Tiêm kích tàng hình Trung Quốc tập không chiến

Các phi công tiêm kích J-20 không quân Trung Quốc tập cơ động theo đội hình và thả mồi bẫy, chiến thuật được sử dụng trong các cuộc không chiến.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 28/10 phát phóng sự cho thấy 7 tiêm kích tàng hình J-20 bay theo đội hình trong buổi huấn luyện tại một căn cứ của không quân nước này. Thời gian và địa điểm chi tiết của cuộc huấn luyện không được công bố.

Trong video, hai tiêm kích J-20 phóng hàng chục mồi bẫy khi bay cùng nhau. Mồi bẫy thường được sử dụng trong các trận không chiến, bởi chúng khi cháy phát ra nhiệt độ cao nhằm thu hút tên lửa tầm nhiệt đối phương.

Thiết kế của J-20 giúp giảm khả năng bị đối phương phát hiện bằng mắt thường, đồng thời lớp phủ hấp thụ sóng radar của tiêm kích khiến radar đối phương khó bám bắt và tấn công bằng tên lửa dẫn đường.

Tuy nhiên, khi đối đầu với máy bay đối phương với khoảng cách gần hoặc máy bay địch sử dụng tên lửa tầm nhiệt chuyên nhắm vào động cơ tiêm kích, phi công cần sử dụng mồi bẫy để đối phó, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho biết.

"Khoa mục huấn luyện sử dụng mồi bẫy cần cho các tình huống thực chiến", chuyên gia Tống nói. "Đó là chiến thuật rất hữu ích cho một trận không chiến cự ly gần giữa các tiêm kích hoặc khi chúng bị một tên lửa đất đối không nhắm mục tiêu".

J-20 được cho là mẫu tiêm kích thế hệ 5 duy nhất có mặt trong biên chế quân đội Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc đưa tin về các cuộc diễn tập liên quan đến J-20 với tần suất cao hơn trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại eo biển Đài Loan và biên giới với Ấn Độ, đồng thời trùng với thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi binh sĩ "sẵn sàng chiến đấu".

Không quân Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động gần đảo Đài Loan. Một tiêm kích J-20 hồi tháng 9 bay ở độ cao thấp trên thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, ở vị trí có thể di chuyển tới đảo Đài Loan trong 20 phút. Chuyến bay được cho là lời cảnh báo của Bắc Kinh gửi tới Đài Bắc. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần.

Nếu nổ ra xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan, tiêm kích J-20 thuộc không quân Trung Quốc sẽ đối đầu với F-16 của lực lượng phòng vệ của hòn đảo. Đài Loan đã đặt 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD từ Mỹ, dự kiến mở rộng phi đội lên 200 chiếc vào năm 2026.

Hai tiêm kích J-20 hồi tháng 8 đỗ tại căn cứ không quân Hotan tại khu tự trị Tân Cương, gần khu vực biên giới đang diễn ra tranh chấp với Ấn Độ. Không quân Ấn Độ triển khai 5 tiêm kích Dassault Rafale mới nhận từ Pháp tới khu vực Ladakh gần đó.

J-20 được quân đội Trung Quốc biên chế năm 2017, song mẫu tiêm kích này chưa được trang bị động cơ phù hợp, khiến tính năng tàng hình bị giảm đáng kể. Không quân Trung Quốc không tiết lộ số J-20 họ đang vận hành, một số chuyên gia ước tính quân chủng này có thể sở hữu ít nhất 50 chiếc.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Nga thử nghiệm tiêm kích tàng hình không người lái Nga thử nghiệm tiêm kích tàng hình không người lái

Tập đoàn Sukhoi vận hành thử chế độ không người lái của T-50, bản thử nghiệm của tiêm kích tàng hình Su-57, trong các chuyến ...

Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc bị tố sao chép F-35 Mỹ Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc bị tố sao chép F-35 Mỹ

“Những bức ảnh cận cảnh chi tiết phần thân của J-20 tiết lộ, hệ thống cảm biến quang điện tử của máy bay cực kỳ ...

/ vnexpress.net