Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác

Năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích hết sức ấn tượng. Trong kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của khối thăm dò khai thác (TDKT) dầu khí. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Petrovietnam, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Phó tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn đã có nội dung báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ về “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động TDKT dầu khí trong thời gian tới”.

Xin được trích đăng nội dung này.

Thực trạng hoạt động TDKT

TDKT là một ngành rất đặc thù, có tính quốc tế cao. Ngoài rủi ro về mặt địa chất và tiềm năng, rủi ro trong thi công thực địa, hoạt động TDKT còn chịu nhiều tác động của những biến động từ thị trường thế giới. Trong những năm qua, những khó khăn thách thức không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, cùng với những bất cập từ khung pháp lý cho hoạt động dầu khí, đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động TDKT tại Việt Nam.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Petrovietnam

Báo cáo của Petrovietnam cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả rất tốt trong năm 2022, nhưng thực tế sản lượng khai thác vẫn đang trên đà suy giảm, gia tăng trữ lượng không đủ bù sản lượng khai thác. Vì vậy, Petrovietnam đã sớm nhìn nhận, phân tích rõ những khó khăn thách thức, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Cần kể đến đầu tiên là hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Việt Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới chỉ tiêu gia tăng trữ lượng đạt được ở mức rất hạn chế.

Giai đoạn 2016-2021, tổng số hợp đồng dầu khí ký kết mới trong nước thấp hơn số lượng hợp đồng kết thúc, đặc biệt từ năm 2018 trở lại đây chỉ có 1 hợp đồng mới được ký kết. Số lượng giếng TKTD không đạt kỳ vọng như chiến lược đặt ra. Gia tăng trữ lượng trung bình giai đoạn này khoảng 12,6 triệu tấn/năm, chỉ đạt 55% so với sản lượng khai thác, trong khi để hoạt động ổn định và phát triển, con số này phải đạt 100% đến 120%. Điều đó có nghĩa trong suốt thời gian qua, chúng ta đang khai thác lạm vào quỹ trữ lượng đã có trong quá khứ. Hệ số bù trữ lượng không thực hiện được như kỳ vọng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển của lĩnh vực TDKT dầu khí nếu không có những giải pháp mang tính đột phá chiến lược.

Năm 2022, chỉ tiêu gia tăng trữ lượng đạt 16,97 triệu tấn quy dầu, đạt 63% so với sản lượng khai thác trong năm, dù chưa đáp ứng mong đợi nhưng đây là kết quả đáng khích lệ so với giai đoạn 2016-2021. Điều này thể hiện sự cố gắng rất lớn của Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí. Tuy nhiên, gia tăng trữ lượng trên thực tế chủ yếu từ những khu vực tận thăm dò, hầu như không có tại các khu vực mới. Đây là hệ quả của việc số lượng các hợp đồng dầu khí được ký mới trong thời gian vừa qua là rất hạn chế. Ngoài ra, do không có dự án mới ở nước ngoài nên công tác gia tăng trữ lượng tại các lô hợp đồng ở nước ngoài cũng gần như không có.

Thứ hai là việc duy trì sản lượng dầu và thúc đẩy tăng sản lượng khí. Đến nay, tổng trữ lượng đã phát hiện ở trong nước là 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó đã khai thác khoảng 50%; phần còn lại là 50% thì có tới 75% là khí và 25% là dầu. Trong 50% trữ lượng còn lại này, các mỏ đang khai thác chiếm 30%, trữ lượng từ các dự án trọng điểm (Lô B và Cá Voi Xanh) chiếm 30%, và 40% còn lại từ các mỏ nhỏ/cận biên, chưa đủ điều kiện kinh tế để triển khai. Tiềm năng dầu khí còn lại khoảng 1,5-2 tỷ m3 quy dầu nhưng 50% tiềm năng lại ở vùng nước sâu xa bờ rất khó triển khai, và trong đó tiềm năng khí cũng chiếm tới 70%. Như vậy, việc duy trì được sản lượng dầu, thúc đẩy tăng sản lượng khí là một thách thức rất lớn trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đối với sản lượng dầu, các mỏ khai thác chính đều đang ở giai đoạn suy giảm tự nhiên dẫn đến sản lượng khai thác dầu trong nước trong giai đoạn 2016-2020 suy giảm trung bình ở mức 11%/năm. Năm 2021 tốc độ suy giảm còn khoảng 6,8% và năm 2022, với kết quả tổng sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 8,98 triệu tấn, mức suy giảm khoảng 1%. Có được mức sản lượng như vậy là nỗ lực rất lớn của Petrovietnam trong việc tận dụng cơ hội thị trường, áp dụng các giải pháp quản trị và công nghệ, tích cực xây dựng và đưa các công trình bổ sung, giếng bổ sung vào khai thác cũng như rà soát, bắn vỉa và đưa vào khai thác các phụ vỉa.

Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ phần nào giảm đà suy giảm sản lượng và có tính ngắn hạn. Để chặn đà suy giảm sản lượng cần phải đưa được các mỏ mới vào khai thác mới tạo ra được đột phá về sản lượng. Một trong những chiến lược mà Tập đoàn thực hiện nhằm ổn định sản lượng khai thác dầu là tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Việc này cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Song, việc đầu tư dự án dầu khí ở nước ngoài thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn không chỉ vì những biến động chính trị trên thế giới mà còn bởi những vướng mắc nội tại, khi khung pháp lý đầu tư dự án dầu khí ra nước ngoài còn nhiều hạn chế và bất cập mà đến thời điểm này vẫn chưa thể giải quyết được một cách triệt để.

Cũng như các mỏ dầu, các mỏ khí chủ lực hiện nay đã và đang trong giai đoạn suy giảm tự nhiên. Đặc biệt mỏ khí lớn nhất ở Lô 06.1 suy giảm từ mức 2,1 tỷ m3 năm 2021 xuống còn 0,9 tỷ m3 năm 2023 và có khả năng sẽ phải tạm dừng khai thác vào năm 2024 nếu không kịp triển khai công tác tận thăm dò, khai thác ở khu vực này, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác

Cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ

Thứ ba là những khó khăn liên quan đến việc thúc đẩy phát triển các dự án khí lớn như Lô B, Cá Voi Xanh. Trong phần trữ lượng đã phát hiện chưa khai thác, trữ lượng từ các dự án khí lớn như Lô B, Cá Voi Xanh chiếm tới 30%, bằng với trữ lượng còn lại của các mỏ đang khai thác. Đây là các dự án khí lớn, việc phát triển các dự án này đem lại hiệu quả và lợi ích tổng thể rất lớn cho nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi các dự án khí điện như Dự án Khí Lô B và Cá Voi Xanh cần có những cơ chế đồng bộ cho thị trường khí và thị trường điện, song, hiện chúng ta vẫn chưa có các cơ chế này. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chưa thể triển khai được các dự án. Việc chậm trễ này đã và sẽ ảnh hưởng lớn tới việc bù đắp sản lượng trong thời gian tới, và nếu kéo dài sẽ rất khó có thể triển khai trong tương lai. Điều này sẽ gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất nước, bởi xu hướng chuyển dịch năng lượng sẽ ngày càng làm giảm đi tính cạnh tranh của nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Hoạt động dầu khí trong thời gian tới

Xu hướng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ trên toàn cầu đã tác động không nhỏ tới lĩnh vực TDKT. Các công ty dầu khí quốc tế đã điều chỉnh chiến lược hoạt động TDKT, các định chế tài chính thắt chặt các nguồn vay cho các dự án liên quan đến năng lượng hóa thạch. Việc này cũng tác động tới các dự án dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn vay ngắn hạn, dầu khí vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cán cân năng lượng. Các phát hiện dầu khí/mỏ dầu khí tại Việt Nam cần thúc đẩy sớm để phát triển khai thác trong khoảng thời gian trước năm 2030 nhằm tối ưu khai thác nguồn tài nguyên đất nước, tạo ra nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế khác.

Song song đó, sự bất ổn của thế giới trong thời gian qua làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng tới việc cung cấp vật tư, thiết bị, hàng hóa dầu khí, kéo dài thời thực hiện, phát sinh chi phí… Điều này đã tác động trực tiếp tới quá trình thực hiện hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Mặc dù Petrovietnam đã chủ động xây dựng những biện pháp để quản trị biến động, làm giảm thiểu ảnh hưởng và tác động tiêu cực tới từng dự án, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rủi ro nếu các bất ổn tiếp tục kéo dài.

