Các quan chức Mỹ đã yêu cầu Venezuela cung cấp ít nhất một phần dầu xuất khẩu sang Mỹ, như một phần của bất kỳ thỏa thuận giảm nhẹ lệnh trừng phạt nào.
Theo nguồn tin của Reuters, hôm 5/3, các quan chức Mỹ đã gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas và có cuộc đàm phán song phương đầu tiên sau nhiều năm.
Tại cuộc gặp, các quan chức Mỹ nói rõ ưu tiên của họ là đảm bảo nguồn cung cấp dầu, và ra điều kiện rằng bất kỳ sự nới lỏng nào trong các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela sẽ bao gồm yêu cầu Venezuela vận chuyển dầu trực tiếp sang Mỹ.
Mỹ đang tìm nguồn cung năng lượng từ các quốc gia khác nhằm hạn chế tối tác động từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/3 đã cấm nhập khẩu dầu của Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine, gia tăng áp lực kinh tế đối với một đồng minh quan trọng của Venezuela.
Các nhà ngoại giao Washington trước đó đã và đang tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng trên toàn thế giới, để bù lại việc Nga gián đoạn xuất khẩu dầu và khí đốt do các lệnh trừng phạt hoặc chiến tranh. Venezuela, một thành viên OPEC, trong khi đó đã chịu các lệnh trừng phạt về dầu mỏ của Mỹ kể từ năm 2019.
Trước đây, Mỹ không đưa ra yêu cầu cụ thể về việc Venezuela cần chuyển hàng hóa đến đâu trong trường hợp được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt. Bộ Ngoại giao Mỹ và công ty năng lượng do nhà nước Venezuela điều hành PDVSA chưa có bình luận chính thức.
Theo Reuters, Chevron, nhà sản xuất dầu cuối cùng của Mỹ còn hoạt động ở Venezuela, có thể là bên hưởng lợi đầu tiên nếu Mỹ đạt được thỏa thuận với chính quyền ông Maduro. Chevron đã bị cấm vận chuyển dầu Venezuela trong các liên doanh của mình kể từ năm 2020 vẫn luôn muốn lật ngược lệnh cấm.
Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết, nếu Washington quyết định nới lỏng các lệnh trừng phạt, Chevron có thể phục hồi một phần sản xuất ở Venezuela và tiếp tục xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu khác trên bờ vịnh Mỹ, từ đó tạo ra sản lượng thay thế dầu từ Nga.
Tổng thống Biden liệu có sẵn sàng thỏa hiệp với Venezuela về các lệnh trừng phạt nhằm đạt được một thỏa thuận về xuất khẩu dầu trong tương lai? (Ảnh: AP) |
Tại các cuộc đàm phán gần đây, trong khi ông Maduro yêu cầu dỡ bỏ rộng rãi các lệnh trừng phạt, thì Washington lại kêu gọi Caracas bầu cử tổng thống tự do và việc trả tự do cho những người Mỹ bị bỏ tù ở Venezuela.
Venezuela đã thả hai người Mỹ sau cuộc đối thoại với Washington, bao gồm Gustavo Cárdenas, một quản lý tại chi nhánh công ty dầu của Venezuela tại Mỹ, và Jorge Alberto Fernández, một người Mỹ gốc Cuba bị buộc tội khủng bố vì mang theo máy bay không người lái vào Venezuela hồi tháng 2/2021. Ít nhất 8 công dân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Venezuela vì các cáo buộc khác nhau.
Nhưng chủ đề cấp bách nhất vẫn là năng lượng. Các bên đã thảo luận về việc đưa dầu của Venezuela trở lại các thị trường bị ảnh hưởng khi Nga gián đoạn nguồn cung, cũng như giải pháp để PDVSA có thể tạm thời tiếp cận chuyển khoản ngân hàng quốc tế.
Giá dầu tăng thêm 5% vào hôm 8/3 lên 128 USD/thùng do lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ đối với Nga - vốn ở mức 670.000 thùng/ngày vào năm 2021. Vương quốc Anh thì cho biết họ sẽ loại bỏ dần hàng hóa nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Sản lượng dầu của Venezuela năm ngoái đã phục hồi và đạt mức trung bình 636.000 thùng/ngày.
Theo các chuyên gia, Venezuela về lâu dài có thể giúp lấp đầy phần nào sự thiếu hụt dầu do Nga để lại. Nhưng họ cảnh báo rằng nguồn cung cấp dầu từ Venezuela sẽ không có tác động nhiều tới việc giảm giá khí đốt tại Mỹ cũng như tình trạng lạm phát đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, việc tăng quy mô sản xuất nhiên liệu của Mỹ, nếu muốn, cũng phải mất thời gian sau nhiều năm khi lĩnh vực năng lượng của nước này chưa được đầu tư và quản lý hiệu quả.
Mỹ hứng hậu quả lớn từ lệnh cấm nhập dầu Nga? |
Nga đối phó với lệnh cấm dầu của Mỹ thế nào? |