Nếu Chicago là nơi đầu tiên có nhà chọc trời thì Texas lại là quê hương của một cú lừa ngoạn mục của một tòa "chọc trời" khác.
Từ "skyscraper" trong tiếng Anh lần đầu tiên được sử dụng để mô tả những tòa nhà cao tầng vào thế kỉ 19 tại Mỹ, thời điểm mà các công trình xây dựng bắt đầu mọc lên như nấm. Kể từ khi khái niệm này xuất hiện, tòa tháp chọc trời đầu tiên là Home Insurance, được xây tại Chicago vào năm 1885. Tòa nhà cao 55 m này do kiến trúc sư William Le Baron Jenney (1832-1907) thiết kế.
Khi Jenney đệ trình bản thiết kế của mình, hội đồng thành phố còn hoài nghi liệu tòa nhà có thực sự tự đứng vững được hay không. Thời ấy, các công trình kiến trúc đều được xây với những bức tường chịu lực dày cộp. Tuy nhiên, các bức tường của Home Insurance lại rất mỏng nhờ khung thép chống đỡ. Điều này khiến nó trở nên nhẹ hơn, cao hơn trong khi trọng lượng chỉ bằng một phần ba so với các công trình đương thời.
Thực tế đã chứng minh, tòa nhà không những vững vàng, mà còn là điểm nhấn đặc biệt, tạo nên một trường phái kiến trúc mới mang tên Chicago. Chưa đầy 10 năm sau khi tòa Home Insurance hoàn thành, thành phố có thêm 12 tòa nhà chọc trời cao từ 16 đến 20 tầng sừng sững ở trung tâm tài chính. Những tòa nhà chọc trời này nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố.
Trước kia, từ "skycraper" thường được dùng trong các trò đùa, khi trêu chọc một người hoặc một vật lênh khênh. Trên ảnh là tòa Home Insurance Building, cao 55m. Ảnh: Corbis. |
Tuy nhiên, tòa nhà chọc trời đầu tiên - nguồn cảm hứng cho các công trình về sau, lại bị phá hủy vào năm 1931, để nhường chỗ cho một tòa nhà chọc trời khác là Field Building, cao 163 m với 45 tầng. Du khách có thể đến tham quan bên ngoài tòa nhà ở địa chỉ: số 135 phố South LaSalle, nằm trong khu vực cộng đồng Loop, Chicago, bang Illinois.
Bên cạnh tòa nhà chọc trời đầu tiên, nước Mỹ còn có tòa nhà chọc trời nhỏ nhất thế giới là Newby-McMahon, nằm ở số 701 phố LaSalle, trung tâm thành phố Witchita Falls, bang Texas. Tòa nhà chỉ cao khoảng 12 m với 4 tầng và sự ra đời của tòa nhà này đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến với tính từ "thú vị", "độc đáo".
Năm 1912, một mỏ dầu lớn được phát hiện gần thị trấn Burkburnett, thuộc hạt Wichita, Texas. Người dân từ khắp nơi kéo tới đây sinh sống, kinh tế trong vùng nhờ thế phát triển sôi động. Năm 1918, nơi đây có khoảng 20.000 người định cư, khiến thành phố khan hiếm nơi đặt văn phòng. Kỹ sư J.D. McMahon đã đưa ra một giải pháp là tòa nhà cao tầng Newby-McMahon.
Sau khi lừa các nhà đầu tư bằng một công trình "chọc trời" tý hon, McMahon ung dung rời Texas với số tiền thừa đút túi khổng lồ. Ảnh: Solomon Chaim. |
Các nhà đầu tư nhanh chóng chuyển 200.000 USD cho McMahon để xây dựng tòa tháp "chọc trời" này. Bản thiết kế của tòa tháp cũng được vẽ và gửi cho mọi người, nhưng có một điều không ai để ý. Thay vì đơn vị đo lường được tính bằng feet (1 ft = 30,48 cm), McMahon lại cố tình ghi bằng inch (1 in = 2,54 cm). Điều đó có nghĩa là thay vì công trình cao tương đương với một tòa nhà 40 tầng, trên thực tế nó chỉ cao 4 tầng.
Đến khi nhận kết quả bàn giao, các nhà đầu tư mới "ngã ngửa" và khởi kiện McMahon vì tội lừa đảo. Tuy nhiên, bản án lại nghiêng về phía McMahon, vì trên thực tế ông đã ghi bản vẽ với đơn vị đo là inch, chứ không phải feet. Lỗi do các nhà đầu tư không phát hiện ra điều này và McMahon đã xây dựng chính xác những gì họ đã ký kết.
Ngày nay, tòa nhà với nguồn gốc từ một cú lừa ngoạn mục này đã trở thành điểm tham quan thu hút khách tại số 701 phố LaSalle, trung tâm thành phố Witchita Falls, bang Texas. Tại tầng trệt của tòa nhà là một cửa hàng đồ cổ, khai trương năm 2006. Newby-McMahon là một phần của khu Di tích Lịch sử quảng trường Depot và được tuyên bố là Di tích lịch sử của bang.
Trên thực tế, các tòa nhà cao tầng đã có từ rất lâu đời. Tại thành phố sa mạc Shibam ở Yemen, có những tòa dân cư xây bằng gạch bùn cao đến 10 tầng, được xây dựng vào thế kỷ 13. Hay như ở San Gimignano, vùng Tuscany, Itay đã từng có hơn 70 tòa nhà cao hơn 60m, tất cả đều được xây dựng trước thế kỷ 15. Tuy nhiên, khái niệm "chọc trời" này chỉ được biết đến và sử dụng rộng rãi từ thế kỷ 19.
Nam Trần (Theo Amusing Planet)
Cận cảnh cao ốc nghìn tỉ "làm xấu bộ mặt TPHCM"
Có vị trí đắc địa và từng được kỳ vọng là tòa nhà cao thứ 3 TPHCM, tuy nhiên cả thập kỷ trôi qua, cao ... |
Khó tin những nông trại độc lạ "ngự" trên nóc cao ốc
Đất nông nghiệp hạn chế khiến người dân nhiều nước trên thế giới phải tận dụng khoảng trống trên sân thượng các tòa nhà để ... |