Theo DW, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin (Đức).
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Rutte tới Đức kể từ khi trở thành người đứng đầu liên minh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.
Mối quan ngại đặc biệt về an ninh đối với các nước NATO hiện nay là việc quân lính Triều Tiên đến hỗ trợ Nga chiến đấu ở Ukraine, đánh dấu sự leo thang mới của cuộc xung đột.
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp, ông Rutte cho biết, chi tiêu quốc phòng của Đức vẫn còn quá thấp, mặc dù đã có sự gia tăng gần đây. Berlin hiện đang đầu tư 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào quốc phòng lần đầu tiên sau ba thập kỷ, nhưng tất cả các đồng minh cần đầu tư nhiều hơn, ông nêu rõ.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Rutte bày tỏ sự tin tưởng rằng Đức sẽ tiếp tục theo hướng này, đồng thời đặc biệt cảm ơn Thủ tướng Scholz về việc tăng ngân sách trong những năm gần đây.
"Là một cựu thủ tướng, tôi biết rằng không phải lúc nào chính phủ cũng dễ dàng phân bổ ngân sách cho quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, nhưng cả hai đều rất quan trọng đối với an ninh chung của chúng ta", ông Rutte cho biết.
Thủ tướng Scholz hứa sẽ tiếp tục con đường này trong những năm tới, nhấn mạnh rằng chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua. Ông tin rằng trụ cột châu Âu của NATO phải được tăng cường hơn nữa. "Châu Âu sẽ đầu tư đáng kể vào vấn đề này trong những năm tới. Mục đích là để có thể chống lại mọi mối đe dọa đối với an ninh ở Châu Âu", Thủ tướng Scholz nói.
Cả hai nhà lãnh đạo đều hạ thấp kỳ vọng rằng Ukraine có thể được mời gia nhập NATO. Thủ tướng Scholz cho biết, các quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius năm 2023 và tại Washington năm 2024 đã được đưa ra liên quan đến Ukraine và không cần phải đưa ra bất kỳ quyết định mới nào về vấn đề này vì tình hình không thay đổi. "Điều quan trọng hiện nay là Ukraine không cạn kiệt vũ khí", ông nói thêm.
Ông Rutte cũng tiết lộ tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, Washington đã cam kết Ukraine sẽ đi theo con đường không thể đảo ngược hướng tới tư cách thành viên NATO. "Tôi hoàn toàn tin rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ là thành viên của NATO", ông nói.
* Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã đến thăm Kiev.
"Đức, cùng với nhiều đối tác trên khắp thế giới, luôn sát cánh cùng Ukraine", "Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Ukraine chừng nào họ còn cần chúng tôi, để họ có thể theo đuổi con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng", Ngoại trưởng Baerbock nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức tuyên bố sẽ cấp thêm 200 triệu euro (khoảng 218 triệu USD) cho Ukraine trong mùa Đông thứ ba của cuộc chiến. Số tiền này sẽ được hỗ trợ cho những ngôi nhà gần tiền tuyến không có nguồn cung cấp năng lượng cũng có thể nhận được nhiên liệu và "người dân Ukraine có thể được cung cấp những nhu yếu phẩm như chăn hoặc áo khoác để bảo vệ họ khỏi nhiệt độ đóng băng", bà phát biểu tại cuộc họp với người đồng cấp Ukraine, Andrii Sybiha, tại Kiev ngày 4-11.
Đây là chuyến đi thứ tám của bà Baerbock tới Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022.
Cũng liên quan đến Ukraine, ngày 4-11, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết: Kiev không đàm phán trực tiếp với Nga về lệnh ngừng bắn năng lượng nhưng sẵn sàng cho một nước thứ ba làm trung gian thực hiện các cuộc đàm phán về công thức hòa bình. Theo Kiyv Independent, ông Yermak đưa ra tuyên bố này để đáp lại nhiều ấn phẩm truyền thông đưa tin Kiev và Mátxcơva đang thảo luận sơ bộ về việc cùng nhau ngừng tấn công vào các cơ sở năng lượng.