Chúng tôi gặp một ca mổ não có biến chứng, chi phí khoảng một triệu USD. Đó là bệnh nhân vô gia cư, chính phủ Mỹ trả chi phí cho bệnh viện.
Chúng tôi gặp một ca mổ não có biến chứng, chi phí khoảng một triệu USD. Đó là bệnh nhân vô gia cư, chính phủ Mỹ trả chi phí cho bệnh viện.
Sự việc xảy ra trong chuyến thăm của tôi đến Đại học Michigan, Mỹ khoảng 10 năm trước. Giáo sư La Marca dẫn tôi đi thăm bệnh viện. Phản xạ đầu tiên trong tôi khi đó, là nghĩ ngay đến con số viện phí quá lớn kia; và thứ hai là cả đống giấy tờ sẽ phải làm, "bao nhiêu là tường trình cho số tiền khổng lồ ấy?".
Mãi đến tối, trong không khí một quán bar êm dịu tại Ann Abor, tôi mới hỏi La Marca về những thủ tục mà các bác sĩ chỗ ông phải làm cho ca bệnh. "Các bác sĩ không phải làm gì cả. Bộ phận thư ký sẽ lo việc đấy", tôi hết sức ngạc nhiên khi ông nói.
Và theo ông biết cũng không quá phức tạp. Đặc biệt, ông cũng ngạc nhiên không kém, khi tôi, một bác sĩ, lại hỏi điều đó. Theo vị giáo sư Mỹ, một bác sĩ với lương vài trăm USD một giờ không nên làm ba cái việc giấy tờ. Và ngay cả cô thư ký với mức lương 20 USD mỗi giờ thì cũng cần phải giản tiện bớt thủ tục, để bệnh viện không phải tốn quá nhiều tiền trả lương.
Và tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho băn khoăn thứ hai. Ở bất kỳ đất nước nào, nhất là các nước đi trước Việt Nam, nhà nước luôn phải tìm cách bảo đảm cho người nghèo được khám chữa bệnh. Tỷ lệ ngân sách chi cho sức khỏe rất lớn, GDP của họ cũng lớn hơn ta nhiều, nên ngân sách chi cho y tế lớn hơn rất nhiều. Họ vẫn luôn tìm cách để gia tăng phần ngân sách cho người nghèo.
Còn ở ta, cứ lâu lâu một lần, khi Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế, báo chí, mạng xã hội lại ồn ào. Nào là chất lượng không tăng mà giá tăng, nào là tăng giá như vậy thì chết người nghèo. Dân mạng lại được dịp chửi bới bác sĩ vô cảm, không tiền không chữa, lương tâm không bằng lương tháng. Các bác sĩ lại thi nhau viết, thi nhau cãi. Nào là giá rẻ mạt, lương chết đói, nào là quá tải. Lại một đám khác phản bác lại, rằng đã theo nghề thì phải chịu, còn muốn có tiền thì đi làm nghề khác... Cái "chợ" Internet tràn ngập tiếng than van, ai oán, ầm ĩ chuyện cãi cọ, nhiều khi là chửi tục.
Ai cũng cho là mình đúng. Ai cũng nhìn thấy vấn đề từ người khác, còn về phần mình, chỉ là bị động, bị dồn ép vào thế phải như vậy. Cả xã hội cứ nháo nhào lên. Người trả tiền thì than vãn, "mắc quá lấy gì trả, chắc chịu chết". Người được nhận tiền cũng không vui vẻ gì, "lương bèo quá sao sống?"...
Từ những ngày trong chiến khu thời kháng Pháp, nhân sự y tế cực kì hiếm hoi. Nhà nước đã đưa ra những quyết định khẩn cấp, như sinh viên Y khoa sẽ phải về các địa phương trực tiếp khám chữa bệnh rồi mới quay lại học tiếp. Sau khi ra trường, không học chuyên khoa mà đi khám chữa bệnh, một thời gian sau mới quay về học chuyên khoa.
Hòa bình, rồi lại chiến tranh. Và khi nước nhà thống nhất, không ai dám sửa lại những biến dạng trong công tác đào tạo Y khoa, cũng như tư duy quản lý y tế hoàn toàn chắp vá và ngược ngạo để phù hợp với thời chiến.
