- Hưng Yên điểm danh 44 dự án nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ, điều chỉnh chủ trương
- Sửa Luật Nhà ở để gỡ vướng, thu hút đầu tư nhà cho công nhân
- Giá nhà đất tăng cao, nhà ở bình dân thiếu hụt
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách cải thiện nhà ở, song quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại khiến việc phát triển nhà ở có giá phù hợp với đại đa số người dân, công nhân lao động còn hạn chế. Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá cả phù hợp, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành, các địa phương đưa ra...
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn, tương đương 113.000 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội HUD (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang
Còn nhiều bất cập
Thông tin về kết quả đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn hộ (tổng diện tích hơn 7,79 triệu mét vuông sàn) và đang tiếp tục triển khai 401 dự án, quy mô khoảng 455.000 căn hộ (khoảng 22,718 triệu mét vuông sàn). Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là chính sách ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế... đã ban hành chưa đủ hấp dẫn nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 để phát triển nhà ở xã hội còn thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu. Trong khi đó, vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều mong muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Thực tế cho thấy, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền; đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do Nhà nước quyết định...
Việc thiếu hụt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân so với nhu cầu là một trong những bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. “Đây là vấn đề cấp bách và cần thiết phải có giải pháp khắc phục, giúp công nhân, người thu nhập thấp cải thiện điều kiện sống”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhận xét.
Khu nhà ở xã hội Hope Residences (quận Long Biên). Ảnh: Trọng Hiếu
Triển khai nhiều giải pháp
Xác định phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Mục tiêu là xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo đề án phát triển nhà ở xã hội, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu hình thành nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng cũng chủ động nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở sửa đổi (dự kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV). Theo đó, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp; quy định việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế ưu đãi đầu tư… Bộ Xây dựng cũng tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tại Hà Nội, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành thông tin, theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu phát triển khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn, tương đương 113.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thành phố đặt ra các giải pháp, thứ nhất là hình thành các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Hai là, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Ba là, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.
Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu mét vuông sàn giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025.