Chính phủ Trung Quốc dường như sẵn sàng chấp nhận gánh chịu những mất mát trước mắt nhằm đổi lấy sự ổn định và bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều hiểu rõ sự cần thiết của việc chuyển đổi mô hình kinh tế quốc gia. Năm 2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng nền kinh tế của đất nước “không ổn định, thiếu sự phối hợp, không cân bằng và không bền vững”.
Vào năm 2021, chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra một phương pháp quyết liệt nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi này: Chính phủ Trung Quốc dường như đã sẵn sàng chấp nhận những tổn hại kinh tế nghiêm trọng trong ngắn hạn nhằm cải thiện sự ổn định và bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Ông Tập nêu bật khái niệm thịnh vượng chung trong bài phát biển trước Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 17/8/2021. Theo ông, chính sách này là thiết yếu đối với chủ nghĩa xã hội và cần thiết để cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định tài chính.
Trung Quốc đang hướng đến chuyển đổi mô hình kinh tế quốc gia. (Ảnh: Reuters) |
Bất động sản là lĩnh vực “hứng mũi chịu sào”
Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu quan trọng đề cập đến vấn đề về đánh thuế bất động sản – vấn đề nóng trong các cuộc thảo luận ở Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua. Dường như Bắc Kinh quyết tâm sẽ siết chặt việc áp thuế, dù chính sách này không được ủng hộ nhiều.
Có thể thấy, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thử thách lớn. Nhất là trong thời điểm gần như chắc chắn nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande sẽ vỡ nợ, trừ khi chính phủ can thiệp. Nguyên nhân là do các hệ thống tài chính của Trung Quốc từ lâu đã dựa vào việc bán đất và phát triển bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù nhu cầu nhà ở thực tế trong các tòa nhà đang được xây dựng rất ít.
Chỉ vài ngày sau phát biểu của ông Tập được công bố, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực kéo dài 5 năm. Quyết định này có thể coi là bước tiến lớn nhất của Trung Quốc trong việc đánh thuế bất động sản đối với nhà ở.
Trong bài phát biểu hồi tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của ông hồi năm 2017: "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ". Tuy nhiên, thách thức thực sự trong vấn đề mua bán nhà không phải là các nhà đầu cơ, mà thực tế là bất động sản Trung Quốc đắt cắt cổ, khiến việc mua nhà trở nên khó khăn. Việc này không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo mà còn kìm hãm mức tiêu tiền của người dân ở các lĩnh vực khác.
Không chỉ phải đối mặt với mức thuế mới, các nhà phát triển bất động sản còn phải chấp nhận các chính sách siết chặt của chính phủ. Điển hình là yêu cầu các công ty bất động sản giảm nợ nhằm đối phó với mức nợ ngày càng tăng của họ. Điều này đã khiến các gã khổng lồ, như Evergrande, gặp khó khăn hơn khi huy động vốn và khiến các nhà phát triển bất động sản chịu nhiều gò bó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tuyên bố nổi tiếng: "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ". |
Đưa nền kinh tế đi vào khuôn khổ
Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc có động thái ngăn tập đoàn Ant Group của tỷ phú Jack Ma phát hành đợt cổ phiếu đầu tiên - một đợt IPO dự kiến huy động được 37 tỷ USD. Cùng với đó là việc các công ty Trung Quốc khác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và tài chính cũng bị Bắc Kinh đưa vào tầm ngắm, các quy định ngày càng được siết chặt và tác động không nhỏ đến các tập đoàn lẫn tới siêu giàu ở Trung Quốc.
Theo báo cáo của SupChina, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành 19 hoạt động cải tổ trên nhiều lĩnh vực. Ước tính, những động thái này khiến cổ phiếu của các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc mất hơn 1.000 tỷ USD giá trị trong năm qua. Ví dụ điển hình là lệnh cấm gần đây của Bắc Kinh đã "đánh sập" ngành kinh doanh giáo dục (dạy thêm) trị giá hơn 100 tỷ USD của nước này, tuy nhiên nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng bỏ thêm tiền để thuê “gia sư chui”.
Loạt động thái này là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang thực hiện một đường lối cứng rắn nhằm khẳng định sự kiểm soát của nhà nước đối với xã hội và nền kinh tế. Các biện pháp hạn chế mà Bắc Kinh sẽ sử dụng để can thiệp vào xã hội và nền kinh tế cũng ngày càng trở nên khó xác định.
Các biện pháp hạn chế của Bắc Kinh để can thiệp vào xã hội và nền kinh tế cũng ngày càng trở nên khó xác định. (Ảnh: Bloomberg) |
Những động thái của Bắc Kinh đã làm dấy lên nghi vấn giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, truyền thông và các nhà quan sát quan tâm đến việc: Điều gì đang thúc đẩy hành động của Trung Quốc. Tại sao các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường được kiểm soát chặt chẽ lại truyền đạt những thay đổi sâu rộng như vậy? Liệu Trung Quốc đang ở trên đỉnh cao của biến động xã hội, hay giới lãnh đạo đang tận dụng thời điểm họ cảm thấy thích hợp để điều chỉnh chính sách trên diện rộng?
Các biện pháp quản lý sâu rộng cũng gây ra nhiều cuộc tranh luận công khai tại Trung Quốc. Một bên là những người ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ nhằm định hướng lại nền kinh tế và xã hội quốc gia. Li Guangman, blogger nổi tiếng của Trung Quốc, đã đưa vấn đề này vào bài luận của mình. Bài viết của ông được lan truyền rộng rãi và được các phương tiện truyền thông do đảng và nhà nước kiểm soát đăng lại. Trong bài luận, ông Li kêu gọi một "cuộc cách mạng sâu sắc" để sửa chữa những bất bình đẳng mà chủ nghĩa tư bản đã gây ra.
Phe còn lại bao gồm những người ủng hộ các biện pháp vừa thúc đẩy tiến bộ xã hội ổn định hơn, vừa tạo điều kiện có lợi cho các doanh nghiệp đổi mới và khởi nghiệp. Một trong những người ủng hộ điều này là Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo. Ông cho rằng các biện pháp của “cuộc cách mạng” về kinh tế - xã hội này là không phù hợp, thậm chí, vị tổng biên tập còn nói các biện pháp mới đang gợi đến những thời kỳ hỗn loạn của Trung Quốc trong quá khứ.
TRẦN TRANG
Trung Quốc bất ngờ kêu gọi dân trữ nhu yếu phẩm |
Đổ "núi tiền" mua sắm vũ khí, quân đội Trung Quốc có mạnh như vẻ bề ngoài? |