cầu đã lên hơn 930.000, với trên 46.000 ca tử ...

Số ca nhiễm nCoV lên 222

6h sáng 2/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nCoV, gồm một người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, ba ...

1/3 số người nhiễm nCoV có thể là "mầm bệnh thầm lặng"

Số "mầm bệnh thầm lặng", tức người nhiễm nCoV nhưng chậm xuất hiện triệu chứng hoặc không có triệu chứng, có thể cao bằng 1/3 ...

 

/ vnexpress.net