"Tôi không thở được" và một cái chết làm rung động nước Mỹ

Đồn cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota đêm 25/5 nhận cuộc gọi từ một chủ cửa hàng, thông báo nghi ngờ George Floyd tiêu thụ một tờ 20 USD giả.

 

Sau khi nhận cuộc gọi, hai sĩ quan cảnh sát đầu tiên có mặt tại hiện trường là Thomas Lane và J.A. Kueng. Họ đến gần xe của Floyd, thấy người đàn ông 46 tuổi này ngồi ở ghế lái, hai người khác cũng có mặt trên xe.

Sau cuộc trao đổi ngắn với Floyd, cảnh sát Lane rút súng, chĩa vào cửa kính xe, yêu cầu anh này giơ tay lên. Khi Floyd đặt hai tay lên vô lăng, Lane cất súng, ra lệnh cho anh này ra ngoài và kéo anh ra khỏi xe.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ George Floyd trong vụ bắt hôm 25/5. Ảnh: CBS.

Theo báo cáo sự việc, Floyd lúc đầu "chống cự khi bị còng tay", nhưng trở nên "tuân thủ" khi đã bị còng. Cảnh sát Lane cho Floyd ngồi xuống và hỏi tên, giấy tờ tùy thân và giải thích tại sao anh ta bị bắt. Lane và Keung sau đó xốc Floyd đứng dậy, kéo anh ta đến chiếc xe tuần tra.

Lúc 20h14, Floyd đột nhiên cứng đờ người, ngã xuống đất và nói với các sĩ quan rằng anh ta bị nghẹt thở. Hai cảnh sát Derak Chauvin và Tou Thao sau đó điều khiển một xe tuần tra khác tới hiện trường.

Năm ngoái, Floyd và Chauvin, 44 tuổi, vẫn làm việc cùng nhau tại một hộp đêm ở Minneapolis. "Khi không thực hiện nhiệm vụ, Chauvin làm thêm ở hộp đêm trong suốt 17 năm chúng tôi hoạt động", Maya Santamaria, chủ hộp đêm El Nuevo Rancho, nói.

"Họ làm việc cùng khung thời gian, chỉ là Chauvin làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở bên ngoài, còn Floyd làm bảo vệ bên trong hộp đêm", Santamaria cho hay. Các nhân viên bảo vệ như Floyd có nhiệm vụ ngăn chặn những kẻ gây rối bên trong hộp đêm.

Tuy nhiên, Santamaria không rõ hai người có biết nhau hay không.

4 sĩ quan cảnh sát cố gắng đẩy Floyd vào băng ghế sau của xe tuần tra, nhưng anh này "không tự nguyện vào xe và vật lộn với các sĩ quan bằng cách cố tình ngã xuống", theo hồ sơ tại tòa án.

Khi đứng bên ngoài xe, Floyd bắt đầu kêu rằng anh không thể thở được. Các sĩ quan vẫn tìm cách đẩy anh ta vào trong xe từ phía ghế phụ, nhưng Chauvin sau đó kéo Floyd khỏi xe.

Dưới lực kéo của Chauvin, Floyd ngã úp mặt xuống đường, tay vẫn bị còng. Hai sĩ quan Kueng và Lane giữ chân anh này, trong khi Chauvin ghì đầu gối trái lên gáy của Floyd từ 20h19.

Floyd liên tục kêu lên "Tôi không thể thở", "Mẹ ơi" và "Làm ơn", nhưng các cảnh sát vẫn giữ nguyên vị trí. Một sĩ quan nói với Floyd rằng "Anh vẫn đang nói cơ mà".

Cảnh sát Lane sau đó hỏi: "Chúng ta có nên lật anh ta lại không?", Chauvin đáp: "Không, giữ nguyên như khi chúng ta tóm được hắn".

Khi Lane bắt đầu lo lắng rằng Floyd có thể rơi vào trạng thái mê sảng do kích động, Chauvin trả lời: "Đó là lý do chúng ta nên để hắn nằm sấp".

Đến 20h24, Floyd ngừng giãy giụa. Chỉ khoảng một phút sau, video cảnh Floyd bị ghì gáy, nằm im bất động xuất hiện trên mạng xã hội.

Sĩ quan Keung kiểm tra mạch trên cổ tay phải của Floyd và nói anh không thể bắt được mạch, nhưng không ai trong số 4 cảnh sát có hành động nào đáng kể. Đến 20h27, Chauvin mới bỏ đầu gối khỏi gáy Floyd.

Xe cứu thương tới hiện trường và Floyd được tuyên bố đã chết tại Trung tâm Y tế Hạt Hennepin ngay sau đó. Các công tố viên cho biết dù bị ghì gáy trong khoảng 9 phút, Floyd không phải chết do ngạt thở.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Cảnh sát chống bạo động tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nơi cái chết của ông George Floyd khởi nguồn cho làn sóng biểu tình. Ảnh: Reuters.

Hồ sơ truy tố nói rằng Floyd mắc các bệnh lý nền gồm động mạch vành và suy tim do tăng huyết áp. "Những tác động kết hợp của việc Floyd bị cảnh sát ghì gáy, bệnh lý nền và bất kỳ chất kích thích tiềm tàng nào trong cơ thể Floyd đã dẫn đến tử vong", hồ sơ có đoạn.

