TNGT nghiêm trọng có liên quan việc "thả nổi" của doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là vào khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, là một số giải pháp cần thực hiện ngay để kéo giảm các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng.

Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia khi trao đổi với phóng viên, liên quan tới các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây trên cả nước.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan việc
TS Khuất Việt Hùng.

PV: Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ TNGT, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 663 vụ (-10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (-17,69%). Mặc dù TNGT giảm song số vụ TNGT nghiêm trọng thời gian gần đây đang có diễn biến phức tạp. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Khuất Việt Hùng: Thực tế, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tất cả các vụ tai nạn phần lớn đều từ người điều khiển phương tiện. Như vụ tai nạn đường bộ xảy ra ở Bắc Giang khiến 3 người tử vong là do lái xe có nồng độ cồn, đi xe quá tốc độ; vụ tai nạn đường bộ xảy ra ở Thái Bình khiến 2 người chết, 2 người bị thương là do lái xe con điều khiển phương tiện đi tốc độ cao, sai làn đường cho phép hay vụ va chạm xe khách với xe máy đi ngược chiều khiến 3 người tử vong ở Bình Định. Tương tự là vụ TNGT đường thuỷ đặc biệt nghiêm trọng khiến 17 người tử vong ở Quảng Nam.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện, trong tất cả các vụ tai nạn liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải đều có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của những đơn vị kinh doanh vận tải. Thông thường, các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông để giám sát và nhắc nhở lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông. Có thể đánh giá, công tác thực hiện các quy định pháp luật về ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải rất có vấn đề.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện những đơn vị kinh doanh vận tải đã có lịch sử không làm tốt công tác quản lý ATGT.

Bên cạnh đó, bản thân những lực lượng chức năng làm việc trên đường cũng không thể phát hiện hết các hành vi vi phạm của các phương tiện cũng như của người điều khiển phương tiện để xử lý kịp thời.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan việc
Một vụ TNGT nghiêm trọng ờ Sơn La.

PV: Trong các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra gần đây thì có không ít vụ xảy ra trong khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Một số chuyên gia cho rằng, các quy định vận chuyển vào ban đêm hiện nay còn thiếu và yếu. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra, TNGT từ khung giờ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, ở quốc gia nào TNGT cũng có tỷ lệ cao và gần như TNGT nghiêm trọng dẫn đến nhiều thương vong cũng thường rơi vào khung giờ đó, chứ không chỉ ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta thấy xảy ra một số vụ rơi vào khung giờ này.

Đã có những ý kiến khác nhau đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý. Tôi cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng, chúng ta phải xem lại quy định pháp luật về vận chuyển vào ban đêm.

Thứ nhất, nên chăng điều chỉnh theo hướng là có quy định chặt hơn: Nếu điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện kinh doanh vận tải, trong khung giờ từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì thời gian lái xe liên tục phải rút ngắn xuống. Ví dụ như có ý kiến đề nghị là chỉ lái xe hai tiếng rồi nghỉ xong rồi mới được lái tiếp.

Thứ hai, trong khung giờ đêm không thực hiện theo quy định 10 tiếng làm việc liên tục mà phải điều chỉnh, thí dụ như tổng thời gian lái xe trong buổi tối không được quá 6 tiếng hay 8 tiếng chứ không phải 10 tiếng như quy định hiện nay.

Một vấn đề nữa là công tác tuần tra kiểm soát vi phạm. Thực tế, trong thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã có nỗ lực nhưng cũng phải khẳng định là khung giờ từ 21 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau thì tần suất cũng như mức độ tuần tra kiểm soát thưa hơn so với thời gian sớm hơn hoặc thời gian ban ngày.

PV: Có ý kiến cho rằng nên công khai danh sách các tài xế vi phạm sử dụng chất ma tuý hoặc vi phạm nồng độ cồn nhiều lần. Đặc biệt nếu người trong ngành giao thông mà vi phạm thì cần xử lý nghiêm minh hơn, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi nghĩ việc công khai là cần thiết và rất tốt. Trong số các vụ TNGT, có tới gần 30% liên quan đến người từ 18 - 27 tuổi và hiện trạng này có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn. Gần đây, các đối tượng trong độ tuổi thanh niên tụ tập cổ vũ, tham gia đua xe trái phép chiếm tỉ lệ cao. Tình trạng thanh niên điều khiển xe cơ giới có nồng độ cồn trong máu, hơi thở tăng cao… Đây chắc chắn là nguy cơ gây tai nạn cần phải sớm ngăn chặn.

