Tiêu tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản có bị xử phạt không?

Hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác cũng xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị xâm phạm.

Câu hỏi:

Tôi chuyển nhầm vào tài khoản của người lạ số tiền 20 triệu đồng. Tôi đã liên hệ với người đó nhưng họ nói rằng đã tiêu hết và không có ý định trả lại. Xin hỏi hành vi của người đó có bị coi là vi phạm pháp luật không? 

Luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự:

Khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại điều 579, 580 Bộ luật dân sự 2015.

Trường hợp không biết thông tin người chuyển tiền nhầm thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sử dụng số tiền mà người khác chuyển nhầm là hành vi chiếm dụng chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Trong đó, nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính.

Cụ thể, theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.

Tiêu tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản có bị xử phạt không? - 1

(Ảnh minh họa).

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, hành vi tiêu tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội sử dụng trái phép tài sản như sau:

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219, Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù 1 - 5 năm:

a) Tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.

b) Tài sản là bảo vật quốc gia.

c) Phạm tội 2 lần trở lên.

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1,5 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù 3 - 7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 5 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.

Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:

1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ 2 - 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

Như vậy, tùy mức độ vi phạm mà việc sử dụng trái phép tài sản người khác có thể bị xử lý hình sự.

https://vtc.vn/tieu-tien-nguoi-khac-chuyen-nham-vao-tai-khoan-co-bi-xu-phat-khong-ar760904.html

ANH NHẬT / VTC News