Ban đầu, hàng chục nghìn người tuần hành ôn hoà để phản đối trước cái chết của George Floyd. Nhưng tại nhiều nơi, những cuộc biểu tình này đã trở nên bạo lực, khi những người tham gia đụng độ với cảnh sát và phá huỷ, cướp bóc các cửa hàng. Dòng chữ "Tôi không thở được" - lời nói cuối cùng của nạn nhân George Floyd - được vẽ lên các toà nhà nơi người biểu tình đi qua.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Bạo loạn ở Los Angeles hôm 30/5 sau cuộc biểu tình hòa bình ban đầu. Ảnh: New York Times.

Làn sóng biểu tình đã lan rộng và gần như xuất hiện ở tất cả các thành phố lớn của Mỹ, với quy mô và độ bao phủ có thể so sánh với phong trào dân sự và chống chiến tranh hồi những năm 1960.

Đến sáng ngày 31/5, sự phẫn nộ đã lan tới tận châu Âu khi hàng nhìn người tập trung ở quảng trường Trafalgar ở London nhằm phản đối việc cảnh sát dùng vũ lực quá mức. Bất chấp các quy tắc giãn cách xã hội trong thời kỳ Covid-19, người biểu tình đã vỗ tay và giơ bảng hiệu bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình ở Mỹ.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Người biểu tình đập phá xe cảnh sát ở Los Angeles - thành phố nơi mối quan hệ giữa cộng đồng người da đen với cảnh sát từng rất căng thẳng trong thập niên 1990. Ảnh: AP.

Người biểu tình đốt cháy xe cảnh sát, ném chai lọ và gạch đá về phía các sĩ quan và đập phá cửa hàng ven đường. Họ lấy đi hàng hoá và các thiết bị dù những người khác kêu gọi không nên làm vậy. Ở thành phố Indianapolis, nhiều vụ nổ súng đã diễn ra trong đó có vụ khiến một người thiệt mạng, bên cạnh những cái chết ở Detroit và Minneapolis.

Tại Minneapolis, nơi khởi nguồn làn sóng biểu tình, cảnh sát, vệ binh quốc gia và các lực lượng thực thi pháp luật khác đã xuất hiện sau 20h - giờ giới nghiêm - để kiểm soát người biểu tình.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Làn sóng bạo lực đã lan tới New York, với nhiều xe cảnh sát bị phá huỷ và đốt cháy. Ảnh: Zuma Press.

Gần như góc nào của nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng bạo lực này. Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Atlanta, Denver, Los Angeles, Minneapolis, San Francisco và Seattle.

Ít nhất 13 sĩ quan cảnh sát đã bị thương ở Philadelphia, với 4 chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy. Tại New York, các cuộc đụng độ diễn ra liên tục với hơn 200 người bị bắt giữ. Một đoạn băng cho thấy hai xe tuần tra của cảnh sát New York đã lao vào đám đông khiến một số người biểu tình bị xô xuống đất.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Người biểu tình chặn đường xe cứu hoả ở Los Angeles hôm 30/5. Ảnh: AP.

Tại bang Virginia, nhiều công trình liên quan đến phe Liên minh miền Nam đã bị phá hoại và sơn các dòng chữ graffiti xỉ vả cảnh sát. Tại thành phố Fergusn của bang Missouri, nơi thiếu niên da đen Michael Brown Jr. bị bắn chết bởi viên cảnh sát da trắng vào năm 2014, 6 sĩ quan đã bị thương khi đụng độ với người biểu tình.

Trên toàn quốc, cảnh sát đã bắt giữ gần 1.700 người ở 22 thành phố kể từ hôm 28/5, theo thống kê của AP.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Một người biểu tình ở New York bị thương do dùi cui của cảnh sát. Ảnh: New York Times.

Gần một phần ba số vụ bắt giữ diễn ra ở thành phố Los Angesles, nơi thống đốc bang California tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh cho vệ binh quốc gia hỗ trợ 10.000 cảnh sát của thành phố để dập tắt vụ bạo động.

Tình trạng bất ổn làm nhiều người nhớ lại vụ bạo động năm 1992, xảy ra sau khi toà án địa phương tha bổng cho các sĩ quan cảnh sát da trắng dùng vũ lực với Rodney King, một người da đen chạy trốn cảnh sát trên đường cao tốc.

Đây từng được coi là sự kiện định hình thập niên 1990 của nước Mỹ, với 60 người chết trong 5 ngày bạo loạn, 2.000 người bị thương và thiệt hại lên tới 1 tỷ USD.

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my
Một cửa hàng bị đập phá và cướp bóc ở Philadelphia hôm 30/5. Ảnh: AP.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my Động thái mới nhất của Tổng thống Trump giữa vụ George Floyd
toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my Thủ đô Mỹ áp lệnh giới nghiêm
toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my Cảnh sát Mỹ xuống đường cùng người biểu tình, lên tiếng vụ người da màu bị chết
toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my Tổng thống Trump: Antifa là tổ chức khủng bố, cổ xúy biểu tình chống cảnh sát
toi khong tho duoc va mot cai chet lam rung dong nuoc my Con gái thị trưởng NYC bị bắt khi tham gia biểu tình vụ George Floyd