Để định giá các dịch vụ y tế, trước tiên, ngành Y phải đưa ra được một chuẩn mực về dịch vụ y tế tối thiểu. Song song đó, các nhà quản lý xã hội cũng phải đưa ra được một mức sống tối thiểu, từ đó suy ra, mức sống tối thiểu của nhân viên y tế. Giá dịch vụ y tế phải bảo đảm đủ để chi trả cho các yếu tố cấu thành giá, trong đó có cả chi phí cho lương của nhân viên y tế. Khi đã có mức giá tối thiểu về y tế, người ta mới định mức ngân sách chi cho y tế, định mức phải thu cho Bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, chúng ta đang làm ngược lại. Chúng ta xem ngân sách có bao nhiêu, và có thể chi cho y tế bao nhiêu. Từ số tiền đó, người ta mới tính đầu tư cái gì cho y tế.
Tương tự vậy, người ta định ra một tỷ lệ phần trăm lương của người lao động, và quyết định thu Bảo hiểm y tế theo tỷ lệ đó. Không ai có thể trả lời chính xác cơ sở khoa học cho việc chi 4,5% (hoặc 2%) lương cho Bảo hiểm y tế. Tỷ lệ đó được xây dựng hoàn toàn cảm tính. Tôi biết sẽ có người phản biện, rằng con số 4,5% hay 2% kia không phải cảm tính, vì lương là bây nhiêu, các nhu cầu khác là bây nhiêu, nên chỉ còn lại bây nhiêu cho y tế. Thế thì còn tệ hơn, sức khỏe đã bị xếp xuống dưới. Thì ra, có nhiều thứ khác được ưu tiên hơn so với sức khỏe.
Nếu nói sức khỏe là thứ quí giá nhất, thì chi phí cho sức khỏe phải là lớn nhất, phải được quan tâm hàng đầu. Và như vậy, tỷ trọng chi dành cho sức khỏe phải là đầu tiên, còn lại bao nhiêu mới chia cho các nhu cầu khác. Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ thu nhập dành cho sức khỏe nhiều hơn cái 4,5% kia khá nhiều. Ở Việt Nam, mức thu nhập thấp hơn, lẽ ra, tỷ lệ thu nhập dành cho y tế phải lớn hơn mới là hợp lý.
Do sức khỏe không được coi là quí giá như người ta vẫn thường nói, nên mới có chuyện Bảo hiểm y tế quyết định cả việc bác sĩ phải khám bệnh ra sao, chỉ được làm cái gì, phải cho thuốc như thế nào, và quyết định luôn thuốc gì được xài, thuốc gì không. Vì chỉ có bấy nhiêu tiền mà thôi.
Trong khi ấy, nhiều cơ sở y tế công lập lại dùng một phần ngân sách để cùng với một số tư nhân kinh doanh y tế - dưới hình thức gọi là xã hội hoá - để thu lợi nhuận. Tức là, phần ngân sách lẽ ra phải tập trung cho người nghèo, lại được đầu tư cho người giàu, người có khả năng chi trả tiền giường một đêm bằng cả tháng lương của người nghèo.
Chỉ khi nào chúng ta đánh giá đúng sự quan trọng của sức khỏe, chỉ khi nào chúng ta có một chính sách đúng đắn và khoa học về y tế; và chỉ khi nào, chúng ta biết dành phần ngân sách hợp lý cho người nghèo, thì sẽ không còn phải đối phó với dư luận khi tăng giá dịch vụ y tế như bây giờ.
Và tôi muốn nhắc lại rằng, nhân viên y tế học làm nghề để kiếm sống. Họ không học nghề để làm từ thiện. Trách nhiệm của nhà nước là phải làm sao cho nhân viên y tế được chăm lo tốt về đời sống, và có một môi trường làm việc đủ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ.
Ở chỗ mình, tôi luôn cố gắng không để cho các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên, dược sĩ phải xử lý chuyện tiền bạc với người bệnh. Tất cả mọi chuyện liên quan đến tiền đều minh bạch. Ai cũng có thể biết, để làm những thứ như vậy thì giá là bao nhiêu, từ một viên thuốc nhỏ, cho đến một ca mổ lớn. Nhưng khi cầm đến tiền, thì bộ phận kế toán, thu ngân sẽ làm việc.
Không biết có ai cho rằng, tôi không tin các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên hay không. Nhưng thực lòng thì tôi coi đó là sự trân trọng đối với họ, để họ không vì tiền bạc mà phân tán sự tận tâm của mình. Không biết tôi có cổ hủ quá không?
Võ Xuân Sơn