Yang Dong ở tỉnh Giang Tô, bị bắt với cáo buộc làm giả thuốc điều trị ung thư và mạo danh là sản xuất tại Bangladesh.
Nhà chức trách phát hiện Yang tự làm thuốc giả trong phòng tắm. "Xưởng làm thuốc" có một máy dập viên, một máy đóng nang, một máy đóng vỉ, hộp đựng thuốc và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ngày 18/8.
"Luật pháp Trung Quốc không cho phép tư nhân sản xuất thuốc", đại diện cơ quan điều tra cho hay.
Hiện chưa rõ tên thuốc do Yang sản xuất và giá bán, chỉ biết rẻ hơn thuốc thật. Một hộp thuốc ung thư thật giá 2.000 tệ. Yang giả mạo nguồn gốc thuốc rằng "được sản xuất tại Bangladesh". Do chỉ hết học tiểu học, Yang không thể tự mình đọc hướng dẫn sử dụng.
Trong quá trình điều tra Yang, cảnh sát phát hiện một xưởng chuyên sản xuất thuốc điều trị ung thư giả khác, quy mô lớn hơn, do Lao Lin quản lý. Lao liên kết được một mạng lưới kinh doanh nội địa, chuyên bán thuốc giả sang Ấn Độ, sau đó nhập lại Trung Quốc.
"Phần lớn số thuốc giả được bán từ Trung Quốc sang Ấn Độ, rồi lại được đưa từ Ấn Độ về Trung Quốc," đại diện cảnh sát cho biết.
Một chuyên gia tại Bệnh viện Tú Thiên chia sẻ, thuốc điều trị ung thư giả có thể gây những tác dụng phụ không thể kiểm soát, gây hại cho bệnh nhân.
Từ năm 2018, hơn 30 loại thuốc điều trị ung thư nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả tại Trung Quốc, giảm chi phí cho bệnh nhân. Rất nhiều loại thuốc điều trị ung thư ngoại vẫn chưa có mặt, dẫn đến tình trạng thuốc giả tràn lan.
Lê Hằng (Theo Global Times)