Bên cạnh đó, nhìn từ vụ tai nạn thương tâm ở Bắc Giang, tôi cho rằng người gây tai nạn công tác trong ngành GTVT nên càng phải xử lý nghiêm khắc. Công an Bắc Giang cần khẩn trương điều tra, coi đây là án điểm về vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.

PV: Trong thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã thực hiện những giải pháp nào để kéo giảm TNGT, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Thực hiện kéo giảm TNGT có nhiều giải pháp, đặc biệt là chúng ta ban hành và thực hiện những quy định pháp luật mới, thídụ như Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chúng ta tăng cường tuyên truyền đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm. Chúng ta cũng tiếp tục xử lý, khắc phục những điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao năng lực, chất lượng của các dịch vụ y tế cứu thương… Thế nhưng rõ ràng là trong một vài tháng trở lại đây đã xuất hiện những vấn đề nổi cộm. Sau khi chúng ta dừng giãn cách xã hội và kinh tế phục hồi trở lại thì có một bộ phận người lái xe và người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, nghĩ là lực lượng chức năng sau khi chống dịch cũng có thể lơi lỏng hơn cho nên họ vi phạm, thậm chí có nhiều người cố tình vi phạm. Chúng tôi cũng đã dự báo vấn đề này. Vì vậy, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo lực lượng Công an phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đặc biệt là tập trung xử lý vi phạm vào khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

PV: Trước tình trạng các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, theo ông, những giải pháp nào có thể thực hiện ngay để góp phần khắc phục tình trạng này?

Ông Khuất Việt Hùng: Như tôi đã nói ở trên, vấn đề này đã có chỉ đạo rất rõ là tăng cường tuần tra kiểm soát giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng. Bên cạnh đó, ngành giao thông các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải để yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nghiêm những quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông. Thí dụ như phải thực hiện theo dõi giám sát hành trình để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm lộ trình, luồng tuyến của người điều khiển phương tiện. Trước hết là nhắc nhở sau đó phải có giải pháp chấn chỉnh.

Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện nghiêm những quy định về tổ chức lao động cho người lái xe, không thể nào buông lỏng, khoán trắng cho người lái xe được. Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cũng như Nghị định 100.

Ngành giao thông có hai việc. Việc thứ nhất là vấn đề hạ tầng thì vẫn phải khẩn trương hoàn thành những công trình, kết cấu hạ tầng để đưa công trình mới, công trình nâng cấp vào khai thác sẽ an toàn hơn. Thứ hai là tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bảo trì và tổ chức giao thông cho tốt, khi phát hiện những điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông thì tiếp tục khắc phục.

Vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải làm thường xuyên, bền bỉ và bằng nhiều hình thức khác nhau là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Phải khẳng định quyết tâm là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn phải đồng thời thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tuyệt đối vẫn thực hiện theo chủ đề năm an toàn giao thông đã uống rượu bia không lái xe.

PV: Đối với người tham gia giao thông, ông có khuyến cáo gì để nâng cao trật tự an toàn giao thông, thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Đối với người tham gia giao thông, khi tham gia giao thông trước tiên là an toàn cho mình, thứ hai là an toàn cho xã hội. Việc mỗi người an toàn cũng chính là tiền đề quan trọng để mình có thể mạnh khoẻ thì gia đình mình có thể phát triển, hạnh phúc. Cho nên, tôi đề nghị tất cả những người tham gia giao thông tuân thủ những quy định của pháp luật, tuân thủ những hướng dẫn của các lực lượng chức năng khi tham gia giao thông. Cố gắng tiếp tục thực hiện nghiêm khẩu hiệu đã uống rượu bia, không lái xe.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

https://cand.com.vn/Giao-thong/tngt-nghiem-trong-co-lien-quan-viec-tha-noi-cua-doanh-nghiep-kinh-doanh-van-tai-i658998/

Phạm Huyền / cand.com.vn