“Tinh thần Việt Nam” và không cúi đầu

Kể cả trường hợp U.23 Jordan và U.23 UAE hòa có tỉ số đủ để cùng nhau đi tiếp và U.23 Việt Nam dừng bước ở vòng bảng, thầy trò ông Park cũng sẽ vẫn chơi với tất cả tự hào và “tinh thần Việt Nam” để thắng U.23 Triều Tiên như mục tiêu…

Tinh thần Park Hang-seo. Ảnh: D.P

Jordan và “tinh thần Park Hang-seo”

“Tôi không muốn thua”, ông Park đã nói thẳng thế, ở trận đấu thủ tục phân định ngôi nhất nhì bảng C, khi cả đội tuyển Việt Nam và Jordan đều đã giành vé dự Asian Cup 2019. Đó là trận thứ 2 ông thầy người Hàn cầm quân với tư cách thuyền trưởng của bóng đá Việt Nam, sau trận đầu tiên hòa Afghanistan 0-0 và bắt đầu một “triều đại” với việc hoàn thành mục tiêu có ít nhất 1 điểm để lấy vé đi vòng chung kết.

Đá bóng không thua, đó là quan điểm mà “trợ lý của Guus Hiddink” áp đặt với các học trò với nhiều người ông chưa cả thuộc tên, sau ít ngày làm quen. Không được thua trên sân Jordan, trận cuối vòng loại dù thắng thua không còn quan trọng, bởi đó là đối thủ từng “âm mưu” loại đội tuyển Việt Nam khỏi cuộc chơi. Chuyện là trước trận gặp Afghanistan chỉ cần 1 điểm ở Mỹ Đình là có vé, các quan chức VFF lẫn cầu thủ đều ý thức Việt Nam gần cột mốc lịch sử lần đầu chính thức vượt qua vòng loại (Asian Cup 2007 Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á là đồng chủ nhà) nhưng cũng rất xa. Nếu thua, vé thứ 2 bảng C sẽ của Afghanistan do trận cuối “lành ít, dữ nhiều” phải làm khách trước Jordan, đội bóng đã hòa 3-3 với diễn biến kịch tính và đầy “tính… kịch” trước đó với Jordan.

Không được thua và luôn hướng đến chiến thắng với niềm tin có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào, từ giải tập huấn M150 Cup hạ U.23 Thái Lan trên đất Thái đến câu chuyện cổ tích Thường Châu ở U.23 Châu Á 2018 mở ra một trang mới với 2 năm đại thành công với rất nhiều chiến công của bóng đá Việt Nam, từ chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm, giấc mơ Huy chương Vàng SEA Games đến tứ kết ASIAD 19 rồi bán kết Asian Cup 2019.

Điều đáng nói, trong hành trình ở sân chơi đỉnh cao châu lục, trận đấu được ông Park đánh giá cao và tự hào nhất chính là chiến thắng trước Jordan ở tứ kết. Hòa 1-1 sau 90 phút rồi hiệp phụ, đội tuyển Việt Nam thắng luân lưu 4-3, vào bán kết trước khi kết thúc cuộc phiêu lưu với thất bại hào hùng 0-1 trước Nhật Bản. Đó là trận đấu thể hiện hết quan điểm, triết lý bóng đá không đầu hàng, không chịu thua và “tinh thần Việt Nam” như ông Park đúc kết.

Với tinh thần đó, U.23 Việt Nam của ông Park bước vào U.23 Châu Á 2020 với tư cách Á quân với mục tiêu có thể lấy vé Olympic Tokyo 2020. Ông cùng học trò sau trận ra quân hòa 0-0 U.23 UAE đã chơi để thắng U.23 Jordan. Không thắng được trong trận đấu lép vế hơn đối thủ trình độ lại chuẩn bị kỹ lưỡng với tất cả sự tôn trọng, U.23 Việt Nam mất quyền tự quyết và nguy cơ lớn bị loại, thế nhưng đội bóng của ông Park vẫn không thể bị đánh bại.

