Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo còn chung chung, và để được coi là hàng Việt thì ý tưởng, thiết kế phải là của doanh nghiệp Việt.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.
Theo dự thảo do Bộ Công thương, sản phẩm được coi là "made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...
Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo hai tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hoá của Việt Nam.
Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo hai công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công thương đưa ra phụ lục kèm theo cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa với phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ phải đạt mức 30% trở lên. Ngoài ra, các sản phẩm còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản như phân loại, thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn sản phẩm... mới được gọi là hàng Việt.
Trao đổi với Đất Việt, một số ý kiến cho rằng, dự thảo còn quá chung chung và còn nhiều bất cập.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, việc lượng hóa các chi phí đầu vào để xác định tỷ lệ 30% để gắn mác xuất xứ Việt Nam là rất khó. Rồi những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng dưới 30% thì ghi nhãn mác là gì?
Vì thế, ông cho rằng, một sản phẩm được gọi là hàng Việt thì ý tưởng về sản phẩm đó, thiết kế bộ phận chính của sản phẩm ấy phải là của doanh nghiệp Việt Nam.
Dự thảo thông tư về hàng Việt bị cho là còn nhiều điểm mù mờ |
"Đối với sản phẩm nông nghiệp thì dễ, nhưng đối với hàng công nghiệp hiện nay thường hay bị nhầm lẫn. Với mặt hàng này, tất cả ý tưởng thiết kế những bộ phận chính của một sản phẩm phải là của doanh nghiệp Việt.
Ví dụ, một chiếc xe máy phải có động cơ do doanh nghiệp Việt sáng chế, có đăng ký bản quyền, có thương hiệu mới gọi là hàng Việt.
Một chiếc xe máy Honda của Nhật dù có đưa sang Việt Nam hay Thái Lan lắp ráp thì đó vẫn là hàng Nhật. Một chiếc máy tính, điện thoại của Samsung dù lắp ở Bắc Ninh, Thái Nguyên vẫn là hàng Hàn Quốc và đi đâu cũng không ai bảo đó là hàng Việt Nam. Những sản phẩm ấy chỉ nên gắn là sản xuất tại Việt Nam, không phải made in Vietnam", ông Vũ Vinh Phú nhận xét.
Từ quan điểm ở trên, vị chuyên gia cho hay, các cơ quan của Việt Nam thời gian qua đã có sự nhầm lẫn trong thống kê, thường là cao hơn thực tế, do chưa xác định được thế nào là hàng Việt. Ngay thống kê của Bộ Công thương hàng Việt chiếm 90% tại siêu thị trong nước, theo ông, là chưa chính xác bởi siêu thị có nhiều hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam nhưng không thể gọi đó là hàng Việt.
"Cách thống kê như hiện nay chỉ chạy theo thành tích. Còn dự thảo đưa ra tỷ lệ 30% không ai cân đo, đong đếm được, nhưng nếu khẳng định bộ phận chính của một sản phẩm này doanh nghiệp Việt thiết kế, ý tưởng, thương hiệu là của doanh nghiệp Việt, đã được đăng ký sở hữu trí tuệ thì đó là hàng Việt. Xác định như vậy không ai có thể nhận "vơ" hàng Việt được nữa", nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bày tỏ.
Cuối cùng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, dự thảo trên đã được soạn thảo trong một tình thế vội vàng, chưa thấu đáo và cần phải lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện.
Cũng chia sẻ quan điểm về dự thảo quy định hàng "made in Vietnam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương cho rằng, việc ra đời bộ tiêu chuẩn về hàng Việt là cần thiết bởi trong thời đại toàn cầu hóa, ít có sản phẩm nào 100% là của một quốc gia, đặc biệt là những snr phẩm công nghệ cao.
Trong thế giới hội nhập, từng công đoạn, từng chi tiết nước nào làm tốt nhất thì được chọn để đưa vào hoàn chỉnh bộ máy.
Vấn đề ở chỗ, sản phẩm ấy dán nhãn hàng nước nào thì phải xem bộ phận chính, yếu tố quyết định của sản phẩm ấy là do ai làm.
"Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chỉ là lắp ráp ở Việt Nam mà vẫn được tính là hàng Việt. Như các sản phẩm công nghệ của Samsung - thực chất đó là sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt chỉ làm được một vài chi tiết rất nhỏ, thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng mà thôi, mà khâu ấy khó có thể đạt được 30% như dự thảo nói", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Theo vị chuyên gia, muốn làm cho "đầu đũa" thì phải phân loại theo nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, sản phẩm truyền thống, thô sơ... Trong mỗi sản phẩm ấy thì phải quy định những bộ phận chính của sản phẩm là do doanh nghiệp Việt làm mới được coi là hàng Việt.
Gần 500 máy bơm nước Made in China bị "hô biến" thành Made in Vietnam |
Chịu thuế nặng, thép Việt chứng minh made in VN thế nào? |
Made in Vietnam |