- Sắc lệnh mới nhất của chính quyền Taliban: Tước đoạt tương lai phụ nữ Afghanistan
- Một năm Taliban kiểm soát Afghanistan: Tương lai mịt mù ở phía trước
Sau hơn 1 năm lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, tương lai của đất nước này ngày càng trở nên mờ mịt khi nền kinh tế xuất hiện nhiều chỉ số tiêu cực, tình trạng nghèo đói gia tăng. Trong khi đó, nhiều chính sách hà khắc được ban hành ảnh hưởng tới quyền lợi và hạn chế vai trò của nữ giới cả trong lĩnh vực xã hội và chính trị, khiến nguy cơ bất ổn liên tục leo thang.
Chính quyền Taliban đã ra chỉ thị cấm giáo dục đại học đối với nữ giới trên cả nước từ ngày 21-12.
Ngày 21-12, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Afghanistan, đồng thời là Trưởng phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), bà Roza Otunbayeva nhấn mạnh, bất chấp những lập trường khác nhau, chính quyền Taliban và UNAMA cần phải duy trì đối thoại vì lợi ích của người dân quốc gia Tây Nam Á này. Phát ngôn của bà Roza Otunbayeva được đưa ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế - xã hội tại quốc gia này ngày càng có những dấu hiệu đáng quan ngại.
Về chính trị, Taliban đến nay vẫn chưa thiết lập được một cơ cấu quản trị chính thức. Nội các lâm thời được bổ nhiệm từ những ngày đầu gần như không thay đổi, khiến chính quyền Taliban lập ra vẫn chưa ổn định, thống nhất và toàn diện. Bất chấp những cam kết đã đưa ra, các quyết định của Taliban trong năm qua thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế như đã nêu trong Nghị quyết 2593 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm sự ra đi an toàn và không bị cản trở của người Afghanistan và tất cả công dân nước ngoài muốn rời khỏi đất nước; bảo đảm tiếp cận nhân đạo trên toàn lãnh thổ Afghanistan; thành lập một chính phủ chuyển tiếp đại diện cho tất cả người dân Afghanistan và đáp ứng nguyện vọng của người dân...
Về kinh tế, Taliban muốn chấm dứt sự phụ thuộc của Afghanistan vào viện trợ nước ngoài thông qua tăng cường thu thuế. Chính quyền Taliban cũng tìm cách xóa bớt thủ tục giấy tờ trong xuất khẩu trái cây và than tới các nước láng giềng. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan trong năm 2022 là 1,8 tỷ USD, đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA), đến năm 2023, 2/3 dân số Afghanistan, tức khoảng 28,3 triệu người, sẽ cần hỗ trợ nhân đạo. Bà Melinda Good, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Afghanistan nhấn mạnh, chính quyền lâm thời của Taliban cần thực hiện các bước cụ thể để cải thiện an ninh lương thực và sinh kế, duy trì các dịch vụ y tế cơ bản. Ngoài ra, Taliban cũng cần xây dựng chính sách để khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng vai trò tạo việc làm cho nhiều người Afghanistan, đặc biệt là những người trẻ tuổi, người đang thất nghiệp.
Về xã hội, bất chấp những cam kết từ khi tiếp quản Afghanistan, Taliban đã khôi phục các chính sách và quy định hà khắc mà họ đã áp dụng từ những năm 1990, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái. Những chính sách trên khiến vai trò của phụ nữ trong xã hội Afghanistan bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận công việc, giáo dục và quyền tự do đi lại. Nói một cách khác, phụ nữ Afghanistan đã chứng kiến quyền lợi của họ biến mất ngay trước mắt và ước mơ về tương lai của các cô gái trẻ đã bị dập tắt. Gần đây nhất, ngày 21-12, chính quyền Taliban đã ra chỉ thị cấm giáo dục đại học đối với nữ giới trên cả nước.
Nhìn chung, kỳ vọng vào một tương lai phát triển, thịnh vượng của Afghanistan là điều khá xa vời khi không tìm thấy những điểm tích cực trong quá trình tái thiết đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cộng đồng quốc tế không cùng chung tay và làm nhiều hơn nữa để bảo đảm Taliban thực hiện đúng cam kết xây dựng một chính phủ toàn diện và đổi mới cách thức quản trị đất nước, Afghanistan sẽ sớm trở thành một vùng đất bất ổn về an ninh, là địa bàn để các nhóm khủng bố ẩn náu và phát triển.