Năm 2022, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ tư, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Luật Dầu khí mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, tiến bộ, được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực về thể chế, giúp ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng đẩy mạnh các hoạt động TDKT dầu khí, tận thu tối đa nguồn tài nguyên của đất nước, đưa ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, để các quy định/chính sách đột phá, tiến bộ của Luật Dầu khí mới được áp dụng vào thực tiễn, nhiệm vụ đặt ra là các quy định/chính sách của Luật Dầu khí mới phải được cụ thể chi tiết hóa trong các văn bản dưới luật có liên quan, để đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ, cụ thể, tạo thành hành lang pháp lý thông thoáng, làm cơ sở cho Luật Dầu khí mới có tính thực tế; đưa ra được các giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để những vướng mắc về phân cấp quyết định đầu tư…

Với kết quả thực hiện năm 2022, phân tích khó khăn thách thức và cơ hội, Petrovietnam đã đặt ra kế hoạch chi tiết cho hoạt động TDKT trong năm 2023 để tạo đà cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng khẩn trương chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà thầu cho các lô mở có tiềm năng theo quy định của Luật Dầu khí mới để có thể triển khai ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, nhằm thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác, rà soát các các mỏ nhỏ, cận biên, tiềm năng có thể phát triển để thúc đẩy công tác phát triển nhằm sớm đưa các đối tượng này vào khai thác.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác

Khai thác dầu khí tại mỏ Sư Tử Trắng

Để đạt được kế hoạch đặt ra cho năm 2023 và những năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ trong ngắn hạn và dài hạn với các nhóm giải pháp cụ thể về quản trị, nhóm giải pháp về kỹ thuật, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong đó có việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí mới và việc sửa đổi/điều chỉnh các quy trình, quy định nội bộ của Tập đoàn. Trong ngắn hạn, Petrovietnam sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu dầu khí để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm soát tốt các chương trình thăm dò thẩm lượng, công tác khoan, phát triển mỏ và quản lý mỏ an toàn, kiểm soát tối ưu chi phí, tăng cường công tác quản trị biến động để linh hoạt điều hành các hoạt động sản xuất.

Song song với việc nghiên cứu, đánh giá các giải pháp, để có thể hỗ trợ tháo gỡ những tồn tại trong lĩnh vực hoạt động dầu khí, Petrovietnam cũng đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề cấp bách, như việc phân cấp, phân quyền cho Bộ Công Thương xem xét phê duyệt các báo cáo của hoạt động dầu khí thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (như RAR, FDP) theo tinh thần của Luật Dầu khí mới, thay vì đợi đến khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2023. Petrovietnam cũng kiến nghị cần có quy trình, thủ tục rõ ràng nhằm đưa các mỏ nhỏ, cận biên thuộc các lô hợp đồng hiện hữu vào phát triển khai thác, trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật mới; cho phép về chủ trương để Tập đoàn sớm tổ chức triển khai đấu thầu theo quy định của Luật Dầu khí mới đối với một số lô dầu khí mở có tiềm năng; đồng thời giao Tập đoàn xem xét lựa chọn, phê duyệt và triển khai khoan bổ sung tại các lô dầu khí mà các nhà thầu đã trả lại.

Đối với các dự án trọng điểm, Petrovietnam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết các vướng mắc tại các nhà máy điện hạ nguồn tiêu thụ khí Lô B; cũng như tiếp tục tác động thông qua kênh ngoại giao với đối tác sớm đưa Dự án Cá Voi Xanh vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; đồng thời có phương án tháo gỡ các vướng mắc cho công tác đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Với việc nhận diện những khó khăn, tồn tại nêu trên và thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các cấp bộ, ngành giải quyết những khó khăn vướng mắc theo kiến nghị của Tập đoàn, cũng như sự đoàn kết, quyết tâm của những người lao động dầu khí, Petrovietnam tin tưởng rằng những nhiệm vụ đặt ra cho khối TDKT trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo sẽ được hoàn thành theo kế hoạch.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/c5a12928-f9ca-459b-84a3-9c65d8b69835

PV / Cổng thông tin điện tử PVN