Tuần trước, có một cuộc họp đặc biệt về sản phẩm “made in Vietnam”.
made
Không phải là khăn lụa, hàng nông sản hay may mặc, mà là linh vật. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch sơ kết ba năm việc ngăn chặn sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Con sư tử đá là trung tâm của câu chuyện này. Con sư tử Trung Quốc cơ bắp, dữ tợn từ lâu nhe răng sắc phô sức mạnh ở các cổng đình chùa, cơ quan phải cho tới cách đây vài năm mới bị “xét lại”. Và nhờ vào truyền thông, thì nhiều người, trong đó có bản thân tôi, mới tỏ tường hình dạng con sư tử Việt Nam: nó hiền hòa, với hàm răng phẳng nhiều chiếc như đang cười, không tô đậm cơ bắp mà đầy hoa văn trên những đường nét tinh tế. Nó giống con sư tử ta đã đội lên đầu mỗi dịp Trung thu thời bé thơ.
Sau ba năm, chưa có thống kê nào mô tả cụ thể sự bành trướng của sư tử Trung Quốc và cuộc phản kích của sư tử Việt Nam bây giờ ra sao.
Việc người ta lựa chọn một sản phẩm văn hóa ngoại, có thể được cho là ý thích. Nhưng khi mà các sản phẩm này phổ biến tới mức triệt tiêu cả văn hóa bản địa, xông vào di tích - nơi sinh ra là để bảo tồn văn hóa bản địa - khiến cho bản thân những người bản địa quên mất gốc rễ của mình, thì đó là một điều nguy hiểm.
Văn hóa là thứ keo gắn kết quốc gia. Biên giới, chủ quyền, nhà nước trong lịch sử có thể thay đổi hay thậm chí vong tồn, nhưng các dân tộc vẫn gắn kết bằng văn hóa và hình thành ý niệm về quốc gia.
Khi khái niệm “made in Vietnam” hay được bàn đến như là một nỗ lực kinh tế hiện đại, chúng ta cần xem lại rất nhiều thứ “made in Vietnam” cơ bản hơn đang gặp nguy thế nào.
Nhà tôi hay đi lễ đền bà La Khê - như nhiều người dân sống quanh vùng Hà Đông này. Ở quanh đền Bia Bà, là cả một tổ hợp dịch vụ phục vụ cho hoạt động tâm linh. Chính quyền từng phải dẹp nạn bói toán quanh đền. Thấy bảo rằng, dân cờ bạc hay đến nơi này xin lộc phù vân.
Nhưng di sản thực sự của đức thánh bà thì đã không còn. Quanh khu đền, đáng ra là nơi người dân làm nghề dệt từ 600 năm qua, giờ chỉ còn bãi giữ xe và quán hàng. Mấy năm trước, người dân cố gắng khôi phục nghề dệt ở nơi này, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, không có đầu ra, các xưởng dệt lại hoang phế.
Khi scandal “khăn lụa made in Vietnam” nổ ra, ta nhận ra rằng ít người biết đến hình dạng và tình trạng thực sự của lụa truyền thống Việt Nam - bây giờ nó đang ra sao? Bao nhiêu người đã mua khăn lụa gắn mác “made in Vietnam” trong một niềm tin đơn sơ là nghề dệt của chúng ta vẫn hưng thịnh?
Từ nghề dệt đến con sư tử hiền lành, có nhiều thứ đang âm thầm phai nhạt mà ta không nhận ra. Năm ngoái, tôi tặng cho đồng nghiệp 6 nước mỗi người một bức tranh Đông Hồ. Có bác người Mỹ rú lên sung sướng khi nhìn thấy người vợ trong bức “Đánh ghen” đang cầm cái kéo, chuẩn bị xử lý ông chồng. Một biểu hiện văn hóa vừa hài hước vừa cực đoan, rất Việt Nam. So với tặng phẩm các nước bạn đem đến buổi hôm ấy thì vô cùng đặc sắc. Nhưng sau chút tự hào, phải thú thực là trong lòng tôi không thoải mái: mấy cái tranh Đông Hồ ấy là tôi mua bừa ngoài chợ để đem sang Mỹ, chẳng biết nguồn gốc ra sao, sản xuất thế nào.
Giấy dó, tôi biết, là đã rất hiếm, thậm chí chỉ không lâu nữa có khả năng thất truyền vì không có người làm. Nghề làm giấy dó mất, thì tranh Đông Hồ cũng không còn là tranh Đông Hồ. Người ta có thể thuê in công nghiệp ở bất kỳ đâu, rồi “gắn mác” như đã làm với khăn lụa.
Sau chuyện khăn lụa và sư tử, bỗng nhiên xuất hiện một thực tế giật mình là chúng ta đang mất dấu với rất nhiều giá trị “made in Vietnam”.
Đi ra thế giới, chúng ta giới thiệu rất nhiều thứ được cho là “bản sắc”. Các gian hàng hội chợ hay có hình ảnh nón lá, nhưng hỏi nghề làm nón bây giờ đang sinh tồn ra sao quả thật gây bí. Nhiều làng làm nón - đơn cử như làng Chuông - đang đứng trước nguy cơ thất truyền, vì không có thị trường nội địa. Nhiều di sản văn hóa đang chỉ là một “thói quen” chứ không còn đủ cơ sở để coi là “bản sắc” nữa.
Việc giữ những thứ này, trước khi bàn đến chính sách, trước khi bàn đến việc phát triển thị trường hay bảo tồn như di sản, đầu tiên là chúng ta phải mang ý thức về chúng. Tôi phải thú thực là mãi đến gần đây mình mới biết con sư tử Việt Nam có hàm răng ra sao và giấy dó khác giấy Bãi Bằng cụ thể ở điểm nào.
Trong chương trình giáo dục hiện nay có rất ít không gian cho việc hình thành các ý thức này. Trẻ con dù học giỏi cũng không chắc hiểu về một số giá trị văn hóa cốt lõi của nước Việt; và nếu sau này có ra quốc tế, chắc cũng như tôi: mua bừa một cái tranh xanh đỏ ở ngoài phố tặng các bạn và bảo rằng đây là “made in Vietnam”, chứ nó có in trên giấy dó, giấy dướng hay giấy Bãi Bằng thì cũng không quan trọng.
Nếu như chúng ta thống nhất rằng trong dòng chảy thị trường, cái gì không thể tồn tại thì nên để nó mất đi, thì chắc chắn là nhiều sản vật “made in Vietnam” sẽ mất cùng với sự phát triển: chúng không thể cạnh tranh với hàng ngoại về sức mạnh thị trường, khả năng làm marketing, về giá cả, từ miếng lụa dệt đến tờ giấy thủ công. Ngay cả dưa cải muối chua bây giờ cũng đang thua trắng kimchi xứ Triều Tiên tại các đô thị lớn. Đến văn hóa, các bạn cũng làm thị trường tốt hơn.
Cứ đà này, việc một tay gian thương gắn mác “made in Vietnam” lên hàng hóa ngoại, có khi lại đáng khen: anh ta giúp xã hội tưởng tượng rằng mình vẫn đang sống trong một không gian tinh thần bền vững, dù thật ra nó đang lung lay.
Tràn lan hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Hàng hiệu cũng bị giả xuất xứ
Nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới được gắn mác xuất xứ “made in Vietnam” nhưng thực tế nhập từ Trung Quốc. |
Vụ Khaisilk: Coi chừng bị phía Trung Quốc kiện
Việc sản phẩm tơ lụa thương hiệu Khaisilk bị người tiêu dùng (NTD) phát hiện cắt dán xuất xứ giả "Made in Vietnam" (sản xuất ... |