Tôi lớn lên với nguồn cấp nước giếng khoan từ một nhà máy đóng trên địa bàn. Chẳng ai dám chắc nước đó sạch đến đâu, nhưng cũng chẳng còn cách nào.
Tôi lớn lên với nguồn cấp nước giếng khoan từ một nhà máy đóng trên địa bàn. Chẳng ai dám chắc nước đó sạch đến đâu, nhưng cũng chẳng còn cách nào.
Thời ấy, nguồn nước giếng này là lựa chọn duy nhất của những người dân sống ở khu Tây Mỗ lúc ấy. Mãi về sau, tôi học đại học, rồi đi làm, hệ thống nước sạch thành phố Hà Nội mới được lắp đặt đến cửa nhà. Toàn dân hân hoan dùng nước sông Đà như một chỉ dấu cho lối sống văn minh đô thị.
Họ đóng góp tiền cho công ty cấp nước lắp đường ống vào từng ngõ, hân hoan đóng tiền nước mỗi tháng như được lên đời. Hầu hết các gia đình phá bỏ đường ống dẫn nước cũ không mảy may nuối tiếc. Nhưng nghĩ thế nào, bố tôi lại bảo, đừng phá, cứ để đó, dù gì thì "hai vẫn tốt hơn một". Và rồi, chúng tôi cũng vội vã quên nó đi. Ai mà vui thích khi nghĩ về thời khó nhọc.
Sự cẩn thận của bố tôi rốt cuộc được đền đáp: khi nước máy sông Đà nhiễm bẩn vài tháng trước. Bố mẹ tôi nhanh chóng chuyển sang dùng nước từ đường ống cũ khi nước sông Đà có mùi lạ cả tuần lễ trước khi có khuyến cáo từ chính quyền. Hàng trăm nghìn hộ dân Thủ đô khác thì không may mắn có một đường ống "sơ cua" như vậy.
Thử tưởng tượng, nếu mọi hộ gia đình trong thành phố mất điện, có ngay một nhà cung cấp điện khác cầm tờ rơi đứng sẵn mời chào trước cổng. Hay khi nguồn nước có vấn đề, bạn có thể bấm điện thoại gọi ngay doanh nghiệp thứ hai đến thế chỗ nhà cung cấp cũ như dịch vụ Internet hay truyền hình cáp. Cuộc sống hẳn nhẹ nhàng hơn biết bao.
Cung cấp nước sạch mang tính độc quyền tự nhiên, ở đó khách hàng thường có rất ít lựa chọn do rào cản gia nhập thị trường của một hãng mới là rất lớn. Khi có sự cố, người ta không thể xây ngay một đường ống dẫn nước mới cho cả một thành phố như bạn đổi nơi mua thịt. Giống điện, nước là một sản phẩm đặc thù, vừa mang tính công ích, lại vừa mang tính tiêu dùng cá nhân. Sử dụng nước sạch là quyền cơ bản được Liên hiệp quốc công nhận. Nước còn liên quan mật thiết đến an ninh: không phải ngẫu nhiên mà bảo vệ nguồn nước luôn là ưu tiên số một khi xảy ra chiến tranh. Nói vậy để thấy sẽ khó mà biến nước sạch thành một sản phẩm thị trường hoàn hảo, theo nghĩa được điều chỉnh hoàn toàn bởi quy luật cung - cầu và giá cả. Nhà nước luôn có vai trò quan trọng trong việc quản lý và giám sát thị trường này.
Bởi thế, tôi hết sức ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết công ty quốc doanh cung cấp nước sạch tại các tỉnh, thành của Việt Nam đã được thoái vốn. Trong tổng số 111 doanh nghiệp trong ngành, chỉ còn 10 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Có gì đó không phải khi một tổng công ty thuốc lá vẫn là doanh nghiệp nhà nước, trong khi các nhà máy cấp nước lại thuộc quyền kiểm soát của tư nhân. Thực tế này có thể là chỉ dấu của sự ưu tiên, hoặc là do sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường nước sạch - nơi ai cũng phải mua, và sức cầu chỉ tăng mà không có giảm.