Nhìn nhận trận hòa 0-0 trong bất lực của U.23 Việt Nam, vốn được chỉ ra nhiều hạn chế, bất lợi từ trước khi bóng lăn, để có thể hiểu hơn về thứ triết lý mang “tinh thần Park Hang-seo” cùng bóng đá Việt Nam.

Sự kiên định của thầy Park

“Từ các bài tập, ông ấy thể hiện quan điểm bóng đá rất thực dụng…”. Thời điểm ông Park bắt đầu nắm Việt Nam cuối 2017, đội trưởng Văn Quyết nhận định sau hơn 1 tuần luyện tập. “Yêu bóng đá nhưng phải là bóng đá… chiến thắng, thành tích…”, đó cũng là cách ông thầy người Hàn hiểu biết, đúc kết và xác định con đường khi gắn bó với bóng đá Việt Nam sau những thành công vang dội rồi chấp nhận thách thức khi tái ký hợp đồng 3 năm với những trọng trách nặng nề hơn.

“Nhiệm kỳ 2” của thầy Park bắt đầu bằng chiến dịch U.23 Châu Á 2020 với tư cách đương kim Á quân, ngay sau chức vô địch SEA Games 30. Không còn là ẩn số hay bất ngờ, các đối thủ nghiên cứu kỹ và tôn trọng trong khi chất lượng con người không bằng, trong khi phải đối diện với những hệ quả từ việc liên tiếp chạm đến những đỉnh cao mới trong trạng thái gồng mình…, ai cũng dễ dàng chỉ ra những điểm là lý do khiến U.23 Việt Nam khó, thế nhưng, kỳ vọng cùng yêu cầu chiến thắng thì lại cao hơn. Thế nên dễ hiểu khi số đông không chấp nhận thực tế phũ phàng hiện ra từ trận hòa “thoát thua” trước U.23 Jordan cùng nguy cơ dừng chân ngay từ vòng đấu bảng. Và đó là lý do những so sánh rồi cả tiếc nuối xuất hiện, khi những Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Văn Hậu… được nhắc đến.

U.23 Việt Nam không thắng và có thể bị loại sớm, đa phần nhìn nhận ở khía cạnh một kết quả thắng thua thay vì tâm thế của một đội bóng dám đá và làm mọi thứ để quyết giành chiến thắng, như cách ông Park đổi đội hình trước giờ bóng lăn rồi xoay chuyển liên tục trong 90 phút để tìm cách thay đổi cục diện trong bất lực. Đó cũng là một bất công lẫn nghịch lý, dù… hợp lý với tình cảnh hiện tại của thầy trò thầy Park.

Sự kiên định đã giúp các đội bóng của ông Park vượt qua nhiều thách thức để chinh phục thành công hơn 2 năm qua, không gục ngã mà đứng dậy để giành lấy chiến thắng dù vấp ngã do sai lầm trước đó. Kiên định nên nhiều lần, ông cùng học trò có thể lọt qua khe cửa hẹp để nắm lấy khi cơ hội đến.

Giờ thì đó là điều cần nhất, khi U.23 Việt Nam phải quên đi 2 trận hòa khiến “cửa” hẹp nhiều để hướng đến chiến thắng trước U.23 Triều Tiên trong khi chờ kết quả trận U.23 Jordan - U.23 UAE. Thắng để hy vọng và một lần nữa giương cao “tinh thần Việt Nam”, kể cả có phải dừng bước.

Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam và chặng đường 3 năm phía trước với một ngọn cờ, điều đó có lẽ quan trọng hơn thành bại ở một giải đấu…

Với 2 điểm, U.23 Việt Nam phải thắng U.23 Triều Tiên đã bị loại trận cuối, trong khi trận U.23 UAE - U.23 Jordan (4 điểm) diễn ra cùng giờ có kết quả thắng thua, thầy trò ông Park sẽ đi tiếp. Do tính chỉ số phụ đầu tiên là thành tích đối đầu, nếu 2 đối thủ này “bắt tay” hòa 1-1 hoặc 2-2 thì U.23 Việt Nam sẽ chia tay U.23 Châu Á 2020 sau vòng bảng.

GIANG ANH

 

 

 

/ laodong.vn