Thành công lớn nhất trong kiểm soát dịch bệnh ở nhiều trường hợp còn là sự kiểm soát thông tin.
Thành công lớn nhất trong kiểm soát dịch bệnh ở nhiều trường hợp còn là sự kiểm soát thông tin.
Tôi còn nhớ khi Việt Nam phải đương đầu với dịch SARS năm 2003, các kênh truyền thông lúc đó chưa mạnh như bây giờ. Thông tin về dịch bệnh tuy ít nhưng được đưa ra bởi những nguồn chính thống, có kiểm chứng, giúp người dân có cái nhìn chân thực và chính xác về những gì đang diễn ra. Họ không bị sợ hãi và hoảng loạn bởi những thông tin bị làm quá hoặc sai sự thật. Và với sự cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ, đặc biệt là Bệnh viện Việt - Pháp, sau 45 ngày kể từ ca SARS đầu tiên, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.
Đến dịch sởi ở trẻ em năm 2014, tình hình đã khác. Gần như mỗi người dân đều trang bị cho mình điện thoại thông minh kết nối Internet, có thể truy cập thông tin ở bất kỳ nơi đâu và lúc nào. Sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo ra nhiều nguồn thông tin đa chiều chứ không còn duy nhất từ cơ quan chức năng và báo chính thống. Nhưng giữa các tin đúng còn có tin giả. Và với thị hiếu của công chúng, tin nào càng độc, càng sốc và càng tiêu cực lại càng thu hút nhiều lượt like và share trên không gian mạng. Những hướng dẫn chẩn đoán và điều trị từ các "bác sĩ Internet" đưa ra khiến những đứa trẻ đỏ mắt do bụi, sốt, ho hay cảm cúm thông thường cũng được phụ huynh đưa vào bệnh viện gây quá tải và lây nhiễm chéo. Ngành Y với nhân lực và vật lực có hạn khi ấy bị chỉ trích nặng nề.
Vào những ngày này, cảm xúc tương tự đang lặp lại với tôi, tuy với một trạng thái khác hơn. Chủng mới của virus Corona với tên khoa học là 2019-nCoV lây lan và bùng phát khiến Tổ chức Y tế thế giới phải tuyên bố "tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu". Điều đã khác ở đây là Chính phủ và ngành Y tế đã chủ động có những bước đi đón đầu dịch bệnh, kịp thời đưa ra những hướng dẫn về kiểm soát, tiếp nhận, cách ly, theo dõi và chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh. Các chuyên gia y tế liên tục đưa ra khuyến cáo cho dân về cách phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Thông tin về virus Corona đang là dòng chủ lưu truyền thông đáng chú ý nhất trên thế giới và tràn ngập mỗi khi ta mở điện thoại. Nhưng trước mỗi thông tin, chúng ta cần lượng giá kỹ càng độ tin cậy của nó để nhận thức đúng, không chủ quan, "điếc không sợ súng", nhưng cũng không lo sợ thái quá và đặc biệt cần phải sàng lọc thông tin, không tham gia phát tán tin đồn, bóp méo, xuyên tạc sự thật.
Những cá nhân tung tin đồn sai sự thật cũng đã bị xử lý như một cách nhắc nhở cộng đồng hiểu đúng về tình hình thực tế của dịch bệnh, cũng như có trách nhiệm hơn với "dấu chân Internet" của mình. Với ai đó, một thông tin sai có thể chỉ ấn nút "xóa" là xong. Nhưng với ngành Y chúng tôi, một thông tin sai sẽ khiến hàng nghìn người đổ tới bệnh viện, gây tổn thất về nhân lực, vật lực, niềm tin xã hội và tinh thần của những người đang chống dịch. Vì thế, chúng tôi vẫn nói với nhau, kiểm soát được thông tin không chính xác mới là thành công lớn nhất trong kiểm soát dịch bệnh.
Nhưng chúng ta không phủ nhận cảm xúc của cộng đồng. Bởi trước dịch bệnh, tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu. Nó cũng có mặt tích cực như một động lực để mọi người thực hiện các thay đổi thực chất hơn về sức khỏe của chính mình, tuân theo khuyến cáo, chỉ là việc sợ hãi phi lý đến mức cản trở các hoạt động cuộc sống, hay dẫn đến các hành vi phản xã hội như kích động, phân biệt, kỳ thị các nhóm người, gây tổn thương cho cộng đồng. Đó là những hiệu ứng nguy hại cần có chế tài điều chỉnh thống nhất từ trên xuống, cũng như giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức công chúng.
Lịch sử đã có không ít những dịch cúm chết chóc đến rồi đi. Đó là dịch SARS năm 2003 lan ra 29 quốc gia, làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh và gần 800 người tử vong, nhưng chưa đầy một năm sau đã được kiểm soát. Dịch cúm H1N1 năm 2009 khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Đại dịch Ebola là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014 với gần 7.000 trường hợp tử vong. Và một chủng cúm tưởng chừng đơn giản nhưng không đại dịch nào gây tử vong nhiều hơn, đó là virus cúm Influenza (virus cúm mùa) hàng năm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 12.000 người tại Mỹ.
Y học cũng như năng lực phòng chống dịch trên thế giới ngày càng có nhiều tiến bộ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch bùng phát, các nhà khoa học đã phân lập, nuôi cấy được 2019-nCoV, đây là bước quan trọng để triển khai sản xuất vaccine. Mặc dù thời gian tới, dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta đừng quên hàng nghìn nhà khoa học đang miệt mài ngày đêm trong phòng thí nghiệm để tìm cách cứu nhân loại. Ta có đầy đủ cơ sở để hy vọng rằng dịch viêm phổi Vũ Hán rồi sẽ chỉ còn là quá khứ.
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá rất cao việc theo dõi, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Thủ tướng đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, khẳng định "đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết dù phải hy sinh lợi ích kinh tế". Chúng ta đã và đang chủ động thực hiện sớm nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống dịch.
Chỉ còn một điều nan giải tôi suy nghĩ, chúng ta chưa có phương thức chủ động dự phòng hữu hiệu cũng như các công cụ dự báo đại dịch và mức độ nghiêm trọng của nó. Điều này đang đe dọa đẩy con người trở lại thời kỳ mà các bệnh nhiễm khuẩn hoành hành chiếm đa số trong cơ cấu bệnh tật. Để giải quyết thách thức này, không cách nào khác là các quốc gia, gồm cả Việt Nam, phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh.
Y học có thể không bao giờ đạt tới sự vô cùng của bệnh tật, nhưng với tư cách một bác sĩ, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tin vào đường tiệm cận triệt trừ dịch bệnh mà Y học đang không ngừng hướng tới.
Trần Văn Thuấn