Một người đàn ông Việt Nam tố cáo trên truyền thông Nhật Bản rằng, bản thân bị nhà tuyển dụng lừa sang Nhật Bản làm công việc khử phóng xạ gây hại đến sức khỏe.
Tin vào quảng cáo
Thực tập sinh người Việt nói, anh cảm thấy bị lừa khi vay mượn rất nhiều để đến Nhật Bản làm công việc xây dựng nhưng lại đi khử nhiễm xạ.
Theo tờ Asia Nikkei, một thực tập sinh Việt Nam đã lên tiếng về việc bản thân bị lừa đến Nhật Bản làm công việc tẩy rửa chất phóng xạ gây nguy hại đến sức khỏe.
Nói với Asia Nikkei, người đàn ông Việt Nam chia sẻ, anh biết đến với công việc này thông qua tờ rơi quảng cáo chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản.
Với lời mời gọi hấp dẫn: "Bạn có thể kiếm được hơn 150.000 yên (1.400 USD)/ tháng ở Nhật Bản” trên tờ rơi quảng cáo ở Việt Nam, người đàn ông 24 tuổi đã ký hợp đồng làm thực tập sinh cho công ty xây dựng ở tỉnh Iwate, Nhật Bản.
Theo hợp đồng, anh sẽ được giao các công việc liên quan đến “xây dựng”, nhưng khi đến đây, thực tập sinh này phải làm công việc tẩy rửa chất phóng xạ.
"Tôi sẽ không đến Nhật nếu biết công việc của mình là khử nhiễm phóng xạ", thực tập sinh người Việt cho biết.
Công ty xây dựng của Nhật Bản trong vụ việc đã phủ nhận việc lừa gạt người lao động hoặc làm bất cứ điều gì bất hợp pháp. Tuy nhiên, người đàn ông Việt Nam nói trên truyền thông rằng, anh đã bị lừa.
Thực tập sinh người Việt đến Tokyo cùng 2 người Việt Nam khác vào tháng 9/2015. Từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016, anh nhiều lần được phân công làm công việc khử nhiễm phóng xạ ở các khu dân cư của TP.Koriyama thuộc tỉnh Fukushima.
Năm 2011, 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị rò rỉ phóng xạ quy mô lớn sau thảm họa động đất kèm sóng thần. Khoảng 5 năm sau, lệnh cấm của Chính phủ đối với khu vực nhiễm xạ vẫn còn hiệu lực. Trong khi công ty chủ quản chỉ định cho thực tập sinh người Việt làm việc tại đây.
"Tôi không phải là người duy nhất hối hận khi đến Nhật", thực tập sinh này nói.
Văn phòng nhập cư của bộ Tư pháp Nhật Bản ra thông cáo khẳng định việc khử nhiễm phóng xạ là không phù hợp với chương trình thực tập sinh.
Theo đó, công việc khử nhiễm phóng xạ không được phép tuyển dụng lao động bên ngoài Nhật Bản và nhấn mạnh, loại hình công việc này không phù hợp đối với các thực tập sinh có nhu cầu rèn luyện kỹ năng chuyên môn.
Ngay sau thông cáo trên, các công ty tuyển dụng học viên và lao động nước ngoài của Nhật Bản phải nộp cam kết không chọn người tham gia vào công việc khử nhiễm xạ.
Gánh nặng nơi đất khách
Thảm họa rò rỉ phóng xạ Fukushima năm 2011.
Theo hiệp hội Công nhân Zentouitsu, nơi giải quyết các vấn đề lao động liên quan đến người nước ngoài, công ty xây dựng Iwate trong vụ việc trên hiện tuyển dụng lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm các công việc liên quan đến "máy xây dựng, phá dỡ và kỹ thuật dân dụng".
Chương trình thực tập kỹ thuật của công ty nhắm tới đối tượng là lao động nước ngoài từ các nước đang phát triển. Các học viên tham dự chương trình sẽ giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng thiếu lao động. Đổi lại, họ được trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn khi trở về nước.
Chương trình này hiện có danh mục gồm 139 công việc chủ yếu ở 77 ngành nghề, bao gồm xây dựng, sản xuất lương thực, dệt may. Theo hiệp hội Zentouitsu, đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận một học viên nước ngoài phải làm công việc khử nhiễm phóng xạ.
"Tôi biết việc khử nhiễm phóng xạ là công việc quan trọng, nhưng trường hợp này rõ ràng đi ngược lại tôn chỉ chuyển giao kỹ năng cho lao động các nước đang phát triển", Shoichi Ibusuki, một luật sư và là thành viên của mạng lưới hỗ trợ các học viên nước ngoài nêu quan điểm.
Khi đến Nhật Bản, thực tập sinh Việt Nam trong vụ việc đã được đào tạo một tháng, bao gồm các khóa học về lối sống và quy tắc nơi đây.
Thực tập sinh 24 tuổi được hứa hẹn làm một số "công việc đơn giản liên quan đến rửa tường mà ai cũng có thể làm được". Nhưng xe của công ty đưa anh đến một khu dân cư của Koriyama, Fukushima.
Tại đây, thực tập sinh người Việt phải dọn đất, cắt cỏ và quét bụi bẩn ở sân tòa nhà chung cư. Anh nói rằng, thường nhìn thấy các đồng nghiệp Nhật Bản cầm thứ gì đó giống như máy dò tia phóng xạ gần mặt đất và thường thủ thỉ với nhau "chỗ này có vẻ nguy hiểm".
Khi phàn nàn với ông chủ về công việc, thực tập sinh người Việt nhận được câu trả lời bất ngờ: "Nếu sợ thì hãy trở về Việt Nam".
Tuy nhiên, thực tập sinh người Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại vì gánh nặng khoản nợ hơn 1 triệu yen (khoảng 215 triệu đồng) nộp cho chương trình thực tập. Nếu trở về quê hương, thực tập sinh người Việt sẽ phải mất 10 năm mới trả nổi khoản nợ trên.
May mắn thay, vào tháng 11/2017, anh đã rút khỏi hợp đồng với công ty phía Nhật Bản và được hiệp hội Zentouitsu hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Giám đốc công ty ở Iwate thừa nhận đã giao cho thực tập sinh người Việt công việc khử nhiễm phóng xạ nhưng không cho rằng điều này là bất hợp pháp.
Ông nói rằng, bản chất của công việc khử nhiễm xạ đã được giải thích trước cho học viên trên trang web công ty và đổ tại thực tập sinh Việt Nam không biết tiếng Nhật nên không nắm rõ điều này.
Nàng dâu bị lừa vì chi tiền tỷ chạy án cho mẹ chồng Sẵn sàng chi tiền tỷ để chạy án cho mẹ chồng từ tử hình xuống chung thân, nhưng cô con dâu đã bị lừa. |
Giải cứu 2 phụ nữ Campuchia suýt bị lừa bán sang Trung Quốc Ngày 28/2, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức bàn giao hai phụ nữ nước ngoài suýt trở thành nạn nhân của tội phạm ... |