Tôi ủng hộ xã hội hóa dịch vụ công. Vai trò của tư nhân là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong bối cảnh nhà nước thiếu nguồn lực đảm đương hết các nghĩa vụ cung ứng phúc lợi. Nhưng xã hội hóa một mặt hàng như nước sạch không thể đồng nghĩa với việc bỏ mặc cho thị trường quyết định, mà quên đi tính chất đặc thù của nó. Với danh nghĩa người tiêu dùng, tôi sẽ yên tâm nếu hệ thống cấp nước cho gia đình tôi được đảm nhiệm bởi một doanh nghiệp uy tín. Mặt khác, đương nhiên tôi sẽ lo lắng nếu bên cấp nước chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực này, hay không có đủ phương án tài chính bền vững để thực hiện dự án. Với một chai nước khoáng, tôi có thể dễ dàng chuyển sang mua sản phẩm khác khi nghi ngờ về chất lượng. Nhưng nếu đó là hệ thống nước sạch, tôi không có quyền lựa chọn nhà cung cấp ngay từ đầu. Chính quyền đã làm hộ tôi việc đó.
Như thế, câu chuyện quản lý chất lượng nước luôn gắn liền với vai trò của chính quyền. Chỉ nhà nước mới có thể cho phép một công ty kinh doanh nước sạch, và cũng chỉ nhà nước đủ khả năng giám sát hoạt động của những nhà máy nước. Người dân chấp nhận từ bỏ quyền lựa chọn bởi niềm tin cơ quan chức năng sẽ đảm bảo quyền lợi của mình. Niềm tin với nhà nước là thứ tài sản đảm bảo cho dịch vụ công ích.
Do đó, khi trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân, chính quyền sẽ gặp rủi ro về uy tín. Đó không chỉ là câu chuyện của nước sạch sông Đà. Những vụ phản đối trạm thu phí BOT trên khắp cả nước hay tranh cãi xung quanh việc tăng giá điện là những ví dụ điển hình khác. Để tránh rủi ro này, điều quan trọng nhất là phải minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ công.
Thứ khiến người dân bất bình trong sự cố sông Đà không chỉ là mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm, mà còn là việc thiếu thông tin và các kênh trao đổi nhất quán, rõ ràng từ các bên liên đới. Việc giám sát chất lượng nước không thể chỉ phụ thuộc vào công ty cấp nước theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi, mà cần có sự tham gia của các bên kiểm định độc lập. Nếu thông tin về chất lượng nước được công bố thường xuyên, người dân sẽ an tâm hơn nhiều với nước sinh hoạt hàng ngày.
Thêm vào đó, nhà nước cần hạn chế nguy cơ độc quyền khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công. Xã hội hóa là nhằm mở rộng quyền lựa chọn cho người dân, chứ không phải chuyển trạng thái độc quyền từ nhà nước sang tay tư nhân. Đó là suy nghĩ rộng cần rút ra từ sau những sự cố về nước, để ta có thể quyết định nhiều lĩnh vực khác trong tương lai.
Khách hàng sẽ luôn là bên chịu thiệt ở thị trường chỉ có một nhà cung cấp, hạn chế về thông tin, và thiếu vắng những cơ chế giám sát cần thiết. Một ngành kinh doanh "siêu lãi" như nước sạch sẽ không thiếu những nhà đầu tư quan tâm nếu cơ chế cho phép. Số lượng nhà cung cấp dịch vụ tăng lên sẽ tạo áp lực giảm giá và tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu rủi ro an ninh nguồn nước. Người dân sẽ không phải xếp hàng ban đêm chờ xe bồn để lấy nước như sự cố vừa qua.
Nhà tôi quay lại sử dụng nước sông Đà sau khi thành phố Hà Nội thông báo nước sạch đã "sạch" trở lại. Lựa chọn của bố tôi và cái đường ống sơ cua thật ra là một ảo ảnh: dòng nước từ giếng khoan chúng tôi dùng tạm có hàm lượng thạch tín cao hơn mức cho phép. Thật ra cũng chẳng có lựa chọn nào.
Nhiều người tin rằng thời đại này chỉ cần có tiền, thứ gì cũng mua được. Nhưng họ đã nhầm. Ngay cả một quyền cơ bản là dùng nước sạch, nhiều người bỗng cầm một nắm tiền và phát hiện ra rằng nó vô nghĩa.
Nguyễn Khắc Giang