Các nghị sĩ nổi tiếng của Mỹ đã cảnh báo Liên bang Micronesia - một đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương rằng việc Trung Quốc cố thắng thầu dự án cáp dưới biển có thể gây ra nguy cơ về an ninh trong khu vực.
Vùng trời phía trên sân bay quốc tế Pohnpei ở Kolonia, Liên bang Micronesia |
Trung Quốc có thể thực hiện “các chiến dịch gián điệp và cưỡng bức địa chính trị”
Trong bức thư đề ngày 18-9 mà hãng tin Reuters vừa có được, các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz và Marco Rubio chia sẻ với Liên bang Micronesia rằng, Trung Quốc có thể tận dụng dự án để thực hiện “các chiến dịch gián điệp và cưỡng bức địa chính trị”. Bắc Kinh gần đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tượng trưng đối với cả 2 Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio.
Tuần trước, hãng Reuters đưa tin, Huawei Marine - gần đây thoái vốn khỏi Huawei Technologies Co Ltd, đã nộp hồ sơ dự thầu với giá thấp hơn 20% so với 2 đối thủ cho dự án trị giá 72,6 triệu USD do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Washington đã cảnh báo các Chính phủ trên toàn thế giới về việc tránh để Huawei Technologies Co Ltd cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng, cáo buộc rằng công ty này sẽ giao dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc dù phía công ty luôn phủ nhận.
Dự án cáp được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc đến các quốc đảo xa xôi của Liên bang Micronesia, Nauru và Kiribati ở Thái Bình Dương. Theo nguồn tin biết về chi tiết dự án, giai đoạn đánh giá thầu đang bị bế tắc vì có mâu thuẫn trong việc lựa chọn người thắng thầu. Huawei Marine và chủ sở hữu mới của nó, Hengtong Optic-Electric Co Ltd, đăng ký tại Thượng Hải đã không trả lời các câu hỏi của Reuters. Liên quan đến việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói rằng, Mỹ đang bôi nhọ các công ty Trung Quốc.
Cảnh báo của 2 nghị sĩ Mỹ dựa trên các thông báo trước đó được các đại sứ quán Mỹ gửi đến các quốc gia Thái Bình Dương liên quan đến việc Huawei Marine dự thầu. Lá thư của ông Cruz và Rubio nói rằng, việc trao hợp đồng cho Huawei Marine sẽ “khiến cho quan hệ giữa các quốc gia của chúng ta trở nên rất phức tạp và cản trở khả năng tương tác của các nhà ngoại giao và nhân sự Mỹ với Chính phủ của các ông”.
Quá trình đấu thầu là “nỗ lực phức tạp” liên quan đến sự hợp tác của 3 quốc gia
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một thông báo với Reuters cho biết, Huawei và các công ty con hiện tại và trước đây, bao gồm Huawei Marine, gây ra “rủi ro kinh tế và an ninh quốc gia”. Theo Hiệp định Hiệp hội Tự do, một thỏa thuận đã có hàng thập kỷ giữa Mỹ và các lãnh thổ ở Thái Bình Dương, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ Liên bang Micronesia. Về dự án nhạy cảm này, Micronesia cho biết, quá trình đấu thầu là “nỗ lực phức tạp” liên quan đến sự hợp tác của 3 quốc gia Thái Bình Dương với 2 cơ quan phát triển quốc tế.
Hai nguồn tin cho biết, Chính phủ Nauru là bên đầu tiên nêu quan ngại về giá thầu của Huawei Marine. Chính phủ Nauru khẳng định, quá trình đấu thầu được bảo mật tốt. Người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới cho biết, cuộc đấu thầu cho “dự án phức tạp, nhiều quốc gia” đang diễn ra và không thể đưa ra bình luận cụ thể về quá trình này.
Dự án cáp biển này - cung cấp dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh, đặc biệt nhạy cảm vì nó được thiết kế để kết nối với cáp dưới biển HANTRU-1, được Chính phủ Mỹ sử dụng chủ yếu và gần đảo Guam, một lãnh thổ của Mỹ với các cơ sở quân sự đáng kể. Nhà thầu đối thủ Alcatel Submarine Networks, thuộc Nokia của Phần Lan, trong một tuyên bố cho biết họ sẵn sàng bắt đầu dự án nếu được chọn. Nhà thầu thứ ba, NEC của Nhật Bản, đã không cung cấp thông tin về đề xuất của mình.
Theo Reuters
Mỹ sẽ đối phó Trung Quốc "quyết liệt hơn" ở Thái Bình Dương
Hải quân Mỹ sẽ phản ứng "quyết liệt hơn" các hành vi vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc, tại khu ... |